Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bê bối ở trường cán bộ quản lý giáo dục TPHCM: Khuất tất tiền ngân sách?

DTVN 22:29 01/10/2019

Nhiều hành vi lập khống, ký khống chứng từ, hoá đơn đã được nhóm chương trình “nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục” của Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM thực hiện.

Theo phản ánh, ngày 15/8/2017, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM đã có tờ trình số 766/TTr-CBQLGDHCM gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị được cấp 600 triệu đồng từ ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục".

Đến ngày 21/8/2017, trường tiếp lục lập Kế hoạch số 779/KH-CBQLGDHCM gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó, ghi rõ các khoản chi liên quan đến chương trình “nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục” nói trên.

Cụ thể, ở khoản chi "Xây dựng chương trình bồi dưỡng", trường dự kiến kinh phí 400 triệu đồng, gồm các nội dung chi: Khảo sát, đánh giá nhu cầu - 100 triệu đồng; Tổ chức hội thảo, hội nghị - 70 triệu đồng; Chi phí xây dựng chương trình - 70 triệu đồng; chi phí viết tài liệu - 100 triệu đồng; Chi phí thẩm định, nghiệm thu - 30 triệu đồng; Chi phí khác - 30 triệu đồng.

Ở khoản chi "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên" với kinh phí 200 triệu đồng, gồm các nội dung chi: Chi cho giảng viên nghiên cứu thực tế - 120 triệu đồng; Chi mở lớp bồi dưỡng cho giải viên - 70 triệu đồng; Chi phí khác - 10 triệu đồng.

Tờ trình và kế hoạch này, sau đó đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua, cấp kinh phí để thực hiện.

Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, ngay sau khi được Bộ phê duyệt, Khoa Quản lý giáo dục – đơn vị được giao triển khai chương trình này đã có tờ trình gửi Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM về việc điều chỉnh nội dung kế hoạch của chương trình nói trên.

Theo đó, đơn vị này đã xin không tổ chức hội thảo, hội nghị mà chuyển sang hình thức “xin ý kiến chuyên gia”. Việc điều chỉnh này, đã được ông Hà Thanh Việt, Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM chấp thuận cho triển khai.

Theo kế hoạch 779/KH-CBQLGDHCM, công việc đầu tiên khi xây dựng chương trình bồi dưỡng "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục" là “khảo sát - đánh giá nhu cầu”.

Để thực hiện hạng mục này, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM đã thành lập một đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá tại 10 tỉnh, thành trong cả nước.

Danh sách đoàn khảo sát bao gồm: Ông Phan Minh Phụng (Phó hiệu trưởng nhà trường), ông Vũ Đình Bảy (Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn giáo dục), bà Lê Thị Thanh Loan (Phó phòng Kế hoạch - Tài chính), bà Phạm Bích Thủy (Trưởng khoa Quản lý giáo dục), ông Phạm Đào Tiên (Phó Trưởng phòng Đào tạo, kiêm Giám đốc Trung tâm tin học và ngoại ngữ).

Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, cả 5 người này đều không trực tiếp đi khảo sát tại 10 địa phương nói trên. Thay vào đó, đã có nhiều gian dối trong việc kê khai quá trình khảo sát để nhận về khoản tiền “công tác phí” 246,5 triệu đồng.

Để hợp thức hóa chứng từ, hồ sơ, nhóm đã liên hệ với một trường đại học tại TP.HCM để lấy phiếu khảo sát nhu cầu từ các học viên, sinh viên đang theo học tại trường này.

Không những thế, nhóm thực hiện chương trình cũng lập khống, ký khống nhiều chứng từ tài chính để quyết toán hàng trăm triệu đồng trong 600 triệu đồng tiền ngân sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Theo kế hoạch 779, nhóm thực hiện chương trình phải mở 2 lớp bồi dưỡng thí điểm cho giáo viên trong Trường với tổng kinh phí 200.000.000 đồng. Học viên được học miễn phí, và nguồn chi là kinh phí không thường xuyên ngân sách nhà nước, nằm trong gói 600 triệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp. Thế nhưng, nhóm thực hiện chương trình này đã tự ý lấy lớp dịch vụ của Trường để quyết toán thành lớp thí điểm như trong kế hoạch 779.

Cụ thể, nhóm đã “hô biến” lớp cập nhật kiến thức quản lý tài chính, tài sản dành cho Chủ tài khoản và cán bộ kế toán trong trường học” tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 3 TP Đà Nẵng (đây là lớp dịch vụ, có thu học phí 1.000.000 đồng/học viên) thành lớp thể nghiệm của Chương trình bồi dưỡng “Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục”.

Việc “đánh lận con đen” này, đã giúp cho nhóm chương trình “bỏ túi” hàng trăm triệu đồng ngân sách nhà nước.

Nghiêm trọng hơn, cơ sở pháp lý để quyết toán 600 triệu đồng ngân sách được cấp, chính là biên bản nghiệm thu chương trình, tài liệu. Nhưng việc nghiệm thu này đã được lập hồ sơ khống (không có kế hoạch, không có khách mời, không có ngày-giờ tổ chức nghiệm thu, một chương trình lớn mà không thông báo, đăng tin,…).

Những tưởng, với kế hoạch và mục tiêu bài bản, chương trình "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục" sẽ tạo được một kết qủa tốt, thúc đẩy nền giáo dục Việt Nam phát triển. Thế nhưng, thực tế liệu có đúng như mong đợi?

Được biết, “kết quả” của chương trình nói trên, chính là tài liệu “quản lý tài chính, tài sản trong trường phổ thông”.

Thế nhưng, theo điều tra của PV, hiện nay, có đến 2 tài liệu do Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM tổ chức thực hiện, bao gồm: "Nâng cao năng lực quản lý tài chính tài sản trong giáo dục" lưu hành tháng 6/2010 và "Quản lý tài chính, tài sản trong trường phổ thông" - in xong và nộp lưu chiểu quý 4/2018.

Điều đáng nói, tác giả của cả 2 tài liệu nói trên đều do Thạc sĩ Phan Thị Thuý Ngọc đứng đầu. Và trong tài liệu “quản lý tài chính, tài sản trong trường phổ thông”, có đến khoảng 70% nội dung là do bà thực hiện. Tuy nhiên, Thạc sĩ Phan Thị Thuý Ngọc lại không sử dụng các tài liệu do nhóm thực hiện chương trình "Nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục" mang về (?).

Đáng chú ý, số tiền mà bà Ngọc thực lãnh, chỉ khoảng 30 triệu đồng. Với gần 70% “chất xám” trong “kết quả” của cả chương trình, việc bà Ngọc chỉ nhận được 30 triệu đồng, thực sự khiến nhiều người đặt ra dấu hỏi, rằng số tiền ngân sách 600 triệu đồng được cấp kia, đã đi đầu, về đâu, chi dùng vào việc gì?

Việc một chương trình đào tạo, có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng, nhưng trong quá trình triển khai lại có quá nhiều sai phạm, khuất tất, đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi về việc có hay không sự bao che, tiếp tay cho sai phạm từ phía lãnh đạo Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM, mà cụ thể ở đây là ông Hà Thanh Việt, người được biết đến không chỉ với tư cách Hiệu trưởng nhà trường, mà còn là trưởng nhóm chương trình?

Theo Báo Sức khoẻ cộng đồng

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/be-boi-o-truong-can-bo-quan-ly-giao-duc-tphcm-khuat-tat-tien-ngan-sach-d62312.html

Bạn đang đọc bài viết Bê bối ở trường cán bộ quản lý giáo dục TPHCM: Khuất tất tiền ngân sách? tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống