Nhóm học sinh sử dụng hạt bơ để làm ống hút
4 học sinh cấp ba ở TP Buôn Ma Thuột là Thanh Mai - trưởng nhóm, Hoàng Thân Tưởng, Nguyễn Viết Sơn và Nguyễn Thị Hồng Hân đã chế tạo ống hút từ loại cây thực vật, thành phần chính là hạt bơ và có thể ăn được.
Cả nhóm đã thực hiện ý tưởng khi thấy phế phẩm nông nghiệp từ cây bơ ở Tây Nguyên quá nhiều. Hạt bơ chiếm khoảng 1/2 khối lượng quả, trong khi người dùng thường bỏ phí.
Hơn 3 tháng miệt mài, nhóm học sinh đã tạo ra sản phẩm ống hút được chiết xuất 100% từ các loại cây thực vật như lá rau ngót, lá cẩm, nghệ... và thành phần chính là hạt bơ.
Hạt bơ tươi được sơ chế để loại bỏ vị đắng, phơi khô xay thành bột, sau đó pha trộn bột gạo, màu tự nhiên, nước và đưa vào máy ép để định hình ống hút. Qua lồng hấp nhiệt bằng hơi nước, nhằm tăng độ kết dính của nguyên liệu và đảm bảo độ bền cho ống hút.
Hạn sử dụng là 12 tháng và có thể ăn được. Sản phẩm được kiểm định đạt chuẩn về các tiêu chí vi sinh vật, kim loại nặng theo quy định của Bộ Y tế.
Ống hút sẽ phân hủy hoàn toàn sau 2-3 tháng trong môi trường tự nhiên, tốt cho đất và cây trồng. Sản phẩm có giá thành rẻ hơn so với các loại ống hút tương tự.
Mai và nhóm bạn mong muốn sắp tới sản phẩm sẽ được sản xuất với quy mô công nghiệp, tận dụng được nguồn hạt bơ chưa được khai thác và sử dụng hợp lý; tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân trồng bơ.
Chế túi giấy từ cây chuối của nhóm sinh viên TP.HCM
Nhận thấy giá trị hữu ích của cây chuối sau khi thu hoạch trái còn có thể tận dụng phần thân để tạo ra những chiếc túi sinh học và phân bón hữu cơ, sản phẩm vừa có khả năng tự phân hủy giúp bảo vệ môi trường và giá thành rẻ.
Nhóm gồm 4 sinh viên khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Văn Lang đã nghiên cứu trong vòng 1 năm để có thể đưa ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Để có một chiếc túi sinh học phải mất gần 1 tuần làm bằng phương pháp thủ công, qua các công đoạn như: chọn chuối, tách bẹ, đập giập, phơi khô, cắt nhỏ, ngâm qua dung dịch NaOH, nấu sôi, xay nhuyễn, vô khuôn, gia công túi.
Ngoài tận dụng thân cây chuối tách bẹ làm túi (giá từ 6.000 - 21.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ), phần bên trong cây chuối còn được nhóm tận dụng làm phân bón hữu cơ (giá 2.500 đồng/kg).
Bạn Huỳnh Anh Bảo, trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Toàn bộ công đoạn nghiên cứu nhóm sử dụng phương pháp thủ công làm tất cả bằng tay, sắp tới nhóm sẽ cải tiến kỹ thuật để đưa ra thị trường với giá thành rẻ nhất cho người tiêu dùng. Dự tính sắp tới nhóm sẽ nghiên cứu giấy gói thực phẩm bằng lá chuối”.
Tái chế vỏ mì tôm thành túi xách, cô trò kiếm hàng triệu đồng giúp người nghèo
Cô Vũ Thị Thảo cùng các học sinh trường THPT Vinschool thành lập nhóm Mì tôm xanh nhằm tái chế vỏ mì tôm thành túi thời trang và những đồ dùng đẹp mắt.
Luôn mày mò làm đồ tái chế, đầu tháng 1/2020, cô Thảo tận dụng những vỏ mì tôm của gia đình để thử đan thành những miếng lót cốc. Sang tháng 2, hưởng ứng sự kiện "Tuần lễ bảo vệ môi trường" do trường khởi động trong thời gian giãn cách, nữ giáo viên nghiên cứu các vật liệu từ chai nhựa, nilon cũ nhưng ưng ý nhất với vỏ mì tôm. Sau đó, cô kêu gọi học sinh cùng tham gia.
Ngay từ lúc đọc được tin "tuyển thành viên" của cô Thảo, Nguyễn Phương Linh, học sinh lớp 10 trường Vinschool đã đăng ký đầu tiên. Tiếp đó, Phạm Gia Tùng, học sinh lớp 11 trường THPT Xuân Đỉnh, quận Tây Hồ cũng gia nhập thông qua sự giới thiệu của cô giáo dạy Địa trong trường.
Các sản phẩm sẽ được bán với giá tùy tâm, riêng một số mẫu như túi xách, giỏ để đồ sẽ giao động từ 100 - 300 nghìn đồng. Số tiền thu về sẽ được chia đều thành hai quỹ, một để ủng hộ chống Covid-19, số còn lại sẽ quyên góp cho những hoàn cảnh không may mắn thông qua chương trình Cặp lá yêu thương. Hơn nửa năm hoạt động, câu lạc bộ Mì tôm xanh đã bán khoảng 30 sản phẩm, tổng số tiền quyên góp và ủng hộ khoảng từ 7 - 9 triệu đồng.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo