Người nổi tiếng qua những video hướng dẫn cách nấu những món ăn nhà Phật, thông qua đó là sự chiêm nghiệm về triết lí sống từ giáo lý nhà Phật.
-- |
Sư thầy Thích Khải Tuấn ngoài đời cũng như trong các video được chia sẻ: vẫn là một người thầy chân thành, giản dị tức là đơn giản và bình dị, nó khác với bầy hầy và lôi thôi nha cùng lượng kiến thức sâu dầy và nguồn năng lượng vô tận mà ít ai có được. Ấn tượng nhất trên khuôn mặt sư thầy 9X này có lẽ là nụ cười rạng rỡ đầy nét hồn nhiên, trong sáng. Chính vì nụ cười đó nên Thầy rất dễ khiến người đối diện cảm thấy an yên để sẵn sàng mở lòng để được lắng nghe và để được chia sẻ. Dáng người nhỏ nhắn, hoạt bát và giọng nói dễ thương, Thầy mời tôi đĩa bánh tráng trộn bất tử do chính Thầy làm và bắt đầu chia sẻ cơ duyên đến với TikTok, thầy kể: “Thầy biết đến nền tảng TikTok qua em gái của mình. Lúc đầu, thầy muốn xây dựng một kênh để sư huynh phổ biến món ăn nhà Phật, nhưng sau này vì bận công việc nên sư huynh không làm nữa, thế là thầy tiếp tục đảm nhận, phát triển kênh TikTok đó”.
Thời gian đầu, sư thầy Thích Khải Tuấn đã nhận về rất nhiều bình luận tiêu cực, điều này khiến thầy áp lực. Đa số khán giả nghĩ rằng, những người tu hành không phù hợp với mạng xã hội đặc biệt là nền tảng TikTok. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, kênh TikTok “Ẩm thực Phật giáo” của thầy đã thu hút hàng triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận tích cực.
Nội dung video không chỉ khiến khán giả cảm thấy mãn nhãn bởi những món ăn chay bắt mắt, mà còn ấn tượng bởi những câu nói rất hay, rất “đời” mà thầy truyền tải. Không phải là lí thuyết suông, bằng kinh nghiệm của mình và lời dạy từ sư phụ, sư thầy Thích Khải Tuấn đã đúc kết chúng và chia sẻ đến với mọi người.
Thầy tâm sự Thầy từng mắc phải căn bệnh trầm cảm nên hiểu rõ được nỗi đau và sự bất lực của những người mang “tâm bệnh”, căn bệnh mà khó để chữa lành bằng thuốc chỉ có thể tự chữa lành bằng “tâm” và “thân” của chính người bệnh. Nhưng không phải ai cũng đủ giác ngộ để tự chữa lành cho mình, càng khó để chia sẻ với người xung quanh về “tâm bệnh” mà mình đang mắc phải. Kênh “Ẩm thực Phạt giáo” từ đó không chỉ đơn giản là chia sẻ về các món ăn nhà Phật mà còn như là một kênh tâm sự, chia sẻ của Thầy đến cộng đồng nhằm hướng tìm những sự đồng điệu để truyền tải năng lượng tích cực, chữa lành cho nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ.
Tôi tếu táo trêu Thầy, kênh Tik Tok của Thầy bây giờ có thể thu lời từ quảng cáo rồi Thầy nhỉ?
Thầy cười hiền nói “ Cô cứ trêu Thầy, nhưng mà Thầy không cần sự nổi tiếng để thu tiền từ quảng cáo đâu, Thầy cũng chẳng hiểu gì về mấy cái chuyện đó. Thầy chỉ muốn dùng cách nấu ăn này để giữ chân những khán giả, người mà đã biết đến kênh của Thầy và họ cảm thấy yêu thích vì những nội dung Thầy chia sẻ. Thầy chỉ mong muốn kênh này có thể chuyển tải năng lượng tích cực đến họ và biết đâu đó có thể giúp chữa lành cho ai đó đã từng giống như Thầy để kéo họ ra khỏi bờ vực tăm tối, họ không thấy cô độc nữa và tự nhận thức đúng đắn hơn, trân quý tình yêu thương của con người”.
Tôi lại trêu Thầy “ Thế nhỡ tương lai Thầy trở thành người nổi tiếng thì làm sao? Cứ như thế này chắc là Thầy nhiều Fan cứng rồi”.
Lúc này Thầy có vẻ hào hứng, Với hoài bão của tuổi trẻ và Thầy chia sẻ muốn trở thành diễn giả để có thể lan tỏa và truyền động lực đến với các bạn trẻ: “Uh thì nếu có duyên được nổi tiếng cũng tốt vì mình có nhiều cơ hội để lại gieo duyên, để giúp đỡ được cộng đồng ở nhiều việc khác mà. Mình vô cùng ngưỡng mộ diễn giả Nick Vujicic, mỗi bài diễn thuyết của anh là niềm cảm hứng để mình không ngừng hoàn thiện bản thân, và đó cũng chính là mục tiêu của bản thân mình”.
Câu chuyện với Thầy cứ thế nhẹ nhàng và lắng đọng. Tôi nghiệm ra rằng dù mình là ai, nghề nghiệp là gì, gia cảnh ra sao thì điều khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu nhất chính là khi tâm hồn mình rộng mở, rộng mở để cho đi tình yêu thương, rộng mở để đưa đi những muộn phiền và quan trọng hơn là rộng mở để chấp nhận và tin tưởng vào chính bản thân mình, vào những người xung quanh. Đó cũng chính là điều mà tôi tìm thấy được ở người tu sĩ trẻ tuổi trước mắt.
Theo CLVN