Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

FLC lao đao, BIDV và OCB cũng “điêu đứng”

Theo SHTT 07:04 07/06/2020

BIDV và OCB - nơi người lao động vừa được mời tham gia chương trình ưu đãi mua cổ phiếu BAV là những nhà tài trợ vốn tín dụng quen thuộc của Tập đoàn FLC và ROS.

Vào đầu tháng 12/2019, CTCP Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways của đại gia Trịnh Văn Quyết đã gửi công văn tới Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Quy Nhơn chương trình ưu đãi mua cổ phiếu BAV, cụ thể:

Chi nhánh Quy Nhơn và các cán bộ nhân viên đang ký kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng trở lên với Chi nhánh sẽ có quyền tham gia chương trình ưu đãi mua cổ phiếu BAV. Giá mua ưu đãi là 40.000 đồng/cp.

Sau 6 tháng trở thành cổ đông, người tham gia chương trình sẽ được Tập đoàn FLC hoặc cá nhân/pháp nhân do Tập đoàn FLC/Bamboo Airways chỉ định cam kết mua lại với giá tối thiểu gấp đôi giá mua, tương đương mức 82.280 đồng/cp mà CTCP Thẩm định giá và Giám định chất lượng Việt Nam (VIVC) đưa ra.

Ngoài chào bán ưu đãi cổ phiếu BAV cho cán bộ nhân viên BIDV Chi nhánh Quy Nhơn, theo nhiều nguồn tin, Tập đoàn FLC đã có công văn gửi đến BIDV chi nhánh Thanh Xuân và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với nội dung tương tự.

Việc phát hành ưu đãi cho nhân viên của BIDV và OCB có thể được lý giải do 2 nhà băng này là tổ chức tài trợ vốn chính cho Tập đoàn cùng các công ty con trong nhiều năm qua.

Theo báo cáo tài chính đầu năm 2020, Tập đoàn FLC báo lỗ trước thuế 1.887 tỷ đồng trong quý. LNST của công ty mẹ -1.172 tỷ đồng. Gía cổ phiếu chỉ mua nổi một LY TRÀ ĐÁ.

--Gía cổ phiếu FLC liên tục giảm trong vòng 6 tháng qua

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của FLC cho thấy, tại ngày 31/3, FLC đã đầu tư trên 1.346 tỷ đồng vào 12 công ty, trong đó, 2 trong 3 khoản góp vốn lớn nhất là tại HAI và ROS. Cụ thể, FLC đã đổ vào 260,9 tỷ đồng tại HAI và 213,4 tỷ đồng tại ROS.

Tuy nhiên, do cổ phiếu HAI và ROS bị mất giá mạnh trên thị trường, giá trị các khoản đầu tư bị suy giảm mạnh. Giá trị hợp lý khoản đầu tư của FLC tại HAI tại ngày 31/3 là 59,6 tỷ đồng và tại ROS là 91,8 tỷ đồng.

Do sự suy giảm mạnh nói trên, FLC đã phải trích lập dự phòng rất lớn cho các khoản đầu tư góp vốn tại những doanh nghiệp này. Cụ thể, trích dự phòng 201,3 tỷ đồng cho khoản góp vốn tại HAI và 121,6 tỷ đồng cho khoản góp vốn tại ROS.

Tính đến cuối quý 1/2020, tổng tài sản của FLC là 33.549 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền của FLC chỉ còn dưới 50 tỷ đồng, trong khi đầu năm là 633 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng giảm từ 188 tỷ đồng xuống chỉ còn 71 tỷ đồng.

FLC cho biết hoạt động kinh doanh các mảng du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19.

FLC hiện đang vay ngắn hạn gần 3.500 tỷ đồng và vay dài hạn hơn 3.200 tỷ đồng.

Nói thêm, OCB Chi nhánh Hà Nội và OCB Chi nhánh Sao Việt đang tài trợ cho Tập đoàn FLC số tiền lần lượt là 674 tỷ đồng và 714 triệu đồng. Ngoài ra, BIDV Chi nhánh Quy Nhơn cũng đang cho FLC vay ngắn hạn 503 tỷ đồng.

Xét về các khoản vay dài hạn, BIDV Chi nhánh Quy Nhơn và OCB Chi nhánh Hà Nội lần lượt cho Tập đoàn vay 1.545 tỷ đồng và 135 tỷ đồng.

Được biết đầu tháng 1 năm nay, Tập đoàn FLC và Ngân hàng OCB đã tổ chức Lễ kí kết thỏa thuận. Trên cơ sở thỏa thuận được kí kết, OCB sẽ cung cấp các giải pháp tài chính về dịch vụ tín dụng trung dài hạn, cấp vốn lưu động và tài trợ vốn để hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển dự án của Tập đoàn FLC cũng như các đơn vị thành viên.

Đồng thời, OCB cũng cung cấp các gói dịch vụ tín dụng cho khách hàng mua bất động sản tại các dự án do FLC làm chủ đầu tư.

Về phía mình, Tập đoàn FLC sẽ ưu tiên sử dụng các dịch vụ tài khoản, dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ tiền gửi, giao dịch ngoại tệ… của OCB. Bên cạnh đó, Tập đoàn FLC sẽ tạo điều kiện để OCB tiếp cận tài trợ tài chính và tham gia đầu tư các dự án của FLC.

Ông Trịnh Văn Quyết bên cạnh việc nắm giữ 21,19% cổ phần FLC, tính đến ngày 31/12/2018, ông Trịnh Văn Quyết cùng người thân đang nắm giữ 72,36% cổ phần của CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã CK: ROS); 3,26% cổ phần của CTCP Chứng khoán Artex (Mã CK: ART).

Đó chỉ là một số công ty niêm yết mà ông Quyết cùng người thân trực tiếp nắm giữ cổ phần đã được biết tới, chưa tính đến các công ty con, công ty thành viên được phát triển từ các công ty này.

Còn về ông Trịnh Văn Tuấn- chủ tịch OCB cũng có nhiều dấu ấn tại Việt Nam trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khi tham gia sáng lập, đảm nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) kể từ năm 1996.

Tới năm 2010, ông Tuấn tham gia Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Kể từ tháng 5/2012 tới nay, ông Tuấn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT OCB.

Được biết, ông Tuấn và người thân đã thực hiện nắm giữ lượng lớn cổ phần của OCB, tỷ lệ sở hữu được tiết lộ chi tiết trong báo cáo quản trị ngân hàng này một số năm sau đó.

Cụ thể, tính tới ngày 31/12/2014, ông Trịnh Văn Tuấn và người thân sở hữu tới 15,86% vốn điều lệ OCB (tương đương với 562,5 tỷ đồng theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu). Tỷ lệ sở hữu này chỉ đứng sau cổ đông ngoại là BNP Paribas (tỷ lệ sở hữu 20%) và lớn hơn nhiều so với các cổ đông tổ chức khác là Tổng Công ty Bến Thành (8,12%) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (5,07%).

Căn cứ theo danh sách cổ đông chốt ngày 31/12/2015, tỷ lệ sở hữu của ông Tuấn và người thân tiếp tục được nâng lên mức 16,69%.

Trong giai đoạn 2014 - 2018, lần lượt các cổ đông là BNP Paribas, Vietcombank đã thực hiện triệt thoái vốn khỏi OCB, còn Tổng Công ty Bến Thành đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức 6,4% (tính đến ngày 2/5/2018). Trong khi đó, ông Tuấn và những người có liên quan không có động thái giao dịch đáng chú ý được ghi nhận.

Cũng trong khoảng thời gian này, quy mô vốn điều lệ của OCB đã tăng từ 3.547 tỷ đồng lên mức 6.599 tỷ đồng tại ngày 31/12/2018.

Nếu tỷ lệ sở hữu được giữ ổn định, ông Tuấn cùng người thân đang nắm giữ số cổ phần có giá trị lên tới 1.101,3 tỷ đồng, theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Giá trị lô cổ phiếu này sẽ còn lớn hơn nhiều nếu tính theo mức giá trúng thầu bình quân 20.501 đồng/cổ phiếu trong phiên bán đấu giá cổ phần OCB do Vietcombank sở hữu, diễn ra vào tháng 9/2018.

Bên cạnh đó, tại ngân hàng VIB, số cổ phần mà ông Tuấn cùng những người có liên quan nắm giữ cũng có giá trị không hề nhỏ.

Cụ thể, vào cuối năm 2017, một số nguồn tin cho biết VIB đã bỏ ra hơn 760 tỷ đồng, với mức giá 22.500 đồng/cổ phiếu, để mua lại 6% cổ phiếu quỹ do ông Tuấn và nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu tại đây.

Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, ông Tuấn cũng tham gia làm Ủy viên HĐQT tại một số doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm như: CTCP Du lịch Sài Gòn Bình Châu, CTCP Du lịch Khách sạn Sài Gòn Mũi Né, CTCP Khách sạn Sài Gòn Tourance.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng từng nắm giữ chức vụ Thành viên HĐQT tại CTCP Đầu tư Nam Long (Mã CK: NLG) và được miễn nhiệm khỏi chức vụ này kể từ ngày 21/4/2018.

Theo nguồn tin riêng, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết còn thế chấp lượng lớn cổ phần của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại ngân hàng OCB.

Thấy rõ ràng rằng, các ông chủ ngân hàng tư nhân ở Việt Nam thường không chỉ kinh doanh trong lĩnh vực tài chính đơn thuần, mà luôn có cả “hệ sinh thái” đa ngành tương hỗ lẫn nhau. Trong đó, ngân hàng sẽ đóng vai trò hạt nhân huy động và xử lý vốn.

Trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, nguồn vốn tín dụng được đánh giá có vai trò quan trọng. Nhờ nguồn tiền này (và nguồn vốn tự thân) doanh nghiệp có thể mở rộng hoạt động sản kinh doanh. Điều này hẳn nhiên đúng với FLC và ROS, đặc biệt trong bối cảnh 2 doanh nghiệp của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đang cần nhiều nguồn lực nhằm thực hiện, triển khai các dự án bất động sản, cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Mai An

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/flc-lao-dao-bidv-va-ocb-cung-dieu-dung-d77220.html

Bạn đang đọc bài viết FLC lao đao, BIDV và OCB cũng “điêu đứng” tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng