Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất?

DTVN 10:19 08/06/2021

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ giúp việc chống lại sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đạt hiệu quả cao nhất.

Nghiên cứu mới nhất từ các nhà khoa học Anh đã cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm cả hai liều vaccine COVID-19 (loại hai liều). Sau khi được tiêm chủng đầy đủ, những người đã tiêm sẽ được bảo vệ mạnh mẽ khỏi bị nhiễm SARS-CoV-2 và các biến thể hiện đang lưu hành…

Cụ thể, các nhà khoa học làm việc tại Tổ chức Y tế công cộng Anh (PHE) đã phân tích dữ liệu từ các nhóm tuổi và một số sắc tộc từ ngày 5/4/2021. Nhóm này bao gồm hơn 1.000 người đã nhiễm biến thể COVID-19.

Kết quả cho thấy, cả hai loại vaccine (của Pfizer và AstraZeneca) chỉ có hiệu quả khoảng 33% đối với bệnh nhân có triệu chứng của biến thể B.1.617.2 và chỉ 50% hiệu quả đối với biến thể phổ biến hơn được phát hiện lần đầu tiên ở Vương quốc Anh (B.1.1.7) sau một liều duy nhất.

Tuy nhiên, sau hai liều, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, vaccine Pfizer có hiệu quả 88% đối với bệnh nhân có triệu chứng từ biến thể B.1.617.2 và 93% hiệu quả đối với biến thể B.1.1.7. Các tỷ lệ phần trăm này được ghi lại 2 tuần sau liều thứ hai. Họ cũng phát hiện ra rằng hai liều vaccine AstraZeneca có hiệu quả 60% đối với bệnh có triệu chứng từ biến thể B.1.617.2 và 66% hiệu quả đối với biến thể B.1.1.7.

Hiệu quả thấp hơn của vaccine AstraZeneca sau hai liều, khi so sánh với Pfizer, có thể là do chủ yếu được tiêm cho người lớn tuổi, một nhóm có xu hướng phản ứng miễn dịch yếu hơn. Các chuyên gia khẳng định, vaccine cung cấp khả năng bảo vệ hơn 90% chống lại COVID-19.

Các nhà khoa học giải thích, sau khi tiêm một liều vaccine (loại hai liều), cơ thể sẽ chỉ có phản ứng miễn dịch tương đối yếu chống lại SARS-CoV-2. Việc tiêm liều thứ hai không chỉ bảo vệ con người khỏi nhiễm trùng SARS-CoV-2 mà còn giúp chống lại các biến thể của virus này. Trong đó, có biến thể được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ (B.1.617.2). “Chúng tôi hy vọng vaccine sẽ hiệu quả hơn nữa trong việc ngăn ngừa các ca phải nhập viện và tử vong. Vì vậy, điều quan trọng là phải tiêm cả hai liều để đạt được sự bảo vệ tối đa chống lại các biến thể của COVID-19", TS. Mary Ramsay cho hay.

Ảnh minh họa

Được biết, hiện có ba kiểu phụ của biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, mỗi kiểu có cấu tạo gen khác nhau: B.1.617.1 (bản gốc B.1.617), B.1.617.2, B.1.617.3.

Biến thể B.1.617.2 có các đột biến được gọi là 452R và 478K, cả hai đều liên quan đến việc tăng khả năng truyền nhiễm. Không có đột biến nào trong bất kỳ kiểu nào của biến thể B.1.617 có liên quan đến việc gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các nhà khoa học cho biết, có khả năng B.1.617.2 dễ lây truyền hơn 50% so với B.1.1.7. và các loại vaccine hiện tại có hiệu quả chống lại các biến thể này.

Theo TS David Hirschwerk, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Northwell Health (New York), mặc dù các loại vaccine hiện có vẫn rất hiệu quả đối với các biến thể mới nổi, nhưng không có gì đảm bảo rằng sẽ không phát sinh ra các biến thể có thể chống lại tác dụng của vaccine.

Cách tốt nhất để giảm khả năng chống lại các biến thể mới là hạn chế sự nhân lên của virus đang diễn ra trên toàn thế giới. Vì vậy, cần nhiều người hơn được tiêm vaccine ở khắp mọi nơi. Các nhà khoa học nhấn mạnh, việc tiêm vaccine cho những người trẻ tuổi cũng rất quan trọng. Bởi họ có xu hướng di chuyển nhiều hơn trong cộng đồng. Những người trẻ tuổi chưa được tiêm chủng có nguy cơ mắc và truyền vi rút cao hơn.

Theo Chất lượng Việt Nam Online

Link gốc : http://vietq.vn/tiem-vaccine-ngua-covid-19-nhu-the-nao-moi-dem-lai-hieu-qua-cao-nhat-d187770.html

Bạn đang đọc bài viết Tiêm vaccine ngừa COVID-19 như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất? tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội