Quảng cáo vượt năng lực được chỉ định
Trong bài viết có nhan đề "Công ty TNHH Khoa học Ứng dụng QMC 'mập mờ' trong cung cấp dịch vụ tư vấn ISO", Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đề cập việc Công ty TNHH Khoa học Ứng dụng QMC quảng cáo sai sự thật về khả năng cung cấp dịch vụ liên quan tới các tiêu chuẩn ISO. Công ty này có địa chỉ theo đăng ký kinh doanh tại số 65, Lô 5, Đền Lừ 2, P. Hoàng Văn Thụ, Q. Hoàng Mai, TP.Hà Nội; địa chỉ niêm yết tại Tòa Ecolake View, HH03B, 32 Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội. Người đại diện pháp luật công ty là bà Nguyễn Thị Hiên.
Cụ thể, theo ghi nhận của PV, thời gian qua, trên mạng xã hội, website của Công ty đăng nhiều thông tin quảng cáo về việc QMC có khả năng tư vấn và chứng nhận hàng loạt hệ thống quản lý chất lượng như ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 22000:2018, ISO 450001:2018, ISO 27000:2013; ISO 13485:2016... Tuy nhiên, trên thực tế, QMC chỉ là đơn vị tư vấn, không có chức năng cấp chứng nhận.
QMC tự nhận có khả chứng nhận hàng loạt hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO. Trong khi đó, đơn vị này chỉ có chức năng tư vấn.
Trên thực tế, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng quy định rõ, đơn vị chứng nhận không được phép cung cấp hoặc giới thiệu dịch vụ tư vấn nhằm đạt được và duy trì chứng chỉ; dịch vụ thiết kế, triển khai hoặc duy trì hệ thống chất lượng. Tuy nhiên, có một số tổ chức hoạt động không tuân thủ quy định này.
Tài liệu hướng dẫn của IAF (Tổ chức diễn đàn công nhận quốc tế, cơ quan trọng tài cho các hoạt động tư vấn và chứng nhận ISO) xác định, hoạt động tư vấn và các hoạt động hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng chỉ bao gồm: chuẩn bị sổ tay, quy trình ra quyết định liên quan tới các vấn đề của hệ thống quản lý; đưa ra những lời khuyên (tư vấn) cho việc xây dựng và triển khai hệ thống chất lượng.
Các quy định của cả hai tổ chức đều nêu rõ, hoạt động tư vấn và chứng nhận (cấp chứng chỉ) phải hoàn toàn độc lập với nhau. Giám đốc, nhân sự, tài chính, hạch toán kinh doanh phải độc lập và sự độc lập đó phải được ISO công nhận.
Quy định là vậy nhưng không hiểu vì lý do gì Công ty TNHH Khoa học Ứng dụng QMC lại quảng cáo theo kiểu "mập mờ", khiến khách hàng dễ hiểu nhầm rằng QMC vừa có khả năng tư vấn, vừa có khả năng cấp chứng nhận ISO. Việc thông tin niêm yết ngay trên website của công ty này là vô tình hay cố ý? Những khách hàng sau khi được Công ty TNHH Khoa học Ứng dụng QMC tư vấn sẽ đi đâu để được cấp chứng nhận?
Tự nhận có khả năng công nhận ISO 17025:2017
Không chỉ quảng cáo sai sự thật về việc có khả năng chứng nhận hàng loạt hệ thống quản lý chất lượng như ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 22000:2018, ISO 450001:2018, ISO 27000:2013; ISO 13485:2016..., Công ty TNHH Khoa học Ứng dụng QMC còn tự nhận có khả năng "công nhận ISO/IEC 17025:2017". Nếu nhìn vào quảng cáo này, khách hàng sẽ hiểu theo hướng QMC có khả năng công nhận năng lực của các tổ chức chứng nhận và phòng thử nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025:2017. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay tại Việt Nam chỉ có 2 đơn vị là Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA) và Viện công nhận AOSC là có chức năng công nhận ISO/IEC 17025:2017.
Website Công ty TNHH Khoa học Ứng dụng QMC quảng cáo về việc công ty có khả năng công nhận ISO/IEC 17025:2017.
Chưa dừng lại ở đó, Công ty Khoa học Ứng dụng QMC cũng quảng cáo có khả năng chứng nhận hợp quy và hợp chuẩn cho rất nhiều sản phẩm (tức là tuyên bố chứng nhận được sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn). Liệu đây có phải hành vi cố ý lừa dối khách hàng?
Vấn đề đặt ra, ở vị trí một khách hàng hoặc doanh nghiệp có nhu cầu chứng nhận ISO, sau khi đọc quảng cáo của QMC, chắc chắn sẽ có không ít người tin tưởng và liên hệ với QMC để làm dịch vụ chứng nhận ISO. Sau đó, khách hàng sẽ "ngã ngửa" khi nhận ra rằng tổ chức này không có chức năng chứng nhận.
Khi đó, rất có thể khách hàng sẽ được đưa sang tổ chức chứng nhận khác và khi đó có thể sự việc đã rồi (hợp đồng đã ký kết) doanh nghiệp buộc phải làm theo các chỉ điểm của QMC mà không biết kết quả chứng nhận có hợp pháp, có phù hợp quy định của pháp luật hay không.
Nhìn vào những phân tích trên có thể thấy, việc Công ty TNHH Khoa học và Ứng dụng QMC quảng cáo có khả năng chứng nhận, công nhận các tiêu chuẩn ISO là không có cơ sở, có dấu hiệu đang lừa dối khách hàng. Điều này càng có cơ sở hơn khi làm việc với phóng viên, chính QMC cũng thừa nhận rằng đơn vị này chỉ là đơn vị tư vấn, không có năng lực cấp chứng nhận.
Vậy tại sao những quảng cáo sai sự thật vẫn xuất hiện trên website chính thức của Công ty TNHH Khoa học và Ứng dụng QMC? Việc quảng cáo sai sự thật là vô tình hay cố ý? Nếu trường hợp khách hàng hoặc doanh nghiệp vì tin vào quảng cáo mà ký kết hợp đồng với QMC sau đó không nhận được kết quả như quảng cáo, QMC có chịu trách nhiệm đền bù hay bồi thường không?
Trong một diễn biến liên quan, trả lời PV Chất lượng Việt Nam, đại diện Công ty TNHH Khoa học và Ứng dụng QMC khẳng định, QMC chỉ là đơn vị tư vấn, không có năng lực cấp chứng nhận. QMC khẳng định không trao đổi với bất kỳ khách hàng nào QMC cấp được chứng nhận ISO, QMC cũng chưa bao giờ cấp chứng nhận ISO.
Theo vị này, QMC chỉ thực hiện dịch vụ: Tư vấn chứng nhận ISO. Cụ thể: Tư vấn xây dựng – Áp dụng – Đánh giá nội bộ - Cải tiến, hướng dẫn hoàn thiện các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO chuẩn bị cho đánh giá cấp chứng nhận – Phần này QMC cũng đã đăng rõ trên website cụ thể: QMC công khai chỉ tư vấn chứng nhận ISO – Chứ không trao đổi khách hàng cấp được chứng chỉ ISO. "Về ngôn từ sử dụng trên website, bài đăng QMC đã yêu cầu bên quản lý website thuê ngoài bổ sung cho rõ ý hơn tránh những hiểu lầm không đáng có", vị này nói.
Tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo nghiêm cấm hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm. |