Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Doanh nghiệp công nghệ số tăng trưởng mạnh và những vấn đề pháp lý cần hoàn thiện

nguoiduatin 21:10 29/07/2022

Trong cơ cấu doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin 6 tháng qua, tỷ lệ giá trị Make in Vietnam đạt hơn 26,7% với giá trị ước đạt khoảng 19,4 tỷ USD.

Doanh thu ICT tăng trưởng mạnh

Từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp ICT (thông tin và truyền thông) đạt mức tăng trưởng 2 con số và là một trong những nhóm ngành có doanh thu tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành.

Theo thống kê, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam nửa đầu năm 2022 ước đạt 72,5 tỷ USD, tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng của ngành công nghiệp ICT gấp hơn 2 lần tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm.

Kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử đạt khoảng 57 tỷ USD tăng 16,4% so với cùng kỳ với nhiều mặt hàng trở thành nhóm hàng chủ lực mang về ngoại tệ. Cụ thể, nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu máy tính ước đạt 29,1 tỷ USD tăng 21,8% và xuất khẩu điện thoại ước đạt 27,9 tỷ USD tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Theo tính toán, tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ giá trị Make in Vietnam trong cơ cấu doanh thu công nghiệp ICT đạt 26,72% với giá trị ước đạt khoảng 19,4 tỷ USD. Dự kiến đến hết năm 2022, tỷ lệ giá trị Make in Vietnam sẽ tăng lên 27% tương đương giá trị 41,4 tỷ USD.

Trước làn sóng chuyển dịch đầu tư, Việt Nam đang là điểm đến thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ lớn và nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu trong sản xuất điện thoại, máy tính hay các sản phẩm điện tử.

Cơ cấu doanh thu cho thấy, khối FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của ngành công nghiệp ICT. Tuy nhiên, tỷ lệ giá trị Việt Nam trong cơ cấu doanh thu ngành đang tăng theo từng năm. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) năm 2021, tỷ lệ giá trị Việt Nam trong doanh thu ngành đạt 24,65%.

Những tháng đầu năm 2022 cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số. Hiện Việt Nam có khoảng 67.300 tăng 3.422 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ xấp xỉ khoảng 0,69 doanh nghiệp/1.000 dân.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang có một số bước tiến trong việc nghiên cứu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Tính đến tháng 7/2022, thiết bị 5G do doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đã đầy đủ ở các phân lớp hệ thống mạng 5G (mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng truy cập) và đã được triển khai lắp đặt trên mạng lưới để cung cấp dịch vụ ở một số khu vực diện rộng với tốc độ download 1.5 Gbps, upload 60Mbps.

Hiện nay, các doanh nghiệp số đang tiếp tục triển khai nghiên cứu, phát triển các sản phẩm có công suất và tính năng kỹ thuật cao hơn; đồng thời triển khai thực hiện hoạt động sản xuất lô lớn để đáp ứng mục tiêu kế hoạch triển khai diện rộng trong năm 2023.

Theo kế hoạch trước đó, năm 2022, Bộ TTTT sẽ tham mưu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số.; Xây dựng và bảo vệ được không gian tăng trưởng và phát triển kinh tế số dựa trên các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất, cung cấp, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Định hướng đến năm 2025, ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông với tầm nhìn và sứ mệnh mới là dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang Make in Vietnam, làm sản phẩm tại Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, trong đó tỷ trọng Make in Vietnam vào năm 2025 đạt trên 45%.

Phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt số lượng 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025. Hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế với doanh thu trên 1 tỷ USD.

Sớm có khung khổ pháp lý cho công nghiệp công nghệ số

Bà Tô Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT) đánh giá, ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 2 con số/năm.

Mặc dù có quy mô lớn, song ngành này đang gặp nhiều trở ngại. Điển hình như việc công nghiệp công nghệ số chưa được coi là một ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg. Các hoạt động công nghiệp công nghệ số được phân chia vào 3 ngành gồm: công nghiệp chế biến - chế tạo, bán buôn và bán lẻ, thông tin và truyền thông. Cách phân chia này thiếu đồng bộ, dẫn đến thống kê không đầy đủ, chưa phản ánh đúng bản chất, sự đa dạng và phát triển của ngành.

