Cuộc đời đơn giản
Warren Buffett và Bill Gates là hai nhà từ thiện nổi danh hàng đầu trên thế giới, nhưng cả hai đều cùng chung một niềm ngưỡng mộ to lớn dành cho vị tỷ phú mang tên Chuck Feeney.
Ông là người sáng lập tập đoàn miễn thuế lớn nhất toàn cầu Duty Free Shoppers (DFS), tập đoàn bán lẻ các xa xỉ phẩm có trụ sở tại Hồng Kông, nhưng chỉ cùng người vợ Helga sống trong một căn hộ cho thuê tại San Francisco, Mỹ.
Tỷ phú Chuck Feene. |
Trái ngược với gia tài khổng lồ, cuộc sống của ông chỉ xoay quanh hai chữ giản đơn. Tất cả các hoạt động từ thiện của ông cũng diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ. Trong căn hộ của Feeney cũng không có bất kỳ một kỷ niệm chương hay bằng khen, bức ảnh nào ghi lại cống hiến của ông dành cho xã hội, cho dù ông đã quyên góp hơn 8 tỷ đô-la cho các hoạt động hỗ trợ giáo dục, nghiên cứu, cộng đồng hàng chục năm qua.
“Nhỏ bé, tiện dụng và rất đơn giản. Bạn có thể nhầm nơi này với ký túc xá sinh viên năm nhất". Đây là lời nhận xét chân tình của một phóng viên Forbes có dịp tình cờ ghé thăm nhà của vị tỷ phú “khác người” này.
Người đàn ông 86 tuổi sở hữu gia tài hàng trăm tỷ nhưng không có lấy 1 ôtô hay vật dụng xa xỉ nào. Trong lần diện kiến thủ tướng Ireland, vị tỷ phú cũng chỉ đeo một chiếc kính cũ mua ở một cửa hàng bán đồ vỉa hè. Đồ phụ kiện đáng giá nhất ông sở hữu là chiếc đồng hồ trị giá 15 đô-la, theo Irishtimes. Khi được hỏi, Chuck Feeney còn tự hào nói rằng: "Đồng hồ của tôi đúng giờ không thua kém Rolex đâu nhé".
Rất nhiều đàn ông coi đồng hồ là một vật đại diện, là sự biểu trưng cho bản lĩnh của chính mình. Ăn mặc có thể bình thường, nhưng đồng hồ nhất định phải giá trị. Do đó, khi được biết giá trị thật sự của chiếc đồng hồ trên tay Chuck Feeny, ai cũng không khỏi ngỡ ngàng.
Từ thiện hơn 8 tỷ đô nhưng giá tiền chiếc đồng hồ trên tay của vị tỷ phú này mới là thứ khiến cả Bill Gates và Warren Buffett phải ngưỡng mộ
Trước kia, ông sở hữu đến ngôi nhà sang trọng ở London, Paris và New York Park Avenue nhưng hiện giờ chỉ thuê một căn hộ giản dị. Hàng ngày đi lại bằng xe buýt hoặc tàu điện ngầm, chỉ đi máy bay hạng phổ thông, chưa từng mặc hàng hiệu, uống rượu trắng loại hai tại các nhà hàng... đó là cuộc sống mà nếu chỉ nhìn bề ngoài, không ai nhận ra đây từng là CEO của một tập đoàn nổi tiếng. Sống cuộc đời bình thường về vật chất nhưng giàu có về tinh thần, Chuck Feeney thường xuyên cùng vợ đi ăn. Họ từ chối những nhà hàng cao cấp và những món ăn hàng trăm đô la để tận hưởng bữa cơm 25 đô la đơn giản nhưng khiến đôi vợ chồng cảm thấy thanh thản, hạnh phúc.
Ông có 5 người con và ai cũng được dạy dỗ cẩn thận về giá trị thật sự của đồng tiền. Các con ông được cha yêu cầu phải đi làm thêm trong kỳ nghỉ, như bán kem, phục vụ nhà hàng, học được cách tiết kiệm khi sử dụng điện thoại công cộng mỗi lần gọi điện về nhà hỏi thăm cha mẹ.... để phát triển khả năng tự thu xếp, quản lý các chi phí sinh hoạt của bản thân.
“Tôi luôn có một suy nghĩ là phải dùng sự giàu có của mình để giúp mọi người. Tôi cố sống một cuộc sống bình thường, giống như khi tôi lớn lên...”, Feeney nói trên Irishtimes.
Chuck Feeney không được sinh ra trong một gia đình giàu có. Cha ông chỉ là một nhân viên bán bảo hiểm, và mẹ ông là y tá. Cả gia tài tích lũy được sau này là do chính ông một tay kinh doanh, gây dựng nên.
Năm 1960, có hai cậu bé nghèo thành lập DFS và 4 năm sau đó, nó bắt đầu phát triển mạnh mẽ, dần dần lan rộng tới 27 quốc gia trên thế giới cùng sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và du lịch, vươn lên vị trí dẫn đầu.
Nhờ đó, chỉ riêng năm 1988, Chuck Feeney đã thu được lợi nhuận lên tới con số đáng kinh ngạc là 155 triệu đô la, chỉ tính riêng từ việc kinh doanh.
Cho đi khi còn đang sống
Triết lý của cả cuộc đời Chuck Feeney tuân theo chính là “Cho đi khi còn đang sống”.
Ngay từ năm 1984, ông đã cùng người vợ đầu âm thầm ký kết hàng loạt tài liệu để quyên góp toàn bộ gia tài của mình, cả tiền mặt và số cổ phần doanh nghiệp đang nắm giữ, để lập nên một quỹ từ thiện tên là Atlantic Philanthropies.
Thông qua đó, ông trao tặng hàng tỷ đô-la vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế, bảo vệ nhân quyền... cho Mỹ, Ireland, và một lượng lớn tiền nữa cho các công tác từ thiện ở Việt Nam, Australia, Nam Phi, Thái Lan và Cuba.
Một ca khám chữa bệnh từ thiện của Đông - Tây hội ngộ,tổchức nhận đã được sự hỗ trợ kịp thời của Chuck Feeney trongthời điểm khó khăn về tài chính năm 1997. Ảnh: Michael French. |
Đặc biệt tại Việt Nam, trong suốt giai đoạn 1998 - 2013, quỹ từ thiện của Chuck đã đầu tư 381,5 triệu USD để cải thiện y tế, chất lượng thư viện, đại học tại Việt Nam. Quỹ đã góp phần hiện đại hóa hệ thống y tế công cộng và y tế cơ sở, xây dựng và cải tạo 940 trung tâm y tế địa phương, phục vụ cho 9 triệu người dân trên 8 tỉnh thành.
Quỹ của ông cũng hỗ trợ việc thúc đẩy những thói quen sống lành mạnh hơn, bao gồm các chiến dịch chống hút thuốc trên phạm vi toàn quốc và một sáng kiến đã cho kết quả là sự ra đời của luật đội mũ bảo hiểm khi lưu thông bằng xe máy.
Một điều đáng ngạc nhiên nhất chính là: Toàn bộ những quyết định này đều được giữ bí mật, rất lâu sau đó người ta mới xác định được “người ẩn danh” tốt bụng này là tỷ phú Chuck Feeney.
Một góc thư viện ĐH RMIT Việt Nam do quỹ của tỉ phú Chuck Feeney tài trợ. Ảnh: RMIT. |
Tinh thần và cách sống ấy là nguyên nhân khiến hai tỷ phú hàng đầu thế giới, Bill Gates và Warren Buffett, đã phải ngưỡng mộ hết lời, lấy làm nguồn cảm hứng để sáng lập quỹ Bill & Melinda Gates Foundation và quỹ Giving Pledge, nơi tập hợp gần 100 người giàu nhất thế giới hứa tặng 50% tài sản để làm từ thiện.
Tiền bạc có thể là chiến lợi phẩm của thành công, nhưng nó chưa từng là lẽ sống của đời người. “Cho đi ngày hôm nay, bạn sẽ thấy được kết quả. Cho đi khi đã chết, bạn sẽ chẳng cảm nhận được gì", Feeney nói.
Theo Nhật Minh/Sở hữu Trí tuệ