Trước đó, Chất lượng Việt Nam (VietQ) đã có bài viết phản ánh về sản phẩm Tảo Sâm và Serum Ric Skin HA+ do Công ty Cổ phần tập đoàn Kohinoor Star (Công ty Kohinoor, số 40, đường 2.2, Khu đô thị Gamuda Gardens, P. Trần Phú, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) chịu trách nhiệm phân phối có dấu hiệu vi phạm luật quảng cáo. Trong hành trình mở rộng tìm hiểu, VietQ ghi nhận thêm sản phẩm TPBVSK Ric Skin Cleanness và Xuyên Tâm Liên Plus cũng được công ty trên “bảo hộ” đang quảng cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trên nhiều trang website, sản phẩm TPBVSK Ric Skin Cleanness được quảng cáo rầm rộ, sai công dụng khiến người bị mụn lầm tin là thuốc điều trị bệnh.
Cụ thể, truy cập trang website https://kohinoorstar.com/, https://kohinoorstar.com.vn/,... sản phẩm Ric Skin Cleanness được giới thiệu hoạt động dựa trên cơ chế “diệt mụn từ sâu bên trong” cơ thể, do đó, viên uống trị mụn tác động trực tiếp lên các yếu tố gây mụn như nóng gan, nóng thận, hệ bài tiết kém khiến cơ thể bị nhiễm độc. Bên cạnh đó, còn giúp thanh lọc cơ thể, tăng cường thải độc tố bên trong cơ thể ra ngoài và cân bằng nội tiết tố... Nhờ vậy các bã nhờn trên da được điều tiết và ngăn ngừa tác nhân gây mụn từ bên trong cơ thể.
Nếu chỉ nhìn vào quảng cáo trên, số đông người tiêu dùng sẽ lầm tưởng sản phẩm Ric Skin Cleanness là thuốc điều trị mụn và tin tưởng sử dụng với niềm tin sẽ “tiêu diệt” mụn như cam kết của tổ chức kinh doanh mà không hay biết sản phẩm này không phải thuốc và không có công dụng điều trị.
Một sản phẩm khác là xịt họng Xuyên Tâm Liên Plus cũng đang quảng cáo sai công dụng. Theo quảng cáo, dung dịch xịt họng Xuyên Tâm Liên Plus chứa thảo dược như xuyên tâm liên, tinh dầu trầu không, tinh dầu tràm gió... do đó, có công dụng hoạt động như những kháng sinh, kháng viêm thực vật giúp làm sạch mũi họng, tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm, phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên, phòng ngừa Covid, viêm mũi họng, viêm xoang hiệu quả.
Theo điều tra của PV, tất cả sản phẩm nêu trên được bán ở cả những webiste đã đăng ký Bộ Công Thương và chưa đăng ký nhưng tựu chung là đều quảng cáo sai công dụng của sản phẩm. Do đó có thể thấy tổ chức kinh doanh đã bất chấp quy định pháp luật vì mục tiêu lợi nhuận.
Trước đó, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống đẹp da Sâm tố nữ Puecolazen mang thương hiệu KOHINOOR, cũng bị Cục ATTP - Bộ Y tế cảnh báo quảng cáo sai công dụng. Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống đẹp da Sâm tố nữ Puecolazen.
Tưởng sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, tổ chức kinh doanh thương hiệu KOHINOOR sẽ tiếp thu và chấn chỉnh nội dung quảng cáo nhưng đơn vị này vẫn có dấu hiệu vi phạm với các sản phẩm khác. Để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tốt, VietQ đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, làm rõ.
Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;
Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;
Ngoài ra, có trách nhiệm phải tháo gỡ; tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; buộc phải cải chính thông tin bị sai.
Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015:
Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.