Cứ tưởng sau khi Nhà máy xi măng Hoàng Mai đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi diện mạo đời sống người dân nơi đây, nhưng ngược lại hàng ngày họ phải sống trong cảnh ô nhiễm. Tiếng ồn, bụi bặm, chất thải, ô nhiễm nguồn nước đang tiềm ẩn nguy cơ về mầm bệnh.
Theo tìm hiểu của PV, Nhà máy xi măng Vicem Hoàng Mai thuộc Công ty CP xi măng Vicem Hoàng Mai được đầu tư xây dựng năm 1995 với công suất 1,26 triệu tấn Clinker/ năm, tương đương với 1,4 triệu tấn sản phẩm hàng hóa/ năm.
Tuy nhiên, kể từ ngày nhà máy đi vào hoạt động đã gây nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Quá bức xúc, người dân sống quanh khu vực nhà máy đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên các cấp nhưng vẫn không giải quyết.
Người dân sống quanh khu vực này tỏ ra rất bức xúc về việc bất chấp tính mạng của Nhà máy xi măng Hoàng Mai. |
Nhận được thông tin phản ánh, Nhóm phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã về tận nơi người dân đang sinh sống để tìm hiểu. Nhiều người tỏ ra rất bức xúc: “nhân dân xóm 8 xã Quỳnh Vinh chúng tôi nói riêng và xóm 7-8-9 thuộc phường Quỳnh Thiện nói chung đều nằm sát về phía đông - bắc của nhà máy.
Ngày đêm phải sống trong nỗi bất an và đối mặt với cuộc sống ồn ào, ô nhiễm từng giờ, bao nhiêu năm nay nhân dân chúng tôi đã gặp trực tiếp lãnh đạo, làm đơn kêu cứu khắp nơi mà có được giải quyết đâu. Thậm chí đã lên các cấp chính quyền rồi nhưng các ông cán bộ đều khất sẽ giải quyết sau, đến nay đã bao nhiêu năm dân khổ mặc dân, nhà máy cứ rứa sản xuất buồn thật các chú ạ”.
Ông Lê Sỹ Hùng, ông Lê Thạc Đăng, ông Lê Công Dũng đều có nhà ở cạnh nhà máy nói: “Khổ lắm chú ơi, khi nghe tin nhà máy về đóng trên địa bàn, người dân chúng tôi mừng vui, hy vọng sẽ tạo công ăn việc làm cho con cháu, nhưng hy vong bao nhiêu thì bây giờ lo lắng, thất vọng bấy nhiêu.
Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, tiếng ồn của xe chở đá, tiếng dây chuyền băng tải nghiền đá làm rầm rộ suốt ngày đêm không lúc nào ngớt. Đặc biệt là tiếng máy đập đá nằm sát dân, khi máy hoạt động thì không thể chịu được. Nhất là vào ban đêm, tiếng ồn lại càng lớn khiến chúng tôi mất ăn, mất ngủ.
Ngoài ô nhiễm bụi đá, bụi đất, nguy hại hơn nữa là vào những ngày mưa, nước bẩn từ trên nhà máy mang theo đất, đá vụn, bùn nhão rót xuống mương nước rồi ngấm vào giếng nước sinh hoạt nguy hiểm lắm”.
Chất thải của Nhà máy xi măng Hoàng Mai chạy tràn lan, trắng xóa cả khu đất ở bãi tập kết mà không được xử lý |
“Trước đây, dân chúng tôi đang dùng nước bể cạn chứ giờ thì phá hết không dùng được vì bụi bay đầy lên mái ngói, nước chảy xuống đục ngầu, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người dân đang sinh sống cận kề nhà máy. Nguy to các chú à, cuộc sống đang yên đang lành, tự nhiên nhà máy mọc lên làm cho mọi thứ đảo lộn.
Cũng chính vì quá bức xúc, nên chúng tôi mới viết đơn kiến nghị gửi cơ quan báo chí, các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý. Gia đình tôi ở đây chỉ cách nhà máy khoảng từ 200-300 mét. Vì vậy hoạt động của nhà máy xi măng rất ảnh hưởng đến môi trường và đời sống”. Ông Hùng chia sẻ thêm!
Trước sự việc trên, nhóm PV đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Lê Hùng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh. Ông Hùng thừa nhận, việc Nhà máy xi măng Vicem Hoàng Mai xả thải là có thật, đã gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của nhân dân.
Nhưng do hiện nay nhà máy đang trong thời gian bão dưỡng, tu sửa nên có xả nhiều hơn. Sau khi nhận được phản ảnh chúng tôi đã làm việc với nhà máy yêu cầu nhà máy phải xử lý triệt để về công tác môi trường, nếu để kéo dài tình trạng này chúng tôi sẽ gửi công văn lên các cấp có thẩm quyền đề nghị giải quyết.
Sau khi nhiều lần bị người dân phản ánh, Nhà máy xi măng lại hoạt động rầm rộ và xả thải vào ban đêm. |
Tiếp tục làm rõ sự việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã nhiều lần liên lạc, điện thoại, nhắn tin với Chánh văn phòng Công ty CP xi măng Vicem Hoàng Mai để đặt lịch làm việc nhưng đều bất thành.
Bên cạnh đó, vấn đề nghiêm trọng hơn khi lãnh đạo nhà máy đã tự ý quy hoạch một bãi đổ, tập kết rác thải sinh hoạt, rác thải rắn, các chất thải của nhà máy ngay phía sau khu dân cư.
Quan sát tại đây là một bãi tập kết bừa bãi nhiều loại chất thải mà không được đầu tư, xử lý khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Bãi tập kết chất thải nham nhở của Nhà máy xi măng Hoàng Mai phía sau khu dân cư. |
Đáng lẽ ra, khi nhà máy được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng việc đầu tiên là phương án xử lý và công tác bảo vệ môi trường theo Luật bảo vệ môi trường đã quy định.
Tuy nhiên, vì để tiết kiệm vốn đầu tư và tăng lợi nhuận kinh doanh nên rất nhiều đơn vị đã bỏ qua hoặc cắt xén kinh phí giành cho công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, mùi, khói bụi…bởi những khoản đầu tư chi phí cho xử lý ô nhiễm môi trường thường chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng vốn đầu tư của dự án.
Thực trạng ô nhiễm môi trường của nhà máy xi măng Vicem Hoàng Mai mà người dân phản ánh là có cơ sở. Vậy dư luận đặt câu hỏi: Tại sao sự việc kéo dài từ rất nhiều năm mà chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An không chịu giải quyết?
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin.
Theo Văn Phú - Vinh Quang/MTĐT