Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Sai phạm nghiêm trọng vẫn được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Cán bộ QLGD TPHCM

DTVN 12:25 26/09/2019

Dính nhiều sai phạm đến mức cần “chuyển sang Cơ quan An ninh điều tra làm rõ nếu thấy cần thiết” khi còn công tác ở đơn vị cũ, nhưng thay vì bị xử lý, một trưởng khoa lại được bổ nhiệm lên Hiệu trưởng

Đó là câu chuyện tưởng chừng như đùa, nhưng lại là thực tế đối với ông Hà Thanh Việt, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM.

Ông Việt, trước đây là Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng và Quản trị kinh doanh của trường ĐH Quy Nhơn. Cụ thể, theo tìm hiểu của PV, ngày 28/11/2012, tập thể sinh viên các khóa K32, K33, K34, K35 của Khoa Tài chính – Ngân hàng và Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Quy Nhơn đã cùng ký đơn tố cáo ông Hà Thanh Việt, Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng và Quản trị Kinh doanh của trường thời điểm đó.

Lý do trong đơn tố cáo, là bởi ông Việt đã tự xây dựng một “chuẩn đầu ra” cho khoa của mình để bắt ép sinh viên nộp tiền học và thi các chứng chỉ ngoại ngữ, các chứng chỉ nghiệp vụ tại công ty gia đình của ông Việt trái với quy định Nhà nước để trục lợi. Các chứng chỉ này bao gồm: Chứng chỉ Nghiệp vụ Ngân hàng hiện đại, Chứng chỉ Nghiệp vụ Tài chính doanh nghiệp, Chứng chỉ Quản trị kinh doanh, Chứng chỉ Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình thuyết phục, Chứng chỉ Ngoại ngữ.

Mức học phí cho các chứng chỉ này, giao động từ 300.000đ – 4.500.000đ. Điều đáng nói, tất cả các khoá học trên, đều không ghi biên lai hợp lệ, chỉ cấp cho mỗi sinh viên một giấy nhập học đóng dấu đã thu tiền nhưng không ghi rõ số tiền.

Theo đơn tố cáo, các chứng chỉ trên do ông Hà Thanh Việt tự in và trình cho ông Đỗ Ngọc Mỹ, Phó Hiệu trưởng nhà trường ký nhưng không đúng thủ tục pháp lí trong đào tạo và cấp chứng chỉ, cho nên không có giá trị khi sinh viên mang hồ sơ đi xin việc. Ngoài ra, ông Việt còn đặt ra nhiều khoản thu quỹ, đóng góp trái phép như: tiền đồng phục, tiền huy hiệu khoa, tiền quỹ, tiền lệ phí thi, tiền mua cơ sở vật chất máy móc ủng hộ khoa, mua vở do khoa in logo khi nhập học…

Từ những tố cáo của tập thể sinh viên nói trên, Ban Thanh tra Nhân dân (TTND) của trường ĐH Quy Nhơn đã vào cuộc xác minh. Đến ngày 25/4/2013, Ban TTND đã có bản “báo cáo và kiến nghị” số 45/KN-TTND về việc giải quyết tiêu cực tại Khoa Tài chính – Ngân hàng và Quản trị Kinh doanh. Cụ thể, theo kết luận của Ban TTND, lấy danh nghĩa Trưởng khoa, ông Việt đã lập ra website http://fbm.edu.vn/index.php để thông báo các lớp học chứng chỉ nghiệp vụ, ngoại ngữ, thu học phí – lệ phí ngoài quy định của Nhà trường để làm ăn theo nhóm quyền lợi cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là trang web cá nhân, không không thuộc diện quản lí của Nhà trường.

Ông Việt cũng đã tự ý tổ chức đào tạo ngoài chương trình các chứng chỉ nghiệp vụ cho sinh viên Khoa Tài chính – Ngân hàng và Quản trị Kinh doanh từ năm 2009 tại Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục VN và các trung tâm bên ngoài Trường. Nhưng mãi đến năm 2012 mới đưa vào Kế hoạch số 728/KH-ĐHQN do Phó Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Mỹ ký ngày 25/4/2012. Ông việt cũng tự ý tổ chức đào tạo, thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ tùy tiện mà không thông qua một hội đồng nào theo quy định… Từ đó, Ban TTND đã kiến nghị Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trường ĐH Quy Nhơn đứng ra chỉ đạo giải quyết dứt điểm sự vụ, tránh hiện tượng khiếu nại, tố cáo kéo dài và có biện pháp bảo vệ an toàn cho người khiếu nại, tố cáo.

Đồng thời, lập Tổ thanh tra độc lập tổ chức thanh tra toàn bộ sự vụ và có kết luận khách quan, công khai minh bạch trước toàn trường và trả lời cho Ban TTND bằng văn bản theo luật định.

Cùng với đó là đề xuất tạm thời đình chỉ chức vụ của ông Hà Thanh Việt để phục vụ cho công tác thanh tra nếu thấy cần thiết. Trên cơ sở ý kiến của Ban TTND, ngày 10/5/2013, Hiệu trưởng trường ĐH Quy Nhơn đã ra quyết định lập Tổ Kiểm tra xác minh (KTXM) nhằm làm rõ hơn các nội dung tố cáo tiêu cực của ông Việt. Đến ngày 21/01/2014, Tổ KTXM có “báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh” số 29/BC-TKTXM về việc “Đào tạo, cấp chứng chỉ tại Khoa Tài chính Ngân hàng và Quản trị Kinh doanh”.

Tại báo cáo này, Tổ KTXM xác định, ông Việt đã có nhiều sai phạm trong quá trình công tác. Cụ thể, theo Tổ KTXM, việc ông Việt tự tạo “chuẩn đầu ra” cho khoa của mình một cách tùy tiện để bắt ép sinh viên của khoa nộp tiền học và thi các chứng chỉ nghiệp vụ, ngoại ngữ tại công ty gia đình mình là trái với quy định của Nhà nước để trục lợi. Cụ thể, chương trình đào tạo do Hiệu trưởng ký ban hành kèm theo quyết định 1523/QĐ-ĐHQN ngày 10/9/2010 có ghi chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ trong phần “mục tiêu”.

Điều đó có nghĩa, toàn bộ nội dung đào tạo về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ phải nằm trong chương trình đào tạo và trở thành nhiệm vụ bắt buộc của Khoa khi xây dựng và thực hiện chương trình, chứ không phải bỏ ra ngoài Chương trình để đào tạo thu phí như một hình thức dịch vụ.

“Công bố chuẩn đầu ra trong mục tiêu bắt buộc, nhưng lại không có trong chương trình đào tạo, càng chứng tỏ dịch vụ đào tạo ngắn hạn kia là hình thức bắt buộc tinh vi đối với sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng và Quản trị Kinh doanh. Đối chứng với danh sách mở lớp (các lớp nghiệp vụ), chỉ có một số rất ít (10%) học viên đăng ký học nằm ngoài số sinh viên đang học tại khoa; Bản hợp đồng đào tạo số 01/2010/HĐĐT do ông Hà Thanh Việt biên soạn trình cho Phó Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Mỹ ký với bà Lê Thị Tân Tiếng, ngoài các nội dung bất hợp pháp phản ánh rõ tính chất vụ lợi cá nhân trong dịch vụ này”, Tổ KTXM nêu. Tổ KTXM cũng khẳng định, tại điều 44 Quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường ghi: “Khuyến khích các đơn vị mở rộng hoạt động dịch vụ…”, nhưng không đồng nghĩa với căn cứ pháp lý để Khoa Tài chính Ngân hàng và Quản trị Kinh doanh mở lớp đào tạo và bồi dưỡng, thu chi của cấp phát văn bằng một cách tùy tiện, vô nguyên tắc.

Trường ĐH Quy Nhơn thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, nên các văn bằng chứng chỉ do trường cấp đều buộc phải tuân theo các điều khoản quy định tại Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT và Thông tư sửa đổi bổ sung số 22/2012/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Nhưng những việc ông Việt làm, đều không theo bất cứ điều khoản nào được quy định trong những văn bản trên.

Do đó, “các chứng chỉ, chứng nhận đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ có tính dịch vụ của Khoa Tài chính Ngân hàng và Quản trị Kinh doanh đều không có giá trị pháp lý; Hành vi đào tạo và cấp phát văn bằng chứng chỉ tùy tiện không chỉ thể hiện động cơ vụ lợi mà còn coi thường luật pháp”.

Tổ KTXM cũng cho rằng, những vi phạm được nêu trên là hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên và uy tín của Nhà trường. Sai phạm này có tính tổ chức, hệ thống, không chỉ cá nhân ông Hà Thanh Việt mà còn của cả tập thể khoa.

Chính vì vậy, bên cạnh việc lập hội đồng xử lý theo luật định, những nội dung có dấu hiệu hình sự, phức tạp, nghiêm trọng nằm ngoài khả năng kiểm tra xác minh của Tổ KTXM đề nghị chuyển sang Cơ quan An ninh điều tra làm rõ nếu thấy cần thiết.

Thế nhưng, điều lạ lùng, là sau 2 kết luận của Ban TTND và Tổ KTXM, ông Việt không hề bị xử lý bất cứ vi phạm gì. Ngạc nhiên hơn, từ vị trí Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng và Quản trị Kinh doanh ĐH Quy Nhơn, ông Việt đã được bổ nhiệm vào làm Viện trưởng Viện Thanh Thiếu niên Miền Nam.

Và đến tháng 4/2017, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nguồn: Sức khỏe cộng đồng

Bạn đang đọc bài viết Sai phạm nghiêm trọng vẫn được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Cán bộ QLGD TPHCM tại chuyên mục Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Xã hội