Gặp nhau cuối năm 2020 mang đến câu chuyện ở làng Vũ Đại thời hội nhập, trong đó với mong muốn của dân làng là phát triển du lịch để để làm kinh tế, thay đổi diện mạo con người, làng quê. Người làng là những nhân vật quen thuộc bước ra từ các tác phẩm văn học, hay điển tích sân khấu như lão Hạc, Thị Màu, Thị Nở , Chí Phèo, Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, Mõ…
Không chủ ý đề cập đến những vấn đề nổi cộm trong nhiều lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, xã hội… trong một năm qua như Táo quân, Gặp nhau cuối năm 2020 mang đến câu chuyện nhẹ nhàng mang nhiều tính giải trí hơn, và chỉ “đá” qua một số vấn đề được quan tâm như: nước sinh hoạt nhiễm bẩn, bụi mịn, chậm tiến độ thi công đường sắt trên cao, chiêu trò truyền thông bẩn, bán hàng lừa đảo…
Gặp nhau cuối năm 2020 bị vi phạm bản quyền hàng loạt |
Điều đáng buồn là ngay khi chương trình Gặp nhau cuối năm 2020 vừa lên sóng được ít phút thì Nhóm Hiệp sĩ Online đã phát hiện có hàng chục kênh YouTube, hàng chục tài khoản Facebook đã livestream trực tiếp chương trình. Đây là hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng chương trình do VTV sản xuất.
Không ít kênh thu lậu Gặp nhau cuối năm 2020 thu hút được hàng chục người xem cùng lúc như kênh: BKC Camera an ninh có tới gần 18.000 lượt người xem, kênh KhanhKT Magic có tới 35.000 lượt người xem…
Trước đó, vào ngày 23 tháng Chạp, chương trình Táo quân vi hành 2020 cũng bị phát hiện vi phạm bản quyền trên hàng trăm tài khoản mạng xã hội YouTube và Facebook.
Bắt đầu từ năm 2018, VTV đã thực hiện đăng ký bản quyền chương trình Táo quân tại Mỹ, mục đích nhằm bảo vệ chương trình khỏi bị xâm hại bản quyền trên Internet. Nhưng chương trình Táo quân 2018 ngay từ lúc được phát sóng, đã có nhiều kênh YouTube, trang cá nhân đã phát sóng trực tiếp chương trình “Táo quân 2018” cùng lúc với VTV. Đến tối mùng 1 Tết 2018, đã có 260 ứng dụng, nền tảng vi phạm bản quyền Táo quân 2018. Tiếp đó năm 2019, chương trình Táo quân cũng bị hàng trăm tài khoản mạng xã hội vi phạm bản quyền.
Ngành nội dung số Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn nạn rất lớn đó là tình trạng vi phạm bản quyền của các đài truyền hình, các nhà sản xuất phim. Bên cạnh việc vi phạm bản quyền trên các trang mạng xã hội thì các trang phim lậu mở ra như nấm cung cấp các nội dung không có bản quyền, thu phí người xem và thu tiền từ quảng cáo đã được nhắc đến từ 6-7 năm nay khi mà nền công nghiệp nội dung số bắt đầu phát triển.
Theo Hạ Vân/Sở hữu Trí tuệ