Với giai đoạn thực hiện ban đầu thì mặc dù bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi, đại dịch COVID-19 bùng phát và đứt gãy chuỗi cung ứng đã tạo khó khăn rất nhiều cho nền kinh tế toàn cầu cũng như doanh nghiệp. Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, cùng với tác động mạnh mẽ của khủng hoảng Nga – Ukranai, cả thế giới tiếp tục gặp khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, phân bổ lại thị trường xuất nhập khẩu của nhiều mặt hàng trọng yếu.
Tuy nhiên, qua giai đoạn đầu thực thi đã cho thấy những dấu hiệu hết sức đáng khích lệ trong việc thực hiện và điều này thể hiện ở những con số gia tăng về xuất khẩu. Hiện nay, hai hiệp định có tiêu chuẩn cao nhất tự do hóa trong lĩnh vực hàng hóa, đó là Hiệp định EVFTA và Hiệp định CPTPP, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện. Tận dụng cam kết mạnh mẽ đó, trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta sang EU đạt được khoảng trên 14%,
Thành tích về thương mại và đầu tư
Về thương mại
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – EU đã có sự tăng trưởng bền vững trong những năm qua. Năm 2021, thương mại hai chiều Việt Nam – EU đạt 57 tỷ USD (không tính 6,6 tỷ USD thương mại với Anh) tăng 14,5% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% và nhập khẩu đạt 16,9 tỷ USD, tăng 15,3%.
Thặng dư thương mại năm 2021 là 23,2 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước. Các thị trường thương mại chủ chốt của ta là Đức (chiếm gần 20 tổng thương mại của Việt Nam với EU), tiếp theo là Hà Lan (khoảng 15%), Italia (gần 10%), rồi đến Pháp, Ireland và Bỉ.
6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 23,83 tỷ USD, tăng 22,8% và nhập khẩu đạt 7,88 tỷ USD, giảm 4,6%. Thị trường này tiếp tục có thặng dư thương mại khoảng 16 tỷ USD (thặng dự thương mại của Việt Nam với thế giới là 743 triệu USD).
Theo ngành hàng, trong năm đầu tiên thực thi, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng nhưng hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU lại giảm, ví dụ như mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (giảm 27,9% so với năm 2020), hàng dệt may (giảm 15,2% so với năm 2020), giày dép các loại (giảm 11,3%). Tuy nhiên, sang năm thực thi thứ hai, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã phục hồi và gia tăng đáng kể, hàng dệt may tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, gạo tăng 42,9%, hạt tiêu tăng 81,3%, thuỷ sản tăng 22,7%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 20,9%...
Các mặt hàng giá trị xuất khẩu lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, sắt theo các loại và sản phẩm từ sắt thép. Các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất là sắt thép và sản phẩm từ sắt thép (147%), hạt tiêu (81,3%), cà phê (62,7%), gạo (42,9%), hải sản (22,7%).
Năm 2021, GSP vẫn còn hiệu lực (cho đến 31/12/2022) và doanh nghiệp xuất khẩu đi EU vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ GSP, nhiều doanh nghiệp chưa khai thác lợi thế từ FTA mà vẫn sử dụng GSP vì sự quen thuộc. Mặc dù vậy, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo Hiệp định (Mẫu EUR.1) đang dần tăng cao.
Trong năm 2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyền cấp C/O mẫu EURO đã cấp 208.653 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 8,1 tỷ USD đi 27 nước EU, bằng 20,2% kim ngạch xuất khẩu sang EU. 6 tháng năm 2022, tỷ lệ này đã tăng trên 32% - cao hơn khoảng hơn 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định CPTPP.
Đây cũng là một trong những hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất so với những hiệp định khác trong năm đầu tiên thực thi. Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như gạo (100%), giày dép (98%), thủy sản (gần 80%), nhựa và sản phẩm nhựa (hơn 70%).
Có thể nói, lĩnh vực thương mại hàng nông sản đã tận dụng khá tốt EVFTA. Tuy EU là thị trường có những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm ngặt nghèo nhưng do doanh nghiệp đã được chuẩn bị sẵn kiến thức và giấy phép cần thiết do vậy, khi EVFTA có hiệu lực thì điều rất đáng mừng là nhóm hàng nông thủy sản của Việt Nam đã thể hiện việc tận dụng ưu đãi nhanh nhất trong Hiệp định này, và con số tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu tương đối toàn diện ở nhiều nhóm hàng.
Ví dụ năm 2021, xuất khẩu hàng thủy sản tăng 11,4% (5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm sang thị trường EU đạt 34,5 nghìn tấn, trị giá 301.9 triệu USD, tăng 39,8% về lượng và tăng 49,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021), cà phê – tăng 4,4%, hạt điều – tăng 3,1%, rau quả tăng 3%... Đặc biệt là mặt hàng gạo – mặt hàng trước nay chúng ta gần như chưa xuất khẩu sang thị trường EU thì nay đã có những bước tăng trưởng tương đối khá, đạt mức tăng trưởng 51,9%.
Một điểm cần nhấn mạnh, khi chúng ta tăng xuất khẩu sang thị trường EU thì không phải chúng ta tăng đơn thuần về mặt số lượng mà ở đây đã có chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản của chúng ta sang một số nhóm mà giá trị gia tăng cao hơn... Ví dụ như đối với mặt hàng gạo chúng ta xuất khẩu sang thị trường EU thì giá trung bình cao hơn khoảng gấp đôi so với giá xuất khẩu sang các thị trường khác.
Ngoài ra, những mặt hàng chế biến, chế tạo cũng có bước tăng trưởng tương đối khá, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị tăng trưởng trên 20%, một số ngành khác cũng tận dụng rất tốt cơ hội, trong đó một số mặt hàng chủ lực có tỷ lệ sử dụng C/O cao như dệt may tăng 15,7%...
Trong thương mại hàng nông sản, ngoài phần nông sản đông lạnh được nhập tương đối nhiều như tôm, cá, sản phẩm trái cây, rau gia vị vẫn còn khiêm tốn. Mỗi thị trường nhập nhỏ lẻ nên chi phí tương đối cao, rất khó để xuất khẩu bền vững và vì vậy, hiện tại nhóm mặt hàng này vẫn chủ yếu phục vụ người Việt Nam.
Về đầu tư
Việt Nam chưa phải là địa điểm đầu tư lớn của EU, song cùng với EVFTA, xu hướng đầu tư từ EU tăng lên. Năm 2021, một số quốc gia thuộc EU đã gia tăng mạnh mẽ đầu tư vào Việt Nam như Hà Lan (tăng gần 26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ai-len (235%) và Bỉ (284%). Điều này cho thấy các nhà đầu tư của EU đang đặt nhiều lòng tin vào Việt Nam, với sự bảo hộ tốt hơn qua các cam kết của EVFTA.
Về hình thức đầu tư, có sự chuyển dịch về cách đầu tư. Tỷ trọng đầu tư thực hiện theo hình thức góp vốn mua cổ phần tăng nhanh, từ mức 20,9% năm 2018 lên 40,2% năm 2020 và 58% cho đến hết năm 2021. Về lĩnh vực đầu tư, các lĩnh vực đầu tư từ EU cũng được trải đều hơn so với FDI từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
EU đã đầu tư hầu hết các ngành (18/21 ngành), trong đó tập trung ở công nghiệp chế biến, chế tạo (chủ yếu ở các ngành như lọc hóa dầu, dệt may, điện tử, chế biến thực phẩm và phương tiện vận tải); sản xuất, phân phối điện, khí; bất động sản; thông tin và truyển thông. Việc thực hiện những cam kết về mở cửa thị trường theo EVFTA tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối, công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...
Về hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước
Công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA: Công tác tuyên truyền phổ biến về EVFTA luôn là nhiệm vụ ưu tiên trong các Chương trình hành động thực thi EVFTA. Hoạt động này đã được triển khai rộng khắp, kể từ trong quá trình đàm phán FTA này.
Như vậy, trong 2 năm thực thi Hiệp định, các Bộ, ngành địa phương đã tổ chức hơn 300 hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn, ban hành nhiều ấn phẩm để phổ biến về Hiệp định nhằm tăng cường năng lực cho doanh nghiệp và các tổ chức về FTA. Các Bộ, ngành cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo về thị trường, sớm có cảnh báo về các biện pháp bảo hộ, phòng vệ thương mại của các nước.
Đặc biệt, với việc chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tra cứu thông tin, sớm tận dụng hiệu quả Hiệp định, Bộ Công Thương đã phối hợp các cơ quan liên quan từ rất sớm đã xây dựng website chuyên về các FTA. Cụ thể:
+ Trang https://fta.moit.gov.vn/ có khả năng tích hợp thông tin trong các hiệp định thương mại tự do đa phương, khu vực và song phương của Việt Nam vào một hệ thống tra cứu thông minh và thân thiện với người sử dụng. Theo đó, về thương mại hàng hóa, Cổng thông tin điện tử này cho phép doanh nghiệp và người dân tra cứu ra kết quả mức thuế, lộ trình cắt giảm thuế đối với từng mặt hàng cụ thể theo các FTA của Việt Nam với đối tác, đặc điểm quy mô thị trường, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi và các thủ tục cần thực hiện và biện pháp phi thuế mà doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình xuất/nhập khẩu mặt hàng đó, v.v..
Về thương mại dịch vụ - đầu tư, Cổng thông tin điện tử này cho phép doanh nghiệp và người dân tra cứu ra kết quả cam kết mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư liên quan tới từng ngành/phân ngành dịch vụ hoặc phi dịch vụ theo từng phương thức cung cấp dịch vụ cũng như thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật cam kết và hiện hành có liên quan, v.v.
+ Tháng 3/2022, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức Lễ ra mắt Cổng thông tin VNTR (https://vntr.moit.gov.vn/vi). Cổng thông tin VNTR là bộ phận cấu thành và được liên kết với Cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN (ATR) https://atr.asean.org/.
Về hoàn thiện thể chế, văn bản pháp luật
Chính phủ và các Bộ, ngành đã sửa đổi, ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả ở cấp Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư để thực hiện Bộ luật Lao động, cũng như triển khai các nội dung về thuế quan, nông nghiệp, xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại… Tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông quan 02 Luật cần sửa đổi, bổ sung theo EVFTA. Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), hai Luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2023.
Về các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ giao thương
Cục Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương cũng đã sớm đưa vào Chương trình Xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, Chương trình thương hiệu quốc gia những nội dung thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU. Cụ thể:
+ Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia: Năm 2021, xây dựng sản phẩm truyền thông cho 03 ngành hàng (gồm: hạt điều, hạt tiêu, dừa) và 05 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ ở châu Âu (gồm: trà Tân Cương và trà Mộc Châu, xoài Yên Châu, quả vải Thanh Hà và quả vải Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận, cà phê tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên).
+ Chương trình thương hiệu quốc gia (THQG): đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan tổ chức tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG; Triển khai đăng bài giới thiệu về Chương trình THQG của Việt Nam và các sản phẩm đạt THQG trên Tạp chí Diplomat Magazine và trên các trang web có uy tín, có tầm ảnh hưởng lớn tại Hà Lan.
+ Tổ chức trên 30 phiên tư vấn trong năm 2021, 2022, liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trên môi trường số và hỗ trợ các địa phương tổ chức Hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Những vấn đề cần lưu ý trong quá trình đẩy mạnh thương mại, tận dụng FTA
Gia tăng lừa đảo thương mại, đặc biệt là việc tận dụng môi trường điện tử, môi trường số:
Việt Nam là nền kinh tế năng động, có độ mở cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên hoạt động giao thương, đầu tư của doanh nghiệp ngày càng phát triển; các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ trở thành mục tiêu của lừa đảo hoặc vướng phải tranh chấp thương mại phức tạp. Gần đây, mặc dù các cơ quan trong nước, các Cơ quan đại diện và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cảnh báo, hiện tượng doanh nghiệp ta bị lừa đảo hoặc vướng vào tranh chấp có chiều hướng gia tăng.
Điều này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác. Ví dụ, sau vụ việc 100 container hạt điều, doanh nghiệp ta có tâm lý e ngại làm ăn với đối tác Italia hoặc khi đàm phán các hợp đồng lớn. Đáng chú ý, tình trạng lừa đảo gần đây diễn ra phổ biến hơn tại các thị trường lớn, có uy tín và mức độ rủi ro thấp như ở Mỹ, Hà Lan, Italia, Na Uy… thay vì tập trung ở các thị trường châu Phi trước đây.
Nhiều doanh nghiệp cũng chưa chủ động tìm hiểu, thông tin cho cơ quan chức năng, cơ quan đại diện, thương vụ ta ở nước ngoài mà chỉ liên hệ khi vụ việc xảy ra, gây khó khăn trong quá trình hỗ trợ giải quyết. Mặt khác, cũng có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam gian lận, chưa thực hiện đúng hợp đồng, chuyển hàng chưa đúng yêu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa của sở tại và bị đối tác khởi kiện, ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu quốc gia, uy tín của doanh nghiệp chân chính.
Bối cảnh kinh tế thế giới và EU đang biến động rất nhanh
Điều rất đáng lưu ý là thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường... Tức là người tiêu dùng ở châu Âu hiện nay không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả và chất lượng nữa mà người ta quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào (ví dụ có thải nhiều các-bon ra khí quyển hay không, hay có trả lương tốt cho người lao động làm việc trực tiếp hay không và điều kiện lao động của người làm việc trong quá trình sản xuất ra những sản phẩm đó như thế nào... Đây là xu hướng diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn và rõ ràng chúng ta cần phải đón đầu xu hướng này.
Nền kinh tế tuần hoàn được giới thiệu như một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu, giải quyết các thách thức toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, chất thải và ô nhiễm. Các quy định mới của Liên minh châu Âu nhằm góp phần chuyển đổi nền kinh tế của châu Âu, tập trung vào các sản phẩm bền vững, bao gồm hàng dệt may, vật liệu xây dựng và hộ chiếu sản phẩm số, cũng như quyền của người tiêu dùng, bao gồm cả lệnh cấm “greenwashing” EU là thị trường rất khó tính, duy trì các biện pháp kiểm tra hàng thực phẩm rất ngặt nghèo.
Chẳng hạn: Ngày 28/3/2022, EU đã đăng công báo số 2022/495, khuyến nghị các nước thành viên tăng cường quản lý dư lượng Furan và Alkyfurans trong thực phẩm. Furan và Alkylfuran là hợp chất sinh ra trong quá trình xử lý nhiệt, có thể gây ung thư, thường tìm thấy trong cà phê, thực phẩm đóng hộp của trẻ em, bánh bisquit, nước hoa quả, súp ăn liền, ngũ cốc ăn sáng, các loại snack giòn, khoai tây sấy.
Dự báo trong thời gian tới, các nước thành viên EU sẽ thường xuyên lấy mẫu với các sản phẩm liên quan và tiến hành phân tích dư lượng. Mức dư lượng cho phép với cà phê là dưới 20 µg/kg, với thực phẩm khác là 5 µg/kg. Đối với các mặt hàng rau quả tươi, EU thông báo tiếp tục duy trì yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm và tần suất kiểm tra 20% đối với thanh long với lý do thanh long vẫn còn nguy cơ cao an toàn thực phẩm và tần suất các lô hàng bị cảnh báo chưa có nhiều tiến bộ. Với một số nông sản khác, EU giữ tần suất kiểm tra 50% đối với mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà, đậu bắp và ớt thuộc giống capsicum.
Xung đột Nga - Ucraina khiến EU sẽ thiên về chính sách tăng cường tính tự chủ, tiếp tục thắt chặt các yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động vật; thậm chí là ngoài những tiêu chuẩn do nhà nước đặt ra thì họ còn có tiêu chuẩn mà doanh nghiệp của họ tự đặt ra và yêu cầu khi hàng hóa - ví dụ hàng hóa vào chuỗi bán lẻ thì phải đáp ứng điều kiện nhất định.
Cùng với xu hướng đẩy mạnh kinh tế nội khối, EU cũng sẽ đẩy mạnh thương mại với một số nước khác. Phó Chủ tịch EC phụ trách kinh tế kiêm Cao Ủy Thương mại EC đã khẳng định bây giờ là lúc các Hiệp định Thương mại tự do phát huy tác dụng. Trong hội nghị Bộ trưởng Thương mại EC ngày 3/6 vừa qua, EU đã đẩy mạnh tiến trình đàm phán FTA với các nước như New Zealand, Australia, Indonesia, Ấn Độ, Mexico, Chile và Mercosur.
Một số khuyến nghị về quản lý nhà nước
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản pháp luật
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật, thể chế để bảo đảm tương thích với các nghĩa vụ và cam kết trong EVFTA, đồng thời hướng dẫn thực thi và triển khai các cam kết đã có, cũng như đẩy mạnh công tác rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho thực thi Hiệp định, đặc biệt là những văn bản pháp luật được EU quan tâm (Luật Công đoàn, nghị định quy định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể; một số văn bản pháp luật đã ban hành thoặc trong giai đoạn lấý kiến tạo ra một số quan ngại từ EU cũng như các đối tác của Việt Nam, đẩy nhanh các thủ tục hoàn thiện hồ sơ gia nhập điều ước quốc tế liên quan; Hoàn thiện cơ chế phối hợp trong nước để phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
Chuẩn bị và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ pháp lý tham gia quá trình phòng ngừa, giải quyết khiếu nại và tranh chấp thương mại. Việc xây dựng cơ chế chính sách của Việt Nam cũng cần bắt kịp xu hướng quốc tế, đặc biệt là xu hướng phát triển xanh, giảm phát thải nhà kính, chuyển đổi năng lương...
Tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường EU và về Hiệp định
Đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền theo hướng trực tiếp phối hợp với trực tuyến, tập trung hơn nữa vào các nội dung cụ thể như theo ngành hàng, lĩnh vực... Vận hành hiệu quả, cung cấp nội dung phong phú cho các trang mạng đã có, đảm bảo thông tin đầy đủ, dễ tra cứu, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng sử dụng. Hiện tại các doanh nghiệp EU đang dần dịch chuyển sang thích ứng các biện pháp greendeal.
Họ bắt đầu tập trung vào due diligen, giảm CO2. Để đảm bảo tương lai, các dn vn cũng cần phải trao đổi với đối tác vè chiến lược thương mại bền vững của họ, áp dụng sản xuất tuần hoàn, bền vững, gia tăng năng lượng tái tạo. Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp về xu hướng mới, sản xuất thân thiện môi trường, cân bằng carbon. Do vậy, chính sách của Việt Nam cũng nên chú ý đến các yếu tố này.
Liên kết các nhà nhập khẩu nông sản tại EU để giảm chi phí nhập khẩu nông sản vào EU. Khối lượng đơn hàng lớn sẽ giảm thiểu hơn chi phí và việc liên kết gia tăng được khả năng tiêu thụ nhanh hơn, quay vòng tốt hơn thì khả năng hàng nông sản mới sang được nhiều hơn. Đề nghị nối lại hoạt động của các hội doanh nghiệp Việt Kiều tại châu Âu để liên kết trong kinh doanh.
Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp để đáp ứng quy tắc về xuất xứ hàng hóa
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về hỗ trợ doanh nghiệp trong kế hoạch thực thi EVFTA; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận xuất xứ, hạn ngạch xuất khẩu trong EVFTA... Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có nhiệm vụ của các cơ quan đại diện, cơ quan thương vụ trong việc thông tin kịp thời về thay đổi chính sách, nhu cầu thị trường.... để đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ, thúc đẩy đưa hàng hóa Việt Nam vào các chuỗi siêu thị lớn của các nước EU.
Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, khung hợp tác để tận dụng cơ hội do hội nhập đem lại, thúc đẩy việc tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương