Bộ Công an cho biết, cơ quan này hiện đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, xác minh vụ việc. Qua điều tra đã bắt khởi tố một đối tượng người Đài Loan và đang tiếp tục mở rộng điều tra. Trước tình hình trên, Bộ Công an đã đề nghị các ngân hàng phối hợp chặt chẽ trong việc khắc phục các lỗ hổng bảo mật hệ thống quản trị tại các máy chủ tại ngân hàng.
Trên thực tế, trong thời gian qua đã có nhiều người dùng cho biết về trường hợp tiền trong tài khoản “bốc hơi” không rõ nguyên do. Trong gần 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 840 chuyên án, vụ việc liên quan tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng (tăng 42% so với cùng kỳ), trong đó khởi tố 255 vụ án với 185 bị can.
Ảnh minh hoạ
Đại diện Bộ Công an đánh giá tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng đang có xu hướng gia tăng trong thời gian qua, có tính chất xuyên quốc gia và gây thiệt hại lớn. Một số thủ đoạn phổ biến bao gồm sử dụng danh nghĩa của tổ chức để lừa đảo, chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản (mạng xã hội, sàn thương mại điện tử,…), lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp, hoặc thực hiện tấn công mạng.
Theo báo cáo “Khảo sát tội phạm kinh tế và gian lận toàn cầu năm 2022” của PwC công bố hồi đầu tháng 6 vừa qua, tội phạm an ninh mạng đứng đầu danh sách các mối đe dọa lớn nhất đối với doanh nghiệp ở tất cả quy mô. Trong kết quả khảo sát năm nay, 42% doanh nghiệp lớn cho biết đã trải qua tình trạng tội phạm an ninh mạng trong giai đoạn này, trong khi chỉ 34% doanh nghiệp gặp phải gian lận thực hiện bởi người tiêu dùng.
Theo PwC, sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật tiềm ẩn vô số cơ hội cho tội phạm tài chính và 40% trong số người được khảo sát gặp phải gian lận đã trải qua một số hình thức gian lận nền tảng.