Hà Nội, Thứ Hai Ngày 07/10/2024

Bài hát dịch từ tiếng nước ngoài có được đăng ký bản quyền?

DTVN 08:33 11/06/2021

Thời gian gần đây, việc các ca sĩ dịch lời và hát lại các ca khúc nhạc nước ngoài bằng tiếng Việt đang trở nên nở rộ.

Bản quyền bài hát là gì?

Theo điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009, tác phẩm âm nhạc là một trong những loại hình được bảo hộ quyền tác giả. Như vậy, bản quyền bài hát là quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc.

Đăng ký bản quyền bài hát là việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm âm nhạc.

Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định về tác phẩm âm nhạc như sau:

“Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”.

Quyền tác giả đối với bài hát phát sinh khi nào?


Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc phát sinh từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không bắt buộc phải đăng ký hay công bố (theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

Tuy nhiên, để tránh khỏi những tranh chấp và chứng minh bài hát thuộc quyền sở hữu của mình thì tác giả, chủ sở hữu nên thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho bài hát. Nếu không đăng ký, việc chứng minh này rất khó khăn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tác giả, chủ sở hữu với bài hát.

Bài hát dịch từ tiếng nước ngoài có được bảo hộ không?


Bản dịch bài hát là bản được dịch ra một ngôn ngữ khác dựa trên ngôn ngữ gốc của bài hát. Theo đó bản dịch bài hát được coi là một loại tác phẩm phái sinh.

Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Trong khi đó, theo Khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: "Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh".

Theo Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Như vậy, bản dịch bài hát muốn được bảo hộ quyền tác giả thì không được gây phương hại đến quyền nhân thân và quyền tài sản của bài hát gốc.

Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định một trong những hành vi xâm phạm quyền tác giả là:

Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.

(điểm i khoản 1 Điều 25 quy định: Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị).

Như vậy, các bài hát nước ngoài nếu dịch sang tiếng Việt hoàn toàn có khả năng được đăng ký bản quyền với điều kiện được sự đồng ý của tác giả sở hữu bài hát gốc.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/bai-hat-dich-tu-tieng-nuoc-ngoai-co-duoc-dang-ky-ban-quyen-d101073.html

Bạn đang đọc bài viết Bài hát dịch từ tiếng nước ngoài có được đăng ký bản quyền? tại chuyên mục Nghe xem đọc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nghe xem đọc