Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 06/12/2024

Ông 'Hiển Điều' và khát vọng của doanh nhân Việt

DOANH NHÂN VIỆT NAM 07:26 29/08/2021

Mặc dù năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh trên thế giới bị “chao đảo” trước COVID-19, nhưng Tập đoàn T&T của “Bầu” Hiển vẫn ghi dấu ấn trên thương trường.

Ông "Hiển Điều" còn để lại trong lòng của hơn 90 triệu người dân Việt với hình ảnh đẹp của một doanh nhân có trái tim nhân ái và đầy trách nhiệm với cộng đồng.
Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 1

Xuất hiện vào đầu năm 2020, với mức độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, đại dịch COVID-19 đã khiến bức tranh sản xuất, kinh doanh ở hầu hết các lĩnh vực như bất động sản, công thương, nông - lâm - thủy sản, xuất nhập khẩu… trong nước trở lên ảm đạm, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc doanh nghiệp rơi vào tình trạng “ngủ đông” hoặc giải thể.

Nhiều chuyên gia đánh giá, dịch COVID-19 như là cuộc sàng lọc tự nhiên, được ví như “lửa thử vàng” cho các doanh nghiệp trong việc duy trì, thích ứng, đổi mới để vượt lên thách thức.

Ví dụ điển hình cho việc thích ứng, chiến thắng đại dịch COVID-19, có thể kể tới T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển, khi ngay giữa tâm bão dịch bệnh, “ông lớn” đa ngành này lại khiến thị trường bất ngờ khi liên tiếp thực hiện nhiều thương vụ nông sản lớn.

Cụ thể, vào cuối tháng 7/2020, giữa lúc dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành ác liệt nhất tại khắp các châu lục trên thế giới, thì doanh nghiệp này có hợp đồng thu mua điều “siêu khủng” tại Bờ Biển Ngà. Theo hợp đồng này, 150.000 tấn điều – tương đương với toàn bộ lượng hàng mà Chính phủ Bờ Biển Ngà đang nắm giữ đã được T&T Group nhập khẩu về Việt Nam. Đây cũng là sản lượng “lớn chưa từng có” từ trước tới nay trong hoạt động xuất nhập khẩu điều tại Bờ Biển Ngà.

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 2

Không chỉ vậy, T&T Group còn cam kết sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến điều tại Bờ Biển Ngà với công suất chế biến nhà máy lên tới 50.000 tấn điều thô mỗi năm. Hiện nhà máy đã được tiến hành khảo sát và lựa chọn địa điểm xây dựng, tuy nhiên do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc đi lại nên tiến độ xây dựng đang bị gián đoạn. Trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, tiến độ dự án sẽ được đẩy nhanh nhằm sớm hoàn thiện.

Qua thương vụ này có thể thấy rằng ảnh hưởng của dịch COVID-19 không làm T&T Group yếu đi mà còn khiến doanh nghiệp của “bầu Hiển” trở nên mạnh hơn khi biết chớp thời cơ, vận dụng những nguồn lực hiệu quả để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 3

Bà Phạm Thị Phương Mai, đại diện Tập đoàn T&T Group và đại diện Liên minh các nhà xuất khẩu điều Bờ Biển Ngà ký kết hợp đồng thu mua 150 nghìn tấn điều thô dưới sự chứng kiến của Hội đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà

Trước đó, trong năm 2019, T&T Group cũng đã từng đưa thương hiệu Việt Nam vang danh trên thương trường quốc tế với hợp đồng thu mua điều thô lớn nhất lịch sử ngành điều thế giới từ trước đến nay, sản lượng 176.000 tấn. “Kỷ lục” này không chỉ mang lại sản lượng điều dồi dào cho ngành điều trong nước mà còn tạo tiếng vang cực lớn trên thị trường điều thế giới, khẳng định được bản lĩnh và tiềm lực của doanh nghiệp Việt trên sân chơi nông sản quốc tế.

Chưa dừng lại ở đó, cuối tháng 10/2019, T&T Group lại tiếp tục vượt qua nhiều doanh nghiệp khác của Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Kenya, UAE… để thắng thầu hơn 13.600 tấn điều nguyên liệu trong tổng số hơn 20.000 tấn của vụ mùa mới 2019/2020 của Tanzania. Con số kể trên đã chiếm tới 68% tổng sản lượng mà chính phủ nước này tổ chức chào bán ở những phiên đấu giá trong ngày đầu tiên tại 2 hạt Newala và Masasi.

Đáng chú ý, các thương vụ thu mua điều của T&T Group đều thực hiện theo phương thức đấu thầu quốc tế. Theo các chuyên gia trong ngành, đấu giá mua điều thô nguyên liệu tại châu Phi thường cạnh tranh rất quyết liệt, có sự tham gia của các “ông lớn” quốc tế và thế giới. Sau thương vụ đấu thầu quốc tế thu mua 150.000 tấn điều thô từ Bờ Biển Ngà, và trước đó là đấu thầu thu mua 176.000 tấn điều tại Tanzania, đại diện Hiệp hội Điều Tanzania cho biết T&T Group là thương hiệu có uy tín của Việt Nam, thắng thầu lớn là nhờ am hiểu thị trường, điều phối nguồn lực hiệu quả, “và quan trọng hơn cả là chiến lược thương mại đầu tư lâu dài, có tầm nhìn tại Bờ Biển Ngà, Tanzania đã giúp T&T thắng thầu”.

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 4

Thành công của T&T Group khi vượt qua những doanh nghiệp khác của Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, UAE… để trúng đấu giá mùa vụ 2019-2020 tại Bờ Biển Ngà, Tanzania có ý nghĩa hết sức đặc biệt, tạo tiếng vang và ảnh hưởng lớn trên thị trường điều thế giới và châu Phi, không chỉ khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt ở thị trường nước ngoài, mà còn góp phần tạo dựng chuỗi cung ứng điều thô ổn định, bình ổn giá cho nhu cầu trong nước, giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều của Việt Nam giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận và phát triển bền vững. Đây là yếu tố quan trọng để Việt Nam giữ vững ngôi vị số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt điều trong thời gian tới.

Trong những năm gần đây, Việt Nam là nước có sản lượng nhập khẩu và chế biến điều lớn nhất thế giới sử dụng đến 50% tổng sản lượng điều thô trên toàn cầu, đồng thời, cũng là nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, chiếm 70-80% tổng cung sản lượng điều nhân thế giới. Trong đó, T&T đóng góp công sức không hề nhỏ.

Hiện nay, T&T Group là “anh cả” trong lĩnh vực xuất nhập khẩu điều tại thị trường Việt Nam. Trong năm 2020, tổng sản lượng xuất nhập khẩu điều mà T&T Group thực hiện đạt trên 400 nghìn tấn, tương đương khoảng 25% sản lượng xuất nhập khẩu điều của cả nước. Năm 2021, T&T Group đặt kế hoạch sẽ nhập khẩu 600.000 tấn điều thô và sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và xuất khẩu điều nhân.

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 5

Là 1 trong những tập đoàn kinh tế “sừng sỏ” nhất Việt Nam, T&T Group gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Đỗ Quang Hiển, người thường được nhắc đến với cái tên là “bầu” hiểu. Với xuất phát là 1 đơn vị kinh doanh điện tử, xe máy, T&T Group đã vượt qua những khó khăn ban đầu để từng bước chuyển mình, để mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, công thương…

Ông Đỗ Quang Hiển sinh năm 1962 tại Hà Nội, hiện ông là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group; Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Ngoài ra ông còn tham gia sáng lập nhiều tổ chức tài chính, kinh tế… Ông Hiển cũng đồng thời đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trước khi trở thành 1 doanh nhân tiêu biểu, ông Đỗ Quang Hiển từng ước mơ trở thành giáo sư, viện sĩ. Ông từng kể rằng: “Khi còn là học sinh, tôi thần tượng các giảng viên đại học, nên luôn ước mơ sau này sẽ trở thành 1 nhà nghiên cứu, 1 giảng viên, giáo sư với nhiều bằng sáng chế khoa học. Vì thế sau khi kết thúc THPT, tôi thi vào khoa Vật lý của Đại học Tổng hợp để theo đuổi ước mơ của mình. Nhưng khi có kết quả thi, tôi rất bất ngờ bởi cái tên Đỗ Quang Hiển lại nằm trong danh sách khoa Kinh tế chính trị”.

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 6

Lúc đó ông Hiển tỏ ra hoang mang lắm, mới đem chuyện này về nói với Bố. Thế là hai bố con ông đến trường gặp các thầy để hỏi. Thầy giáo mới nhìn bố con ông cười tươi và bảo, vào được khoa Kinh tế chính trị là rất tốt, vì đây là khoa mới thành lập và phải học rất giỏi, có lý lịch tốt mới có thể vào được.

Khi nghe thầy nói như thế, ông Hiển vẫn kiên quyết không đồng ý vì không đúng với ước mơ của mình và quả quyết không học khoa Lý thì sẽ không đi học nữa. Thuyết phục không được, trường "trả" ông về khoa Lý theo đúng nguyện vọng.

Năm 1987, sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý - Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông Hiển về công tác tại Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia. Được Viện tín nhiệm, giao nhiều nhiệm vụ, ông có cơ hội được đi học tập, nghiên cứu, làm việc ở nhiều nước và tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Trong số các nước đã tới học tập và nghiên cứu, ông cho biết đặc biệt ấn tượng với Nhật. Ông đã, tiếp xúc với nhiều đối tác là các tập đoàn lớn như Panasonic, Mitsubishi, National…và rất ngưỡng mộ cách làm ăn của họ.

Sau này ông biết được các "đại gia" ấy đang muốn tìm đối tác phân phối độc quyền các mặt hàng gia dụng như điều hoà, tủ lạnh, tivi, máy sấy tóc… ở phía Bắc Việt Nam. Thế là ông nghĩ, mình có thể làm được.

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 7

Và năm 1993, ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng bằng việc thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T, chuyên kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông.

Những năm đầu thập niên 90, T&T của ông Hiển là cái tên hàng đầu trong lĩnh vực hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng. T&T được độc quyền nhập và phân phối tủ lạnh, máy giặt, điều hoà, tivi... cho các hãng của Nhật như Panasonic, Mitsubishi, National... toàn miền Bắc. Ông Hiển kể, hồi ấy cứ hàng về bao nhiêu bán hết từng đó, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng nhanh chóng.

Vậy mà đúng lúc kinh doanh đang ở đỉnh cao thì rủi ro xảy ra. Theo lời của vị chủ tịch T&T thì từ năm 1995 - 1998, một lượng lớn hàng điện tử, điện lạnh…nhập lậu được kê khai thành máy tính để chỉ phải chịu mức thuế 0- 5% đã tuồn vào thị trường và bán ra với giá rất rẻ.

Trong khi ấy, T&T hàng nhập chính ngạch với mức thuế 60% - không thể cạnh tranh được đã tồn kho một lượng lớn đồng thời gánh món nợ thuế hơn 7 tỷ đồng, một con số quá lớn tại thời điểm đó.

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 8

Trước tình cảnh đó, ông Hiển tìm cách chu cấp cho nhân viên, giới thiệu sang công ty khác và chỉ dám giữ lại đôi ba người thân tín để cùng xoay sở.

3 năm khủng hoảng rồi cũng qua đi. Đến năm 1998, ông gặp một cơ duyên khác và vực dậy uy tín của T&T với ngành sản xuất xe máy. Khi thị trường mà T&T tiên phong tìm ra trở thành “miếng bánh” ngon của gần 60 doanh nghiệp khác thì khó khăn, thất bại lại đến.

Dù khó khăn liên tiếp ập đến nhưng ông Hiển vẫn lạc quan. “Tôi thích làm những việc mà người khác cho là không thể và phải đi tới cùng. Tôi nghĩ lúc khởi sự cả vốn và kinh nghiệm của mình đều yếu mà còn làm được, huống hồ khi đã đứng vững rồi mà còn gục ngã thì buồn lắm”, ông Hiển nói.

Ông rà soát lại quy trình đầu tư, ông nhận ra có quá nhiều bất ổn. Kết hợp với những thương vụ không thành trong quá khứ, ông nghĩ, nếu chỉ làm thương mại - tức bán hàng mà không sản xuất - thì chẳng những phải chấp nhận đầu vào với giá cao mà còn luôn bị động. Đó là tiền đề cho sự ra đời của nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ và phụ tùng xe máy đạt tỷ lệ nội địa hóa với quy mô lớn trên 80% của riêng T&T tại Hưng Yên với số vốn đầu tư lên tới 50 triệu USD khi ấy. Và nước cờ đó đã đưa T&T vượt qua giông bão, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động.

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 9

Năm 2006, sau khi đã khôi phục lại T&T thành công với mảng sản xuất linh kiện, ông Đỗ Quang Hiển đầu tư vào SHB (khi đó là Ngân hàng nông thôn Nhơn Ái) và trở thành Chủ tịch ngân hàng. Dưới sự lãnh đạo của “bầu” Hiển, đến nay SHB đứng trong Top 5 Ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam. Tổng tài sản tính đến ngày 31/3/2021 đạt hơn 418.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện nay đạt hơn 19.260 tỷ đồng. Vốn tự có đạt 38.959 tỷ đồng. Ngân hàng có 8.500 cán bộ nhân viên đang làm việc tại 537 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 5 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối tới 400 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục.

Cũng trong giai đoạn những năm 2006, để thích nghi với nền kinh tế thị trường, ông Hiển chuyển đổi từ mô hình công ty TNHH trở thành Công ty CP Tập đoàn T&T; đồng thời mở rộng kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư, trở thành cổ đông chiến lược của các định chế tài chính, như: Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), Công ty CP Quản lý quỹ Sài Gòn-Hà Nội (SHF), Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn-Hà Nội (BSH).

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 10

Không chỉ đẩy mạnh đầu tư kinh doanh, T&T Group còn tham gia mạnh mẽ vào tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn, tham gia lập chiến lược quản trị của nhiều tổng công ty, công ty trong các lĩnh vực: Công nghiệp sản xuất; lâm nghiệp-nông nghiệp và thực phẩm tiêu dùng; cảng biển, logistics và hạ tầng giao thông; thương mại xuất nhập khẩu, bán lẻ, dịch vụ; y tế, giáo dục và thể thao…

Từ năm 2015, với mục tiêu đưa T&T Group trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành mang tầm quốc tế, ông Hiển đã bắt tay nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, mở rộng đầu tư kinh doanh cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cụ thể, T&T Group đã liên kết với “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon (Hoa Kỳ); Tập đoàn Bouygues (Pháp) về dự án đường sắt đô thị số 3, Tập đoàn YCH (Singapore) trong dự án trung tâm logistics và cảng cạn quốc tế; ký với Hiệp hội Doanh nghiệp HunterNet (Australia) biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, năng lượng tái tạo, khai thác than, dệt may công nghiệp, sản xuất tiên tiến; ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hội đồng bông và điều Bờ Biển Ngà (CCA) để thu mua điều thô từ Bờ Biển Ngà với sản lượng lớn. Không những vậy, T&T Group còn vươn xa bằng cách thành lập các công ty tại Mỹ, Nga, Đức…

Dù đã có 30 năm lăn lộn trên thương trường và gây dựng được những đế chế doanh nghiệp hùng mạnh, song Đỗ Quang Hiển lại sống khá kín tiếng và luôn nhận mình là một kẻ ngoại đạo. Ông chỉ muốn làm một người bình thường, được say mê với công việc và giữ vững ngọn lửa đam mê ấy.

Chia sẻ về sự thành công của SHB hay T&T, ông Hiển không nhận công lao về mình, mà nói rằng, ấy là sự tổng hợp của mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực lớn nhất là xây dựng thành công nền tảng văn hoá doanh nghiệp với giá trị cốt lõi là tính nhân văn trong hoạt động.

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 11

Đặc biệt, tiết lộ về chiến lược biến một cửa hàng nhỏ lẻ thành một tập đoàn kinh tế tư nhân nghìn tỷ có tầm ảnh hưởng quốc gia, doanh nhân Đỗ Quang Hiển ngắn gọn: Để thành công trên thương trường, bạn cần phải biết nắm bắt cơ hội, hiểu rõ nhu cầu thị trường, dám mạo hiểm và tận tâm trong công việc.

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 12

Nói về “bầu” Hiển và T&T Group, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét: “T&T Group là một doanh nghiệp dân tộc tiêu biểu và ông Đỗ Quang Hiểu là 1 doanh nhân dân tộc điển hình”.

Quả đúng là như vậy, trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu về kinh doanh để khẳng định vị thế của 1 trong những doanh nghiệp lớn hàng đầu nền kinh tế Việt Nam. T&T Group còn rất chú trọng trong các hoạt động xã hội, các chương trình vì cộng đồng, thể hiện vai trò, trách nghiệm của 1 doanh nghiệp lớn đối với dân tộc. Từ năm 2015 đến nay, T&T Group đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động an sinh trên cả nước.

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 13

Gần đây nhất, thông qua chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, T&T Group đã bỏ ra 30 tỷ đồng để trao tặng 100.000 suất quà cho người dân TP.HCM.

Chia sẻ về việc ủng hộ 30 tỷ đồng đồng hành cùng chương trình, đại diện lãnh đạo Tập đoàn T&T Group cho biết, thông qua chương trình, Tập đoàn T&T mong muốn được đóng góp 1 phần sức mình nhằm chung tay chia sẻ khó khăn, vất vả đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn-nhóm người dễ bị tổn thương nhất do dịch bệnh COVID-19. Đồng thời hy vọng có thể lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp, tinh thần “tương thân tương ái” và cổ vũ, động viên người dân TP.HCM bình tâm, bình tĩnh, bình an và quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Trước đó, vào ngày 5/6, ngay trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ phát động toàn dân ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, Tập đoàn T&T Group đã không ngần ngại chuyển số tiền 120 tỷ đồng (tương đương 1 triệu liều Vaccine) vào tài khoản của Quỹ như một cam kết chắc chắn về quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ ở thời điểm then chốt trong quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 14

Lấy triết lý “phát triển doanh nghiệp gắn với trách nhiệm xã hội” làm kim chỉ nam trong mọi hoạt động, hướng đến mục tiêu vì một Việt Nam an toàn, khỏe mạnh và chiến thắng đại dịch, Tập đoàn T&T Group luôn đi đầu, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, tích cực đồng hành, ủng hộ, đóng góp sức mình cho cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 của đất nước. Kể từ khi cuộc chiến COVID-19 bùng phát đến nay, T&T Group là một trong những doanh nghiệp tư nhân có nhiều hoạt động tài trợ nhất. T&T Group và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đã ủng hộ 600 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Không chỉ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, doanh nghiệp của “bầu” Hiển còn dành sự quan tâm đến người nghèo-những người dễ tổn thương và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Năm 2020, chương trình “Vững tin Việt Nam” do Tập đoàn T&T Group tổ chức với tổng giá trị hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng đã đến với hàng chục nghìn hộ nghèo tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước, trực tiếp trao những phần quà hỗ trợ kịp thời, động viên cả về mặt vật chất và tinh thần giúp người nghèo vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.

Bài 19: Ông `Hiển Điều` và khát vọng của doanh nhân Việt - ảnh 15

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tiềm lực vững mạnh cùng chiến lược đầu tư bài bản, Tập đoàn T&T Group đã biến thách thức thành cơ hội, thực hiện thành công “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế như chủ trương mà Chính phủ đặt ra. Ngay cả những thời điểm cao điểm của dịch bệnh COVID-19, T&T Group vẫn khởi công xây dựng một loạt các dự án bất động sản, điện mặt trời, điện gió tại Lào Cai, Thanh Hóa, Hải Dương, Ninh Thuận, Gia Lai, Vĩnh Long, Quảng Trị…; và thực hiện thành công nhiều thương vụ thu mua nông sản lớn tại thị trường thế giới.

Có thể nói, trong suốt 28 năm hình thành và phát triển củaT&T Group luôn đồng hành với sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhờ những đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, Tập đoàn T&T Group đã vinh dự được nhận những phần thưởng cao quý của Nhà nước như Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; được tặng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ và TP Hà Nội...

Đến thời điểm này, giữa lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp cả nước, có lẽ dấu ấn mà hàng triệu người dân Việt Nam trân trọng, ghi nhận dành cho ông đó không chỉ là những món quà thiện nguyện lên đến cả nghìn tỷ đồng xuất phát từ chữ Tâm của một doanh nhân mong muốn đóng góp chút sức lực bé nhỏ của mình đồng hành, chung tay giúp đỡ cùng đánh giặc Covid-19 mà còn là ý thức, trách nhiệm với cộng đồng của một doanh nhân với khát vọng vươn mình ra biển lớn để khẳng định vị thế của dải đất hình chữa S với bạn bè quốc tế.

Hình ảnh "Bầu Hiển" với chiếc cà vạt màu vàng biểu trưng cùng dáng người nhỏ bé nhưng lại có tấm lòng rộng lớn có lẽ chưa bao giờ đẹp đến thế...

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/ong-hien-dieu-va-khat-vong-cua-doanh-nhan-viet-d108934.html

Bạn đang đọc bài viết Ông 'Hiển Điều' và khát vọng của doanh nhân Việt tại chuyên mục Phong cách sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Phong cách sống