Báo cáo “Tác động của Covid-19: Đánh giá từ góc nhìn phân tích dữ liệu tài chính doanh nghiệp” do FiinGroup mới công bố cho thấy, trong quý I/2020, lợi nhuận sau thuế của 18 ngân hàng niêm yết (chiếm 62% dự nợ toàn hệ thống) giảm 11,5% so với quý IV/2019.
"Bức tranh" tăng trưởng thu nhập lãi thuần của 18 ngân hàng niêm yết giảm mạnh so với quý IV/2010 |
NIM giảm nhẹ 0,87%
Đây là mức giảm lớn nhất kể từ quý II/2018, nhưng không trên nền tăng trưởng cao của các quý trước như quý II/2018 và chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ trong khi quý II/2018 tăng trưởng 49,6% so với cùng kỳ.
Cho vay khách hàng cuối quý I/2020 của 18 ngân hàng niêm yết chỉ tăng trưởng 1%, thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ hai năm trước (4,2% quý I/2018, 3,4% quý I/2019) và thấp hơn so với bình quân toàn ngành 3 tháng đầu năm 2020 (1,3%) .
Mức tăng trưởng 1,3% toàn ngành đã có sự phục hồi, khi hai tháng đầu năm tín dụng chỉ tăng trưởng 0,17%. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 4, tín dụng tăng 1,42% nhưng đến giữa tháng 5 lại giảm xuống mức 1,2%.
Biên lãi ròng (NIM) của 18 ngân hàng niêm yết giảm nhẹ 1,1 điểm cơ bản so với quý IV/2019 xuống còn 0,87%.
Một số ngân hàng có sự cải thiện tốt về NIM trong quý I/2020 nhưng chủ yếu là các ngân hàng nhỏ bao gồm KLB (0,26% lên 0,62%), STB (0,45% lên 0,72%), trong khi một số ngân hàng có NIM giảm khá nhiều như SHB (0,77% xuống 0,51%).
NIM cao nhất vẫn thuộc về các ngân hàng có mảng cho vay tài chính tiêu dùng lớn như VPB (2,27%), HDB (1,37%) và MBB (1,22%).
Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có NIM giảm so với quý IV/2019 trong đó VPB có mức giảm lớn nhất là 11,9 điểm cơ bản, tiếp đến là MBB với 6,8 điểm cơ bản và HDB với 2,7 điểm cơ bản.
Với tín dụng tăng trưởng thấp và biên lãi ròng giảm nhẹ, thu nhập lãi thuần của 18 ngân hàng niêm yết chỉ tăng 0,4% so với quý IV/2019. Tuy nhiên, nếu so với quý I/2019, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng tăng trưởng 13,6%.
Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 21,6% so với quý liền kề.
Ngoài ra, lợi nhuận từ các hoạt động còn lại bao gồm mua bán ngoại tệ, đầu tư và kinh doanh chứng khoán, góp vốn/mua cổ phần và các hoạt động khác, mặc dù có giảm 24,6% so với quý liền kề nhưng vẫn tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận năm 2020 dự kiến giảm 11,9%
Mặc dù tín dụng tăng trưởng thấp nhưng với NIM giảm không đáng kể ở mức 1,1 điểm cơ bản, có thể nói thu nhập lãi thuần trong của các ngân hàng trong quý I/2020 chưa bị ảnh hưởng nhiều từ việc miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, mức ảnh hưởng này sẽ lớn hơn đáng kể từ quý II/2020, khi tính đến 11/5/2020 con số này đã gần 1.128 nghìn tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi cũng đạt hơn 639 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.
Cũng trong báo cáo này, theo số liệu đươc tổng hợp từ 12/18 ngân hàng niêm yết, chiếm 91,8% vốn hóa toàn ngành, đã công bố chỉ tiêu kế hoạch 2020 sau đại hội cổ đông hoặc được các chuyên viên phân tích đưa ra dự báo lợi nhuận 2020, thì dự kiến lợi nhuận sau thuế sẽ giảm 11,9% trong năm 2020 này.
Theo FiinGroup, việc đặt chỉ tiêu thấp là do những tác động của dịch Covid-19 và định hướng chính sách của NHNN về việc chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Sức ảnh hưởng của Covid-19 hiện vẫn đang được các ngân hàng phân tích, đánh giá ảnh hưởng và có thể điều chỉnh mục tiêu kinh doanh trong 2020 này.
Theo đánh giá của FiinGroup, báo cáo tài chính quý I/2020 của các ngân hàng vẫn chưa phản ánh đầy đủ chi phí dự phòng có thể gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như những khó khăn về lợi nhuận và dòng tiền của doanh nghiệp.
Tỷ lệ chi phí dự phòng/dư nợ tăng nhẹ từ mức 0,32% lên 0,42% và chủ yếu bởi chi phí dự phòng được hạch toán tăng thêm ở hai ngân hàng là Vietcombank và VPBank.
“Số liệu từ cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008 cho thấy chi phí dự phòng phát sinh thường có độ trễ rất dài do việc xác định các ảnh hưởng đòi hỏi thời gian đánh giá và phân tích cũng như do sự thay đổi về các chính sách hạch toán kế toán để thích ứng của ngành”, FiinGroup cho biết.
Theo Huyền Anh/Thời báo Kinh doanh