Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 23/11/2024

Bài 12: Triết lý của `đại gia` Xuân Trường, người xây dựng dự án tâm linh lớn nhất thế giới

DOANH NHÂN VN 16:02 22/08/2021

Công ty Xây dựng Xuân Trường nổi tiếng bởi xây dựng quần thể chùa Tam Chúc, ngôi chùa lớn nhất thế giới, nằm trong khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (tỉnh Hà Nam) cùng loạt dự án tương tự khắp cả nước.

Doanh nhân Xuân Trường là ai?

Tọa lạc tại thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, chùa Tam Chúc đã ghi dấu ấn bởi nhiều kỷ lục khác nhau. Đây là địa điểm thu hút một lượng lớn du khách trong mỗi mùa lễ hội đến để hành hương.

Nơi này có tổng diện tích gần 5.000ha, bao gồm 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá rừng tự nhiên, 1.000 ha các thung lũng, tạo nên sự khoáng đạt, bao la ngút ngàn của thiên nhiên bao quanh. Điều đặc biệt của chùa Tam Chúc đó là 4 bức tường lớn ở điện Tam Thế được trang trí bởi 12.000 bức tranh đá làm tường bao quanh chùa, mỗi bức tranh miêu tả các sự tích của Đức Phật; Bốn bức tường lớn của điện Pháp Chủ cũng được trang trí bởi 10.000 bức tranh tái hiện cuộc đời Đức Phật: Phật Sinh, Thành Đạo, Thuyết Pháp và Phật Niết Bàn. Ngoài ra còn nhiều công trình, kiến trúc liên quan đến phật giáo khác nhau để cho du khách bốn phương thưởng thức.

Được biết, doanh nghiệp (DN) đứng sau siêu dự án liên quan đến tâm linh này là Công ty Xây dựng Xuân Trường và chùa Tam Chúc chỉ là một phần thuộc chuỗi tâm linh do doanh nghiệp có trụ sở ở Ninh Bình này đầu tư rải rác khắp Việt Nam.

Đầu tiên, phải nhắc tới dự án Tràng An - Bái Đính từng được Xuân Trường tiến hành khoảng 15 năm trước. Nằm sát ngôi Bái Đính cổ tự trước kia, doanh nghiệp mạnh tay chi tới 15.000 tỷ đồng và xây dựng thành một ngôi chùa lớn hàng đầu châu Á. Trong đó ấn tượng nhất là 9 kỷ lục lớn nhỏ về khuôn viên, tượng phật, bảo tháp, giếng ngọc hay số lượng tượng la hán.

Năm 2010 chùa Bái Đính là nơi tổ chức Đại lễ đón xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam. Xuân Trường đã bỏ ra số tiền 100.000 USD, đích thân sang Ấn Độ để đón xá lợi về Việt Nam. Ở sân bay Nội Bài ông đã sắp xếp thuế 3 chiếc xe Limousine, Hummer, Lincol để chở xá lợi và các cao tăng về Ninh Bình. Đến năm 2014 thì quần thể này đã được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép.

Từ ngày khu du lịch đi vào hoạt động, ngành du lịch tại tỉnh Ninh Bình trở nên khác biệt hẳn. Vào năm 2018, số liệu của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết có ngày Bái Đính đón đến 220.000 lượt du khách, trong khi ngày cao nhất ở Tràng An đạt đến 31.000 lượt.

Đại gia Xuân Trường tên thật là Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963, tại Hoa Lư, Ninh Bình. Ông Trường là một doanh nhân nổi tiếng, nằm trong nhóm doanh nhân đạt danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" và Cúp Vàng hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Trường là Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Xuân Trường. Ngoài ra, ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch Hoa Lư, giám đốc khách sạn Hoa Lư. Ông Trường còn tham gia vào nhiều hoạt động của giới doanh nhân khác như: ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khóa V.

Ông Trường từng tâm sự: “Có người đã đúc kết rất đúng rằng, đại gia thì cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm một ngày thôi, cái khác biệt biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời. Và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý, thì cũng chẳng cần khoa trương, nó vẫn quý”. Có lẽ vì suy nghĩ đó nên doanh nhân này đã mạnh tay chi rất nhiều tiền để xây dựng các công trình nổi tiếng, để đời như là một cách để “ghi danh” cho mình.

Khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính nổi tiếng với rất nhiều kỷ lục Việt Nam, Đông Nam Á và thậm chí là châu Á. Đây là ngôi chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, có chuông đồng 36 tấn lớn nhất Việt Nam, có 500 tượng La Hán, có giếng ngọc lớn nhất, có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam,...

Doanh nhân này cũng là người ít nói và không bao giờ để báo chí chụp ảnh. Theo chia sẻ của ông, niềm vui lớn nhất là nhìn thấy hàng ngàn người dân Gia Viễn quê ông có việc làm, thu nhập ổn định khi quần thể hang động Tràng An và khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính đi vào hoạt động. Chèo đò, chạy xe ôm, bán hàng hay chụp ảnh, những công việc đó ở Bái Đính và Tràng An thu nhập gấp 10 lần trồng lúa.

Nhiều địa phương "trải thảm đỏ"

Sau dự án tâm linh có độ lớn bậc nhất tại quê nhà, Xuân Trường đã được nhiều địa phương khác "trải thảm đỏ" để thực hiện loạt dự án du lịch tâm linh.

Tại Thái Nguyên là dự án Hồ Núi Cốc đã được triển khai vào năm 2016 với tổng mức đầu tư tương đương với các dự án đi trước của Xuân Trường: 15.000 tỷ đồng. Vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương là thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ.

Phần quy hoạch sử dụng đất được ghi nhận rơi vào khoảng 18.940 ha, trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha. Theo kế hoạch, phân khu chức năng chính của dự án gồm các bộ phận: Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc.

Ngoài ra, trong dự án còn xây dựng 2 cổng chính vào khu du lịch với vị trí 1 tại nút giao đường cao tốc với đường trục chính vào trung tâm thành phố, kết nối với đường vào khu du lịch và vị trí 2 tại nút giao đường phía tây với tỉnh lộ 261.

Tất nhiên, phần đáng chú ý của dự án vẫn là tham vọng xây dựng tháp Phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150 m của Xuân Trường. Nền móng Tháp có chiều rộng 10.000 m2, có thể chứa được 5.000-10.000 người trong cùng một thời điểm tại.

Ở thời điểm khởi công, doanh nghiệp cho biết có thể đặt móng trong năm 2016, phần thô sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãng cảnh, bái phật. Dự án có thời hạn hoàn thành trong khoảng 10 năm (2016-2026). Riêng phần xây dựng chùa tháp đã "ngốn" của Xuân Trường khoảng 10.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Xây dựng Xuân Trường từng đề xuất làm Dự án khu du lịch đảo Cái Tráp tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư cũng không kém các khu du lịch tâm linh hiện thời: 10.000 tỷ. Tuy nhiên, vào năm 2019 thì UBND thành phố Hải Phòng đã hủy bỏ thông báo chủ trương chấp thuận đầu tư bởi doanh nghiệp chậm trễ trong việc đề xuất kế hoạch triển khai dự án. Nên có thể nói việc ôm đồm nhiều đại dự án có thể ảnh hưởng đến chất lượng và danh tiếng của doanh nghiệp nếu không cân nhắc kỹ.

Theo các thông tin cập nhật gần đây nhất, vào cuối năm 2018 thì DN cũng đề nghị đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Tổng vốn đầu tư được đề xuất khoảng 15.000 tỷ đồng với quy mô lên đến 1.000 ha, được Xuân Trường đề xuất dự án từ ngày 25/7/2018.

Dự án gồm các hạng mục như nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20 km giống như Tràng An; khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100 m để thờ Xá Phật Lợi; xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng. Chủ đầu tư kỳ vọng, khi hoàn thành, nơi đây sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Thời điểm hiện tại, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành du lịch thì Xuân Trường cũng phải "gắng gượng" chống chịu những ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Công ty từng chia sẻ rằng nhân cơ hội không có khách du lịch sẽ cải tạo cảnh quan, kiện toàn lại bộ máy công ty và tạo ra nhiều sản phẩm mới nhằm thích ứng với bối cảnh mới sau đại dịch.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/doanh-nghiep-viet-xay-dung-du-an-tam-linh-lon-nhat-the-gioi-36725.html

Bạn đang đọc bài viết Bài 12: Triết lý của `đại gia` Xuân Trường, người xây dựng dự án tâm linh lớn nhất thế giới tại chuyên mục Phong cách sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Phong cách sống