Theo phản ánh, ông Lê Nam (trú tại Hà Nội) và bà Lê Diệu Thúy là đồng sở hữu Khách sạn Phú Hưng tại số nhà 168 đường Khe Sến (nay là số nhà 168 đường Hoàng Văn Thụ, phường Minh Tân, TP Yên Bái).
Do có nhu cầu cần nguồn vốn kinh doanh khách sạn, ngày 16/7/2009, ông Lê Nam và bà Lê Diệu Thúy cùng nhau ký HĐTC tài sản với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh TP Yên Bái II và đc Công chứng viên Tạ Thị Kim Huế của phòng công chứng số 1 - tỉnh Yên Bái ký số 2966, quyển số 03TP/CC-SCC/HĐGD.
Tuy nhiên, do sau đó đã lo liệu được tiền nên ông Lê Nam và bà Lê Diệu Thúy thống nhất sẽ không thế chấp tài sản và vay tín dụng ngân hàng.
Do tin tưởng đối tác nên ông Lê Nam giao cho bà Thúy quản lý toàn bộ giấy tờ đất đai và đứng tên giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng cũng như các công việc liên quan đến giấy tờ thuộc quyền sở hữu chung của 2 người.
Thế nhưng, ngày 11/9/2014, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh TP Yên Bái II nộp đơn khởi kiện ra TANDTP Yên Bái với nội dung buộc bà Lê Diệu Thúy thanh toán toàn bộ số tiền gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng (HĐTD) số 8701-LAV-201001701 ngày 19/8/2010. HĐTD này được đảm bảo bằng hợp đồng thế chấp (HĐTC) ngày 11/8/2009 được công chứng viên Vũ Thị Bích Huệ ký số 3305 quyển số 3/TP-CC-HĐGD tại Phòng công chứng số 1 tỉnh Yên Bái. Tài sản thế chấp bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP 161769 với diện tích là 473 m2 và Khách sạn Phú Hưng diện tích 800m2 nằm trên diện tích đất nêu trên.
Đến lúc này, ông Lê Nam mới thực sự biết đến sự tồn tại của bản HĐTC ngày 11/08/2009 và bản HĐTD số 8701-LAV-201001701 do 2 vợ chồng bà Lê Diệu Thúy vay ngân hàng với số tiền là 2 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu được biết, năm 2010, ông Lê Nam đã chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu đất và tài sản trên đất cho bà Vũ Thị Thơm (sinh năm 1979, trú tại Hà Nội).
Trong khi đó, ngày 22/7/2010, TAND TP Yên Bái có bản án số 66/2010/HSST tuyên phạt bà Lê Diệu Thúy 18 tháng tù giam liên quan một vụ án - tức là trước khi bà Thúy ký HĐTD vay tiền của ngân hàng.
Hơn nữa, trên toàn bộ HĐTC đều bị sửa ngày tháng từ ngày 16/7/2009 thành ngày 11/8/2009 nhưng phần ghi lời chứng của công chứng viên thì đc đánh máy sắc nét và thời điểm thực hiện là ngày 11/8/2009.
Đặc biệt, dấu giáp lai của bản HĐTC này không hề trùng khớp, thể hiện phần công chứng đã bị thay thế và sửa đổi hoàn toàn. Cụ thể, phần dấu giáp lai làm trên các tờ của bản hợp đồng thế chấp đã thể hiện đầy đủ nội dung con dấu: “Sở Tư pháp Phòng công chứng số 1 – Tỉnh Yên Bái”, thế nhưng, phần dấu giáp lai tại tờ công chứng cuối cùng của công chứng viên lại hiển thị thêm phần chữ “ai” – tức hai chữ sau cùng của từ “Yên Bái”.
Dấu giáp lai được sử dụng nhằm đảm bảo tính chân thực của từng tờ trong văn bản và ngăn ngừa việc thay đổi nội dung, giả mạo văn bản. Nhưng bằng mắt thường cũng có thể nhận ra dấu giáp lai trên bản hợp đồng thế chấp của ông Nam và bà Thúy không hề trùng khớp. Điều đó đồng nghĩa với việc hợp đồng thế chấp ngày 11/08/2009 đã bị chỉnh sửa, cắt ghép và làm sai lệch hoàn toàn. Điều này xâm phạm trực tiếp tới quyền lợi và nghĩa vụ của ông Lê Nam.
Điều đặc biệt là trong phiên xét xử phúc thẩm tại tỉnh Yên Bái, bà Vũ Thị Bích Huệ - công chứng viên thực hiện việc công chứng hợp đồng thế chấp tài sản đã khẳng định: “Tại thời điểm công chứng HĐTCTS số 3305 ngày 11/8/2009, ông Lê Nam có mặt thực hiện hợp đồng theo đúng quy định… cả ông Nam và bà Thúy đều có mặt và ký vào HĐ. Tuy nhiên, ông Nam lại cho biết là thời điểm này, ông không có mặt.
Vậy nếu những phản ánh trên là đúng sự thật thì vấn đề đặt ra là tại sao bản HĐTC ngày 11/8/2009 đều bị sửa toàn bộ ngày tháng? Dấu giáp lai của HĐTC lại bị sai lệch?.. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, điều tra, làm rõ và giám định các văn bản giấy tờ liên quan, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo Hàn Vũ/Lao động Xã hội