Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Cách viết bản mô tả sáng chế chuẩn theo quy định năm 2021

DTVN 11:53 20/12/2020

Nắm rõ cách viết bản mô tả sáng chế sẽ giúp việc cấp văn bằng bảo hộ cho chủ sở hữu được trở nên dễ dàng hơn, đồng thời giúp tiết kiệp thời gian và công sức trong quá trình hoàn thiện văn bản.

Bản mô tả sáng chế là gì?
Khoản 1 Điều 102 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về yêu cầu đối với đơn đăng ký sáng chế như sau: “1. Tài liệu xác định sáng chế cần bảo hộ trong đơn đăng ký sáng chế bao gồm bản mô tả sáng chế và bản tóm tắt sáng chế. Bản mô tả sáng chế gồm phần mô tả sáng chế và phạm vi bảo hộ sáng chế”.

Như vậy bản mô tả sáng chế là tài liệu bắt buộc khi tiến hành nộp đơn đăng ký sáng chế.

Theo khoản 2 Điều 102 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, phần mô tả sáng chế phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;

- Giải thích vắn tắt hình vẽ kèm theo, nếu cần làm rõ thêm bản chất của sáng chế;

- Làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế.

Thông thường, một bản mô tả sáng chế sẽ có 07 phần chính như sau:

- Tên sáng chế, giải pháp hữu ích;

- Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập;

- Tình trạng kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích;

- Mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích;

- Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có);

- Ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích nếu cần;

- Yêu cầu bảo hộ.

Lưu ý: Bản mô tả sáng chế được nộp kèm với bản tóm tắt sáng chế.

Hướng dẫn cách viết bản mô tả sáng chế
Căn cứ khoản 2 Điều 102 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, bản mô tả sáng chế được soạn thảo gồm những nội dung cụ thể như sau:

1. Tên sáng chế:

Tên cần đặt ngắn ngọn, rõ ràng và phù hợp với đối tượng, chức năng hoặc lĩnh vực kỹ thuật mà sáng chế hướng đến.

Tên không nên mang tính quảng cáo.

Ví dụ: Quy trình sản xuất chế phẩm sinh học dùng để nuôi tôm sú; Chế phẩm chăm sóc răng miệng,...

2. Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập:

Người viết cần chỉ ra lĩnh vực kỹ thuật cụ thể mà có liên quan đến sáng chế hoặc lĩnh vực mà sáng chế được sử dụng.

Lĩnh vực được nêu phải phù hợp với lĩnh vực theo phân lọai sáng chế quốc tế theo hướng dẫn tại Bảng phân loại sáng chế quốc tế theo quy định tại đây.

3. Tình trạng kỹ thuật của sáng chế

Người soạn thảo cần nêu ra một hoặc một số giải pháp kỹ thuật đã biết tương tự như sáng chế về bản chất kỹ thuật, mục đích hoặc cùng giải quyết một vấn đề như sáng chế.

Bên cạnh đó, cần chỉ ra các dấu hiệu cơ bản và các nhược điểm của các giải pháp này một cách cụ thể.

Có thể trình bày phần này theo 02 cách:

- Cách 1: Nêu từng giải pháp kỹ thuật, các dấu hiệu cơ bản của nó và chỉ ra nhược điểm và nguyên nhân của chúng.

- Cách 2: Nêu tất cả các giải pháp kỹ thuật một cách tổng thể và sau đó chỉ ra nhược điểm chung và riêng của các giải pháp đó.

4. Mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế

Phải nêu được mục đích của sáng chế, lợi ích mà xã hội nhận được từ sáng chế.

Lưu ý: Nên có câu dẫn: “Mục đích của sáng chế là khắc phục những nhược điểm đã nêu tại phần tình trạng kỹ thuật của sáng chế”.

Mục đích của sáng chế phải được thể hiện một cách khách quan, cụ thể, và không được mang tính quảng cáo.

Khi soạn thảo, cần tránh viết phần bản chất kỹ thuật của sáng chế dưới dạng “tổng quát” vượt quá phạm vi yêu cầu bảo hộ của sáng chế.

Cần mô tả, trình bày chi tiết các dấu hiệu cấu thành sáng chế, đặc biệt là các dấu hiệu mới của sáng chế so với các giải pháp kỹ thuật đã nêu.

5. Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có)

Nếu có hình vẽ trong bản mô tả sáng chế để nhằm làm rõ bản chất của sáng chế thì cần phải có danh mục các hình vẽ và giải thích vắn tắt từng hình.

6. Ví dụ thực hiện sáng chế

Nội dung này nhằm để chứng minh khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế và khả năng đạt được mục đích đề ra. Người viết cần chỉ ra một hoặc một vài ví dụ trong thực tế có thể áp dụng sáng chế.

7. Yêu cầu bảo hộ

Yêu cầu bảo hộ có chức năng xác định phạm vi bảo hộ. Yêu cầu bảo hộ có thể gồm một hoặc nhiều điểm. Mỗi điểm phải được viết riêng thành một đoạn và có đánh số thứ tự ở đầu.

Lưu ý: Nội dung này cần phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng và phải phù hợp với những mô tả thể hiện trong phần mô tả bản chất kỹ thuật.

8. Bản tóm tắt

Phần tóm tắt về sáng chế nên được viết một cách rất rõ ràng bằng ít từ ngữ nhất có thể, thông thường không quá 150 từ.

Ngoài ra, phần tóm tắt yêu cầu phải chứa những nội dung sau:

- Lĩnh vực mà trong đó sáng chế được sử dụng hoặc liên quan đến;

- Phải có tên sáng chế;

- Bản chất kỹ thuật của sáng chế (nội dung này được nêu ngắn gọn, tóm tắt vì đã được nêu tại phần mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế).

Lưu ý: Sáng chế có thể được cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (theo Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005). Nội dung hướng dẫn dưới đây đều được áp dụng cho sáng chế xin cấp 02 loại văn bằng này.

Như vậy, việc viết một bản mô tả sáng chế khá phức tạp và yêu cầu người soạn thảo cần phải có chuyên môn liên quan tới lĩnh vực sáng chế đề cập để có thể hoàn thiện chính xác nội dung văn bản theo quy định của luật pháp.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cach-viet-ban-mo-ta-sang-che-chuan-theo-quy-dinh-nam-2021-d86413.html

Bạn đang đọc bài viết Cách viết bản mô tả sáng chế chuẩn theo quy định năm 2021 tại chuyên mục Tin tức 24h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h