Một ví dụ cụ thể là hoạt động công nghiệp phần mềm gặp một số vướng mắc trong áp dụng pháp luật do khái niệm và phạm vi các hoạt động công nghiệp phần mềm chưa phù hợp, chưa theo kịp xu thế phát triển, dẫn đến việc áp dụng chính sách chưa đúng, chưa đủ cho khối doanh nghiệp này.

Còn theo bà Trịnh Thị Hiền (Viện Nghiên cứu châu Âu), ngành công nghiệp công nghệ số được coi là "lõi" của nền kinh tế số đang đối mặt với các nguy cơ và thách thức cần giải quyết. Đó là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghệ số trong khu vực ASEAN và sự bảo hộ thị trường của một số quốc gia.

Theo bà Hiền, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và ban hành chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển.

Ông Trương Hữu Chung, Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT) cho rằng, hiện nay đầu ra của ngành công nghiệp công nghệ số vẫn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số chủ yếu cho xuất khẩu. Nhưng các doanh nghiệp công nghệ số chưa thực sự chú trọng chiến lược phát triển chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, các vấn đề rủi ro toàn cầu (như dịch bệnh, chiến tranh thương mại) dẫn đến suy thoái kinh tế, phá vỡ các chuỗi sản xuất có doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia, thu hẹp các thị trường xuất khẩu truyền thống, ảnh hưởng đến nguồn cung tư liệu sản xuất của doanh nghiệp công nghệ số.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp công nghệ số còn đối mặt với hàng loạt rủi ro khác như: nguy cơ bị thâu tóm khi phụ thuộc về đầu tư nước ngoài; phụ thuộc về tài nguyên dữ liệu, công nghệ khai thác dữ liệu; nguy cơ bị mất lợi thế về nhân công giá rẻ và chảy máu chất xám…

Góp ý cho Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đại diện Grab cho rằng, Luật cần mang tính khả thi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể phát triển. Chính sách phải phù hợp thực tiễn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam), Việt Nam đang đi chậm hơn các nước phát triển 5 - 8 năm về các quy định liên quan đến tài sản số, dữ liệu, thuế, kinh doanh số, hay cả quy định về sandbox.

“Hội Truyền thông số Việt Nam đã khuyến nghị, trong Luật Công nghiệp công nghệ số cần ưu tiên giải quyết 2 bài toán là cơ chế sandbox và tài sản số. Về sandbox, phải đưa vào Luật nội dung về cơ chế thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát để trên cơ sở đó trong từng ngành sẽ có quy định riêng. Công nghệ blockchain đang phát triển mạnh mẽ, nhưng khi tạo ra NFT (loại tài sản số hiện diện trên một chuỗi số - blockchain) lại không được thừa nhận như một tài sản. Đây là thời điểm chúng ta cần làm nhanh, khi mà ngay cả trong ASEAN, Việt Nam vẫn đi chậm hơn các nước", ông Đồng nhấn mạnh.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, tài sản số được sinh ra cùng với sự phát triển của công nghệ số, như các tài khoản trực tuyến, tài khoản email, tài khoản mạng xã hội… Dù cũng là tài sản theo pháp luật dân sự, nhưng tài sản số có một số điểm khác biệt so với tài sản truyền thống. Song hiện nay, pháp luật vẫn chưa có quy định về các nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho các giao dịch, chuyển quyền, nghĩa vụ của các loại tài sản này.

“Để thúc đẩy các ngành công nghệ số, tạo lập khung khổ cho ngành, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chính sách quy định về những nguyên tắc cơ bản áp dụng với tài sản số (quyền, nghĩa vụ của các bên, trong đó có công ty công nghệ; nguyên tắc bảo vệ; nguyên tắc giám định số; nguyên tắc ủy thác…)”, VCCI kiến nghị.

Tuệ Minh (t/h)

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-cong-nghe-so-tang-truong-manh-va-nhung-van-de-phap-ly-a562009.html

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp công nghệ số tăng trưởng mạnh và những vấn đề pháp lý cần hoàn thiện tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn
Các kênh đầu tư như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu... chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố vĩ mô. Nhà đầu tư cần có chiến lược phù hợp theo biến động thị trường.