Sự bùng nổ của thương mại điện tử với đa dạng các kênh truyền thông nên số lượng nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo, làm đại diện thương hiệu cho các nhãn hàng đang trở nên ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, sự bùng nổ ngày càng nóng đặc biệt qua kênh mạng xã hội khiến nhiều nghệ sỹ, người nổi tiếng cũng dễ dãi quảng cáo cho các sản phẩm mà không có chọn lọc, “thượng vàng hạ cám” từ các loại thuốc trị ung thư, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thẩm mỹ viện, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, điện tử…
Điển hình như nghệ sỹ T.H được nhiều hãng mỹ phẩm có nguồn gốc trong nước, xách tay… săn đón để livestream quảng cáo giới thiệu vào những khung giờ vàng, thậm chí, cùng một lúc nghệ sỹ này chạy sô “lên sóng” facebook cho 2 thương hiệu khác nhau… Hay như trường hợp nghệ sỹ hài B.L được giới mạng xã hội đặt cho biệt danh “ông hoàng livestream”, khi nghệ sỹ này livestream bán hàng không biết mệt mỏi trong tất cả các khung giờ trên mạng xã hội để quảng cáo, bán hàng cho một số sản phẩm có nguồn gốc xách tay.
Người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm kém chất lượng: Thiếu hiểu biết hay vô trách nhiệm? |
Có nghệ sĩ cho biết đang nhận quảng cáo cho hơn 300 mặt hàng, trung bình mỗi ngày livestream một đến hai lần, đỉnh điểm có khi bảy lần với lượt tương tác hàng chục nghìn người. Dựa vào lợi thế là người của công chúng với số lượng fan hâm mộ theo dõi lớn nên họ công khai quảng cáo cho bất kỳ sản phẩm nào trên trang cá nhân.
"Đây là sản phẩm đầu tiên và duy nhất có khả năng tiêu bệnh gout từ căn nguyên. Tinh chất tiêu gout SANGU - sản phẩm số một cho người bị gout", đó là những lời quảng cáo của một diễn viên hài nổi tiếng về một sản phẩm trị bệnh gout đang lặp đi lặp lại trên YouTube nhiều ngày.
Quảng cáo được phát trước mỗi video mà người dùng click vào xem. Tuy nhiên, ngày 7/5, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo: "Trong thời gian vừa qua trên các website và trang mạng xã hội có nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe SANGU không đúng bản chất, quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo".
Không riêng sản phẩm SANGU, ngày càng có nhiều quảng cáo về các loại thuốc đông y, thực phẩm chức năng trên Facebook, YouTube, trong khi chất lượng mập mờ, chưa chính xác. Nhiều người nổi tiếng cũng tham gia quảng cáo cho những sản phẩm này.
Có thể thấy, việc người nổi tiếng tham gia quảng cáo không phải là chuyện mới mẻ mà đã phổ biến từ lâu. Hình thức quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và nảy sinh nhiều bất cập, trong đó có việc nhiều người nổi tiếng tham gia quảng cáo, giới thiệu những sản phẩm kém chất lượng.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho rằng việc người nổi tiếng tham gia vào các quảng cáo sản phẩm đem lại hiệu quả cao cho nhãn hàng. Tuy nhiên, vấn đề tuân thủ và thượng tôn pháp luật thì không phải người nổi tiếng nào cũng làm được. Bằng chứng là gần đây đã xuất hiện một số người nổi tiếng quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí không được pháp luật bảo hộ.
Mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật Thành phố kiểm tra tình trạng một số hội viên tham gia quảng cáo. Công văn cũng lưu ý các văn nghệ sỹ tuyệt đối không tham gia quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành, hay sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ không đúng với chất lượng sản phẩm gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo cho biết đã nhận thấy những phát sinh và bất cập trong các quy định về quản lý quảng cáo trên mạng xã hội. Cơ quan này sẽ rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quảng cáo trên các phương tiện đồng thời sẽ tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành liên quan để quản lý hoạt động quảng cáo.
Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo