Theo nhiều nguồn tin, xe buýt điện Hà Nội là dạng Trollyeybus - xe buýt điện bánh hơi, khác với dạng xe nhỏ ở TH.HCM từng triển khai.
Hình ảnh một xe buýt điện tại Trung Quốc |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây đã ký ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND về việc thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020. Trong kế hoạch này, đã vạch ra rất rõ sự cần thiết của việc tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các loại hình vận tải hành khách công cộng, trong đó vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Mục tiêu trong năm 2019 sẽ hoàn thành việc mở mới khoảng 20 tuyến, sang năm 2020, tiếp tục mở mới từ 25- 25. Các tuyến buýt được mở mới sẽ có nhiệm vụ mở rộng mạng lưới tuyến tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu như đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, du lịch.
Đầu tư, đổi mới đoàn phương tiện theo hướng ưu tiên sử dụng phương tiện chất lượng cao, xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường (Xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch như khí CNG, LPG…).
Bên cạnh đó, UBND Hà Nội yêu cầu Sở Giao thông vận tải Hà Nội cần tập trung phát triển mạng lưới xe buýt ngang, tăng cường khảo sát để mở rộng thị trường, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt. Phấn đấu đến năm 2021- 2025 đưa xe buýt điện vào hoạt động.
Xe buýt điện Hà Nội sẽ khác với ở TH.HCM
Theo GS.TS, NGƯT, Giảng viên Cao cấp trường ĐH GTVT Từ Sỹ Sùa, phải hiểu đúng khái niệm về xe buýt điện. Thực tế, trước đây Thủ tướng Chính phủ đã cho thí điểm xe buýt điện tại TP.HCM, loại hình xe này chỉ có sức chứa từ 6 – 12 người. Loại xe này thân thiện với môi trường, nhưng bởi có sức chứa ít và chỉ hoạt động trong một phạm vi nhỏ nên không phát triển mạnh. Nguyên lý hoạt động của xe buýt nói chung hiện nay là phải có sức chứa lớn, giảm phương tiện có sức chứa nhỏ.
GS.TS, NGƯT, Giảng viên Cao cấp trường ĐH GTVT Từ Sỹ Sùa |
Xe buýt điện mà Hà Nội đưa vào sử dụng trong những năm tới thực chất là Trolleybus, hay còn gọi là xe buýt điện bánh hơi. Đây là loại xe buýt vận chuyển trong đô thị chạy bằng động cơ điện.
Phương tiện này có kết cấu giống xe buýt hiện nay, chạy trên đường ô tô thông thường. Trolleybus là một sự phát triển đúng hướng bởi ưu điểm của loại hình vận tải bằng điện này là hoạt động không gây ô nhiễm, độ ồn thấp. Những đặc tính kỹ thuật của động cơ điện tạo thuận lợi cho các hoạt động của xe buýt điện, đặc biệt là đặc tính sức kéo điện. Thêm vào đó, động cơ điện có tuổi thọ và hiệu suất kinh tế cao hơn động cơ đốt trong. Việc sử dụng cơ cấu đổi biến bằng bán dẫn cho phép tiết kiệm năng lượng cao, nhất là khi khởi động và hãm. Xe buýt điện có thể đỗ xe sát vỉa hè, đảm bảo hành khách lên - xuống xe thuận lợi và an toàn.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu xe buýt điện bánh hơi có cùng chung “số phận” với xe buýt nhanh BRT hay không. GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, đây là hai loại hình được chạy trong những làn đường khác nhau nên không thể so sánh. Bởi xe buýt BRT được chạy trong đường ưu tiên riêng của nó. Còn xe buýt điện bánh hơi thì chạy trên đường ô tô thông thường, thay thế cho loại hình xe buýt trước đây, thân thiện môi trường.
Kế hoạch 201/KH-UBNDcũng đã chỉ rõ, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, mạng xã hội, các diễn đàn thực hiện việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Từng bước xây dựng văn hoá giao thông, thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tăng cường thông tin tuyên truyền hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. |
Theo Nguyễn Bá/Thời đại