Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Nông dân đăng ký bản quyền sáng chế và muôn vàn khó khăn

DTVN 16:47 18/12/2020

Việc triển khai xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích thời gian qua còn khó khăn, cần được quan tâm tháo gỡ, đặc biệt là với các nông dân.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nhằm bảo đảm cho người sáng tạo có thể khai thác giá trị kinh tế từ các sản phẩm sáng tạo của mình, bù đắp công sức sáng tạo, đồng thời công bố sản phẩm trí tuệ cho toàn xã hội biết để chia sẻ, tiết kiệm chi phí nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tế triển khai xác lập quyền SHTT trong việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích thời gian qua còn khó khăn, cần được quan tâm tháo gỡ.

Hiện nay, trên cả nước đã có hơn 30.000 văn bằng, bảo hộ các sản phẩm sáng chế, giải pháp hữu ích cho các tác giả. Một trong số những nhà sáng chế tích cực là của những người nông dân. Tuy nhiên, có một số ít những nhà sáng chế nông dân chưa có nhiều thông tin về đăng ký bản quyền, thậm chí họ còn khá lạ lẫm.

Chiếc máy thái bèo được ông Lĩnh tạo ra từ 20 năm trước và cũng là sản phẩm khởi nghiệp của gia đình ông. Những ngày đầu, gia đình ông Lĩnh sản xuất vài chục cái phục vụ bà con trong làng. Đến nay, mỗi năm, gia đình ông sản xuất hàng chục nghìn cái bán trong nước và xuất đi nước ngoài. Nhưng đến tận bây giờ ông Lĩnh mới quan tâm tới vấn đề bản quyền.

"Khi sáng chế chỉ biết cắm đầu nghĩ ra sản phẩm, đến lúc nó lớn lên rồi mình mới giật mình suy nghĩ sản phẩm của mình thành hàng hóa thì mới nghĩ tới vấn đề bản quyền" - ông Nguyễn Như Lĩnh (Thái Thụy, Thái Bình) nói về lý do sau 20 năm mới nghĩ đến bản quyền sáng chế.

Nông dân đăng ký bản quyền sáng chế và muôn vàn khó khăn

Nổi tiếng với những sáng chế máy móc giúp nông dân bớt cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, anh Phạm Văn Hát (xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) được nhiều người dân tôn vinh. Thế nhưng, anh cho biết việc đăng ký bản quyền sáng chế cho các sản phẩm của anh ở Việt Nam vẫn rất khó khăn.

"Tuy nhiên hiện nay tôi và nhiều nông dân sáng tạo đang gặp khó khăn trong việc đăng ký bản quyền cho các sản phẩm sáng chế. Vì các sáng chế của nông dân chúng tôi thường là vừa sản xuất, vừa bán và vừa lấy ý kiến nông dân để chỉnh sửa cho đạt hiệu quả tối ưu. Nhưng đến khi mang đi đăng ký bản quyền sáng chế thì gặp phải tiêu chí "bí quyết đã công bố cho xã hội biết trước" nên không được chấp nhận", ông Hát giãi bày.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Hát, hồ sơ đăng ký bản quyền sáng chế cần rất nhiều giấy tờ, các quy định về tài liệu và nội dung viết rất đặc trưng, trong đó, khó thực hiện nhất là các bản vẽ thiết kế. Thời gian đăng ký rất dài qua nhiều năm, chi phí cao làm cho nhiều nông dân sáng tạo chán nản.

Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng cần cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian xét duyệt, cấp văn bằng SHTT để thuận lợi cho các chủ thể có nhu cầu. PGS, TS Mai Hà, Chủ tịch Hội SHTT Việt Nam cho rằng, thời gian cấp bằng SHTT chậm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều tác giả không quan tâm đăng ký. Hệ lụy của việc không được cấp bằng bảo hộ là tác giả không có quyền SHTT đối với kết quả nghiên cứu của mình, không được hưởng quyền lợi về vật chất mà kết quả nghiên cứu có thể mang lại. Hoặc có thể những kết quả nghiên cứu đó bị các tổ chức, cá nhân khác đăng ký quyền SHTT ở các nước khác, được hưởng quyền đăng ký đầu tiên và bảo hộ.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nong-dan-dang-ky-ban-quyen-sang-che-va-muon-van-kho-khan-d86335.html

Bạn đang đọc bài viết Nông dân đăng ký bản quyền sáng chế và muôn vàn khó khăn tại chuyên mục Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Xã hội