Hà Nội, Thứ Ba Ngày 30/04/2024

Những bi kịch tại Dự án khu đô thị mới Bắc sông Cấm Hải Phòng

DTVN 15:28 30/09/2020

Hơn 40 hộ dân ở thôn Bến Bính (Tân Dương, Thủy Nguyên, Hải Phòng) sống trong cảnh lụt lội, ô nhiễm môi trường, nước sạch thiếu thốn từ khi Dự án khu đô thị mới Bắc Sông Cấm.

Dự án Khu đô thị mới Bắc sông Cấm được khởi công ngày 17/8/2017 theo phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 1131/QĐ-TTg, ngày 24/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án do Ban Quản lý Công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng làm chủ đầu tư có quy mô hơn 1.445ha, được kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong phát triển đô thị Hải Phòng.

Theo dự toán, dự án có tổng mức đầu tư là 9.899 tỉ đồng lấy từ nguồn ngân sách thành phố và các nguồn vốn huy động phù hợp khác. Dự án được triển khai từ Cầu Hoàng Văn Thụ, đê, kè sông Cấm, hệ thống giao thông chính và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ toàn bộ khu vực Bắc sông Cấm với thời gian hoàn thiện là 24 tháng.

Dự án khu đô thị mới Bắc sông Cấm – giai đoạn 2 (thuộc xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) nảy sinh nhiều bất cập

Tuy nhiên, từ khi Dự án khu đô thị mới Bắc sông Cấm – giai đoạn 2 (thuộc xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) đã nảy sinh nhiều bất cập về tình trạng ô nhiễm môi trường, thiếu nước sinh hoạt, nước thải sinh hoạt bị tắc nghẽn, ứ đọng, gây khốn khổ cho đời sống của người dân.

Theo phản ánh của bà Lê Thị Bảo (SN 1962, thôn Bến Bính B, xã Tân Dương), hơn 40 hộ gia đình sinh nhai bằng nghề thuyền chài được chính quyền địa phương vận động từ hai bên bờ sông quanh khu vực Bến Bính lên bờ sinh sống ổn định ở đây từ nhiều năm nay. Khoảng giữa năm 2017, chính quyền thông báo sẽ thu hồi toàn bộ đất ở thôn Bến Bính B và được bố trí nhà tái định cư ở xã Dương Quan (huyện Thủy Nguyên) để triển khai Dự án khu đô thị mới Bắc sông Cấm (giai đoạn 2). Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, người dân tại đây phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường, cứ mưa là thôn xóm ngập lụt.

Dự án Khu đô thị Bắc Sông Cấm nằm sát cầu Bính

“Khi dự án chưa về, mọi sinh hoạt của dân chúng tôi đều diễn ra bình thường. Thế nhưng, kể từ khi dự án được triển khai xây dựng, toàn bộ đời sống sinh hoạt của các hộ dân bị đảo lộn. Nước sinh hoạt không có đủ dùng, nước thải dân sinh không có đường thoát do nhà thầu thi công lấp hết đường ống thoát nước, gây ứ đọng, bốc mùi hôi thối. Đường vào thôn xuống cấp nghiêm trọng, hình thành nên các “ổ voi”, “ổ gà”, cứ hễ trời mưa là ngập, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã Tân Dương, nhưng không có phản hồi gì!?”, bà Lê Thị Bảo bức xúc nói.

Bà Lê Thị Điệp (SN 1955, thôn Bến Bính B) giải thích thêm, cả thôn có 2 đường ống dẫn nước thải và tiêu thoát nước của cả khu dân cư được xả ra sông Cấm ở khu vực nhà bà Phạm Thị Loan (thôn Bến Bính B). Tuy nhiên, khi làm hạ tầng giao thông ven sông, nhà thi công đã lấp hết các ống xả thải, dẫn nước lại, nhưng cũng không bố trí đường ống thoát nước khác thay thế, dẫn đến hơn 40 hộ dân phải khổ sở bấy lâu nay.

“Dân chúng tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước, nhưng lẽ ra khi có quyết định thu hồi đất, rồi tiến hành thi công phải bố trí chỗ ở cho dân chúng tôi thì hãy làm. Nhưng khi còn chưa di dân đến nhà tạm, chưa có nhà tái định cư thì đã vội vã phá nhà chờ bến Bính và đưa máy móc vào thi công ầm ầm. Trong khi đó, hàng trăm con người vẫn sinh sống sát bên bị đe dọa đến tính mạng, phải sống chung với ô nhiễm, mọi sinh hoạt đều gặp khó khăn thì có cảnh cơ cực nào hơn!”, bà Điệp buồn bã nói.

Nhà chị Trần Thị Tuyết cứ mưa là lại ngập

Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp rộng chừng 40 m2 mà có tới 7 nhân khẩu sinh sống, chị Trần Thị Tuyết (SN 1985, xóm Bờ Đê, thôn Bến Bính) chia sẻ: “Gia đình chúng tôi sinh sống ở đây đã có 6 thế hệ. Mọi sinh hoạt trước kia tuy khó khăn nhưng vẫn còn khắc phục được. Thế nhưng, từ khi dự án Bắc Sông Cấm – giai đoạn 2 được xây dựng, cứ trời mưa là nhà cửa chúng tôi ngập hết. Nhà thường xuyên ở cái cảnh lụt lội này khổ quá, mọi người có quay video, chụp ảnh gửi cho Chủ tịch UBND xã Tâm Dương (ông Phạm Văn Lương - PV) kêu than, nhưng cũng chẳng thấy động tĩnh gì?”

Theo ông Nguyễn Sinh Xuyên, Trưởng thôn Bến Bính B, theo thông báo của huyện Thủy Nguyên và xã Tân Dương, các hộ dân thôn Bến Bính B thuộc diện bị thu hồi đất để thực hiện Dự án khu đô thị mới Bắc sông Cấm – giai đoạn 2. Theo ông Xuyên được biết, các hộ dân thuộc đối tượng di dời sẽ được bố trí đến khu tái định cư ở xã Dương Quan. Thế nhưng, khi nhà nước có quyết định thu hồi đất và đang có thắc mắc, khiếu nại về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng thì họ đã đưa máy móc vào làm. Dân cũng đã có ý kiến thắc mắc nhưng đến nay tháo gỡ xong.

“Theo tôi được biết, những thắc mắc của dân có liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất và xác lập phương án bồi thường giải phóng bằng để thành phố thực hiện dự án. Dân chưa có chỗ ở mới nên vẫn phải bám trụ lại cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường, các đường ống thoát nước đều bị bịt kín. Chúng tôi rất mong, UBND TP Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên sớm có phương án thấu tình, đạt lý theo quy định pháp luật để người dân ổn định nơi ở, chăm lo phát triển sản xuất, tránh khiếu kiện kéo dài, làm mất ANTT tại địa phương” ông Xuyên kiến nghị.

Những bất cập tại Dự án khu đô thị Bắc Sông Cấm đang vướng những bất cập

Theo tìm hiểu, đơn vị thi công Dự án khu đô thị mới Bắc sông Cấm – giai đoạn 2 là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế công trình xây dựng Hải Phòng, thời hạn hoàn thành là 24 tháng. Thế nhưng, một dự án được kỳ vọng cho sự phát triển của thành phố Cảng là vậy mà đến nay đã vượt quá hạn để hoàn thành, hạ tầng giao thông, công trình phụ trợ ở giai đ tại dự án này vẫn còn đang như ở giai đoạn “bắt đầu” rất ngổn ngang, thi công ì ạch thì người dân cũng sốt ruột lắm chứ!

N.Hoa/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nhung-bi-kich-tai-du-an-khu-do-thi-moi-bac-song-cam-hai-phong-d83956.html

Bạn đang đọc bài viết Những bi kịch tại Dự án khu đô thị mới Bắc sông Cấm Hải Phòng tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội