Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Mất việc do Covid-19, người lao động được hưởng những quyền lợi gì?

Mai Hương(T/H) 09:01 08/08/2020

Sau đây là 5 chế độ mà người lao động (NLĐ) cần biết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình nếu bị mất việc trong mùa dịch Covid-19.

NLĐ mất việc do Covid-19 được hưởng trợ cấp mất việc hay thôi việc?

Để xác định người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, cho thôi việc doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được hưởng trợ cấp mất việc làm hay trợ cấp thôi việc thì cần xác định được căn cứ để công ty thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, cho người lao động thôi việc là gì?

Cụ thể như sau:

- Thứ nhất, căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động 2012 và Điểm a Khoản 2 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ nếu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Nhưng phải báo cho người lao động biết trước:

- Ít nhất 45 ngày nếu là HĐLĐ không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày nếu là HĐLĐ xác định thời hạn;

- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu là HĐLĐ theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Do đó, nếu NLĐ bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định trên thì được trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 BLLĐ 2012.

- Thứ hai, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, nếu NLĐ bị doanh nghiệp cho thôi việc vì một trong các lý do sau đây thì được trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 BLLĐ 2012:

+ Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho NLĐ thôi việc theo Khoản 1 Điều 44 BLLĐ 2012 và Khoản 1 Điều 13 Nghị định 05.

+ Vì lý do kinh tế không thể giải quyết được việc làm mà phải cho NLĐ thôi việc theo Khoản 2 Điều 44 BLLĐ 2012 và Khoản 2 Điều 13 Nghị định 05.

+ Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp nhưng không sử dụng hết số lao động hiện có mà phải cho NLĐ thôi việc theo Điều 45, Điều BLLĐ 2012 và Điều 15 Nghị định 05.

Lưu ý: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho NLĐ là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho doanh nghiệp trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được doanh nghiệp chi trả trợ cấp thôi việc.

5 chế độ mà NLĐ cần biết

Sau đây là 5 chế độ mà người lao động (NLĐ) cần biết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như có một khoản thu nhập để trang trải trong thời gian chưa kiếm được việc làm mới nếu bị mất việc trong mùa dịch Covid-19:

Chế độ thôi việc/mất việc

Trường hợp hợp đồng lao động (HĐLĐ) chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 Bộ luật lao động 2012 NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận chấm dứt HDLĐ; hoặc NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ; hoặc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ đúng pháp luật; hoặc...) thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc.

Trường hợp NLĐ mất việc do NSDLĐ thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho NLĐ thôi việc hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã mà phải chấm dứt HĐLĐ với NLĐ thì NSDLĐ có nghĩa vụ trả trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc.

Chế độ trợ cấp thất nghiệp

NLĐ đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) khi có đủ các điều kiện sau đây thì có thể nộp hồ sơ hưởng TCTN tại trung tâm dịch vụ việc để được giải quyết hưởng TCTN:

(1) Chấm dứt HĐLĐ, trừ các trường hợp sau đây:

- NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật;

- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

(2) Đáp ứng điều kiện về thời gian thamg gia bảo hiểm thất nghiệp:

- Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với HĐLĐ không xác định thời hạn, hoặc có xác định thời hạn;

- Hoặc đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Lưu ý về thời hạn nộp hồ sơ hưởng TCTN Là trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ. Sau thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ mà NLĐ không nộp hồ sơ hưởng TCTN thì NLĐ đó được xác định là không có nhu cầu hưởng TCTN Thời gian đã đóng BHTN được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng TCTN cho lần hưởng TCTN tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng TCTN theo quy định.

Chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm

NLĐ đang đóng BHTN bị chấm dứt HĐLĐ mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm.

Theo đó, NLĐ ghi đầy đủ các thông tin vào phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và nộp trực tiếp cho trung tâm dịch vụ việc làm.

Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm trên cơ sở nhu cầu, khả năng của NLĐ và nhu cầu của thị trường lao động.

Đối với NLĐ khác có thể liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, giới thiệu việc làm nhưng phải trả phí tư vấn, giới thiệu việc theo quy định của pháp luật về phí.

Chế độ hỗ trợ học nghề

NLĐ đang đóng BHTN được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:

(1) Chấm dứt HĐLĐ, trừ các trường hợp sau đây:

- NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật;

- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

(2) Đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại trung tâm dịch vụ việc làm.

(3) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:

- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Chết.

(4) Đã đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐtheo quy định của pháp luật.

NLĐ đáp ứng đủ điều kiện trên có nhu cầu học nghề phải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm để được giải quyết theo quy định (Hồ sơ cụ thể được quy định tại Khoản 12, 13 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP).

Thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng. Mức hỗ trợ học nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp bị NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật

(1) NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày NLĐ không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ.

(2) Trường hợp NLĐ không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường tại điểm (1) NSDLĐ phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định.

(3) Trường hợp NSDLĐ không muốn nhận lại NLĐ và NLĐ đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường theo điểm (1) và trợ cấp thôi việc theo quy định, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ để chấm dứt HĐLĐ.

(4) Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong HĐLĐ mà NLĐ vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường theo điểm (1), hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ.

(5) Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho NLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/mat-viec-do-covid-19-nguoi-lao-dong-duoc-huong-nhung-quyen-loi-gi-d80385.html

Bạn đang đọc bài viết Mất việc do Covid-19, người lao động được hưởng những quyền lợi gì? tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội