Như bài viết trước đã phản ánh, mới đây hàng trăm nhà đầu tư tại dự án FLC Hạ Long đã tập trung tại trụ sở FLC (Cầu Giấy, Hà Nội) để yêu cầu tập đoàn này thanh toán lợi nhận theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Theo đó, gần 1 năm qua, hàng trăm nhà đầu tư tại dự án FLC Hạ Long vô cùng bức xúc trước việc Tập đoàn FLC chây ì, trì hoãn việc thanh toán lợi nhuận theo đúng hợp đồng.
Theo các nhà đầu tư, việc trả lợi nhuận đợt 1 về nguyên tắc phải làm đúng ngày 30/6/2019 nhưng mãi đến hết tháng 12 mới xong và họ phớt lờ thanh toán khoản 150% lãi suất ngân hàng do thanh toán chậm. Đến đợt 2, về nguyên tắc phải trả vào ngày 31/12/2019 song cho đến tận bây giờ, FLC vẫn chưa thưc thực hiện việc thanh toán lợi nhuận.
Có phải chăng nguồn tiền của tập đoàn này đã cạn và không thể có khả năng thanh toán lợi nhuận theo đúng cam kết?
Báo cáo tài chính cho thấy FLC cũng đang gặp phải những rủi ro nhất định khi kinh doanh thua lỗ, khoản vay nợ quá "khủng".
Lãi ròng của FLC về đáy, vay nợ ngắn hạn tăng khủng 80%
Tập đoàn FLC được biết là một doanh nghiệp có tốc độ tăng vốn thuộc hàng “khủng” trên sàn chứng khoán, chỉ sau 6 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã tăng vốn tới 9 lần. Cụ thể, kể từ khi niêm yết lần đầu vào 2013 với vốn điều lệ là 772 tỷ đồng, hiện tại FLC đã tăng vốn lên tới 6.827 tỷ đồng.
FLC nổi lên với nhiều dự án bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng “đình đám” như FLC Quy Nhơn, FLC Halong Bay Golf Club & Luxury Resort, hay một số dự án bất động sản nhà ở và văn phòng thương mại tầm trung như FLC Complex Phạm Hùng; FLC Landmark Tower và một số dự án đang triển khai như FLC Star Tower; FLC Complex Thanh Hóa…
Dự án FLC Hạ Long. |
Trong quý 4/2019, FLC ghi nhận 5.008 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ. Tuy nhiên trong kỳ này, giá vốn chiếm đến 5.376 tỷ đồng khiến Công ty phải gánh khoản lỗ gộp đến 368 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn báo lãi 464 tỷ đồng.
Khoản cứu cánh cho FLC có thể kể đến là doanh thu từ hoạt động tài chính gần 1.482 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so cùng kỳ. Các chi phí khác cũng xấp xỉ so với quý 4/2018.
Thế nên, FLC báo lãi sau thuế đạt 591 tỷ đồng, gấp 2 lần so cùng kỳ nhưng lãi ròng lại giảm 23% về mức 219 tỷ đồng.
Tổng kết cả năm 2019, FLC thu về hơn 16.419 tỷ đồng doanh thu, tăng 40%. Trong cơ cấu doanh thu, bán hàng hóa và bất động sản vẫn là mảng kinh doanh chủ đạo mang về hơn 11.762 tỷ đồng cho FLC, tăng nhẹ 2% với năm 2018.
Trong khi đó, mảng cung cấp dịch vụ (bao gồm dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch, golf và hàng không) đã tăng gấp 9,6 lần năm trước khi mang về 4.807 tỷ đồng.
Do kinh doanh dưới giá vốn nên Công ty cũng ghi nhận lỗ gộp 341 tỷ đồng. Phải nhờ đến doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 3,3 lần thì hoạt động kinh doanh sau khi trừ chi phí của FLC mới không bị thua lỗ.
Tính đến cuối tháng 12/2019, FLC có tổng tài sản đạt 32.622 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Nợ phải trả đã chiếm đến gần 20.955 tỷ đồng, gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó, nợ vay tài chính ngắn hạn tăng đến 80%, chiếm 3.151 tỷ đồng, trong khi đó vay nợ tài chính dài hạn giảm nhẹ xuống còn 3.312 tỷ đồng.
Tập đoàn FLC đang là "con nợ" của những ai?
FLC là cái tên được nhắc đến với hàng loạt những khoản nợ đối với của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp thời gian vừa qua.
Trong số nợ phải trả của FLC lên đến hơn 23.781 tỷ đồng/9.767 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu) thì hàng chục các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước là chủ của các khoản nợ cấu thành nên khoản nợ khổng lồ của FLC.
Có ba tổ chức tín dụng nước ngoài là chủ nợ của FLC là: Ngân hàng Công thương Trung Quốc (giá trị Hợp đồng tín dụng hơn 107 tỷ đồng); Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc - CCB (giá trị Hợp đồng tín dụng 60 tỷ đồng); Credit Suisse AG Singapore Branch (giá trị Hợp đồng tín dụng hơn 199 tỷ đồng).
Chủ nợ của FLC là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong nước: Ngân hàng TNCP Phát triển TP.HCM - CN Quảng Ninh; Ngân hàng TNCP Phát triển TP.HCM - CN Thanh Hóa; Ngân hàng TNCP Phát triển TP.HCM - CN Bình Định; Ngân hàng TMCP Phương Đông - CN Hà Nội; Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam; Ngân hàng TMCP Quốc Dân - CN Hà Nội;
Ngân hàng TMCP Quốc Dân - CN Sài Gòn; Ngân hàng TMCP Quốc Dân - CN Quảng Ninh; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - CN Đống Đa; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - CN Tây Hà Nội; Ngân hàng TMCP Tiên Phong - CN Hà Nội; Ngân hàng Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - CN Quy Nhơn;
Ngân hàng TMCP Quân đội - CN Ba Đình; Ngân hàng TMCP Quân đội - CN Quảng Ninh; Ngân hàng TMHH MTV Woori Việt Nam - CN Hà Nội; Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB); Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - CN Thanh Hóa; Công ty TNHH MTV CTTC Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Phương Đông - CN Thăng Long; Ngân hàng SHB (Trái phiếu phát hành);
Ngân hàng OCB (Trái phiếu phát hành); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - CN ĐB Sông Cửu Long; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư phát triển Thịnh Phát; Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (Trái phiếu phát hành - MBS).
Đáng chú ý, một số Hợp đồng tín dụng với các tổ chức tín dụng trong nước được cầm cố thế chấp bởi hàng triệu cổ phiếu ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros - FLC Faros). Trước đây, cơ cấu cổ đông của FLC Faros, ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT và là cổ đông lớn nhất với sở hữu 291,2 triệu cp, tương đương 51,31% vốn điều lệ của FLC Faros.
Ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch tập đoàn FLC |
Trong một diễn biến liên quan đến FLC gần đây, cuối năm 2019 - đầu năm 2020, ông Quyết đã hai lần thoái vốn khỏi FLC Faros với tổng khối lượng bán ra là 91 triệu đơn vị, giảm sở hữu từ 382,2 triệu cp (67,34%) xuống mức như hiện nay (51,31%).
Tại thời điểm thoái vốn đó, ông Quyết vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty. Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT FLC Faros từ ngày 7/4 và được HĐQT chấp thuận. Cuối tháng 4/2020 Hội đồng quản trị FLC Faros đã thông qua kế hoạch sáp nhập vào CTCP Đầu tư Khai khoáng & Quản lý Tài sản FLC (Mã: GAB).
Trước đó, cuối tháng 3/2020, Công ty Chứng khoán HDB cũng đã tiến hành bán giải chấp cổ phiếu ROS của khách hàng là ông Trịnh Văn Quyết. Bên cạnh đó, trong đợt cơ cấu danh mục gần đây, FTSE ETF và VNM ETF cũng đã loại cổ phiếu ROS ra khỏi danh mục của mình trong kỳ cơ cấu quý 1/2020.
Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