Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Agribank: Nợ nguy cơ mất vốn tăng mạnh

Mai Hương(T/H) 10:30 07/06/2020

Tuy tỷ lệ nợ xấu Agribank giảm nhưng số tuyệt đối của nợ xấu lại tăng thêm khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong đó nợ xấu nhóm 5 tăng mạnh nhất thêm 34% lên mức 12.398 tỷ đồng và chiếm tới 70% tổng nợ xấu

Agribank: Nợ nhóm 5 tăng mạnh

Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) vừa cập nhật BCTC năm 2019 đã kiểm toán với nhiều con số đáng chú ý.

Theo bảng phân tích chất lượng nợ cho vay của Agribank, tính đến cuối năm 2019 tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ mức 1,6% đầu năm xuống còn 1,5%. Tuy tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng số tuyệt đối của nợ xấu lại tăng thêm khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong đó nợ xấu nhóm 5 tăng mạnh nhất thêm 34% lên mức 12.398 tỷ đồng và chiếm tới 70% tổng nợ xấu.

Mua bán chứng khoán đầu tư của Agribank năm 2019 ghi nhận lỗ 24 tỷ đồng, trong khi năm 2018 ghi nhận lãi 52 tỷ đồng.

Đặc biệt, các khoản phải thu tăng mạnh thêm 58% lên mức 9,997 tỷ đồng, bao gồm khoản thu nội bộ là các khoản tham ô, xâm tiêu của cán bộ, nhân viên tổ chức tín dụng hơn 518 tỷ đồng. Các khoản lãi, phí phải thu là hơn 12.932 tỷ đồng.

Năm 2019, Agribank ghi nhận đột phá khi đã tất toán toàn bộ số dư trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành là hơn 7.749 tỷ đồng tính tới thời điểm đầu năm 2019. Tuy nhiên, tại Agribank vẫn còn hơn 4.658 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do Chính phủ và Công ty mua bán nợ DATC phát hành.

Ngoài ra, các hoạt động khác ngoài thu nhập lãi cũng có mức tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào lợi nhuận năm 2019 của Agribank như: Kinh doanh vàng và ngoại hối đạt 1.030 tỷ đồng lãi thuần tăng 46%. Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần ghi nhận lãi 8 tỷ đồng, trong khi năm 2018 ghi nhận lỗ 286 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Agribank đến cuối năm 2019 tăng 13% lên mức 1,452 triệu tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,103 triệu tỷ đồng, tăng 11%, tài sản có khác tăng 13% lên mức 23.483 tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận trước thuế của Agribank năm 2019 đạt mức kỷ lục 14.116 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2018. Kết quả này có được một phần nhờ giảm bớt trích lập dự phòng hơn 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 11.247 tỷ đồng.

Hiện dư nợ cho vay của Agribank lớn nhất ở mảng Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, chiếm 28,04% tổng dư nợ, tăng 16% so với năm 2018; cho vay trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản xếp thứ 2, chiếm 26,93% tổng dư nợ tín dụng, tăng 6,3% so với năm 2018 nhưng lại giảm về tỷ trọng/tổng dư nợ. Ngoài ra Agribank cũng tập trung khá lớn để cho vay công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 7,63%; cho vay xây dựng chiếm 6%.

Lối đi nào cho bài toán tăng vốn Agribank

Từ nửa đầu năm 2019, vấn đề tăng vốn điều lệ cho 4 NHTM trụ cột, gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank nóng lên. Trong đó, Agribank là ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất trong nhóm "ông lớn", lại đang loay hoay với việc cổ phần hóa. Sau nhiều năm lên kế hoạch, nhiều tín hiệu cho thấy thời điểm IPO của ngân hàng này đang tới gần.

Từ một ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, hiện nay Agribank có vốn điều lệ gần 30.500 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại” - thông báo của Agribank nêu.

Mặc dù có vốn điều lệ thấp nhất trong 4 "ông lớn" ngân hàng, nhưng Agribank lại là ngân hàng có khối tài sản lớn nhất, riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của nhà băng này đã tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng nhất. Bên cạnh đó, Agribank có số lượng khách hàng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất.

Ngoài huy động vốn cạnh tranh bình đẳng như các ngân hàng thương mại khác, trong cơ cấu tín dụng, Agribank dành một phần lớn cho các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất cho vay ưu đãi thấp, tuy vậy, ngân hàng thường xuyên trong tình trạng chưa nhận được đủ cấp bù lãi suất.

Theo chuẩn mực vốn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank thời điểm 31/12/2019 chỉ đạt 7,3%; thời điểm 31/3/2020 chỉ đạt 6,9% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định).

Do chưa đáp ứng chuẩn mực vốn Basel nên Agribank hiện đang được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện tỷ lệ an toàn vôn theo quy định tại Thông tư 22/2017/TT-NHNN ngày 15/11/2019.

Theo đó, tỷ lệ an toàn vôn của Agribank theo Thông tư 22/2014/TT-NHNN đạt 9,2%, sát ngưỡng tối thiểu quy định (9%). Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4/2020, Chính phủ đã thống nhất về phương án trình Quốc hội xem xét thông qua việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước tăng vốn điều lệ cho Agribank.

Mức tăng vốn điều lệ tương ứng với lợi nhuận năm 2020 Agribank nộp ngân sách nhà nước (tối đa 3.500 tỷ đồng). Khoản này không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, Tuy nhiên, để tăng vốn được, Nghị quyết của Chính phủ cần nhận được sự đồng thuận từ Quốc hội. Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 quy định không dùng ngân sách nhà nước để cấp. Vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại. Do vậy, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ ngân sách nhà nước phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội lần này sẽ bàn về đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/agribank-no-nguy-co-mat-von-tang-manh-d77228.html

Bạn đang đọc bài viết Agribank: Nợ nguy cơ mất vốn tăng mạnh tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng