Hà Nội, Chủ nhật Ngày 10/11/2024

Nên đầu tư thế nào khi lạm phát?

nguoiduatin 21:27 17/07/2022

Các kênh đầu tư như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu... chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố vĩ mô. Nhà đầu tư cần có chiến lược phù hợp theo biến động thị trường.

Ngày 14/7, tọa đàm "Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt" đã diễn ra với sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản... để nhận định về kinh tế vĩ mô Việt Nam cũng như đưa ra các lời khuyên đầu tư phù hợp với biến động thị trường.

Lưu ý tác động của lạm phát

Tại tọa đàm, ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, Thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia nhận định kinh tế vĩ mô thế giới đang đối mặt với nhiều thông tin xấu. Những yếu tố bất ổn như dịch Covid-19 bùng phát, cùng cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, chính sách zero Covid của Trung Quốc... đã khiến nhiều loại nhiên liệu hóa thạch tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lạm phát gia tăng... tác động xấu tới nhiều hoạt động kinh tế.

"Việt Nam vẫn có thể tránh được cơ bão của kinh tế thế giới và có thể trở thành một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô của Đông Nam Á", ông Lê Xuân Nghĩa đánh giá dấu hiệu tốt về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam, dù phải chịu ảnh hưởng của kinh tế thế giới.

Tài chính - Ngân hàng - Nên đầu tư thế nào khi lạm phát?

Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, Thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý áp lực lạm phát diễn ra trên toàn cầu có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam. "Kinh tế Việt Nam có thể còn chịu áp lực lên kênh đầu tư như kênh đầu tư tư nhân, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán, tiền số... Đây là những kênh đầu tư chịu áp lực lớn từ lạm phát và các bất ổn về chính trị, kinh tế toàn cầu", ông nhận định.

Vị chuyên gia cho rằng, năm 2023 có thể sẽ là thời điểm đi xuống của kinh tế toàn cầu. "Tuy nhiên, trong trường hợp xung đột Nga - Ukraine kết thúc sớm, kinh tế thế giới có thể đi lên ngay sau đó", ông nhận định.

Riêng về kênh trái phiếu doanh nghiệp, ông cho rằng đây vẫn là kênh tạo ra dòng vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế. Những tháng đầu năm, thị trường trái phiếu đã chịu ảnh hưởng nặng sau sự kiện xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa, cần nhanh chóng khôi phục thị trường này, không thể siết thị trường trái phiếu để chấn chỉnh thị trường mà phải để thị trường tiếp tục dòng chảy của nó. "Nếu chặn dòng trái phiếu doanh nghiệp, trong khi 140.000 tỷ trái phiếu sẽ đến hạn quý III, quý IV tới, sẽ khiến thị trường vốn gặp khó khăn", ông nói.

Có thể lựa chọn khu vực hưởng lợi từ dự án đầu tư công

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng chia sẻ cơ hội và rủi ro trong các kênh đầu tư phổ biến hiện nay như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ...

Đánh giá về kênh bất động sản, ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT RB Group nhận xét thị trường trong 6 tháng và một năm tới có thể còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới các nhà đầu tư đã ôm hàng trong giai đoạn vừa rồi, đặt biệt là các nhà đầu tư đầu tư ngắn hạn, đầu cơ hay sử dụng đòn bẩy ngân hàng quá đà. "Có nhiều nhà đầu tư có thể phải gồng lỗ hoặc cắt lỗ trong giai đoạn này nếu không có dòng tiền tốt", ông nói.

Nhận định đang là thời điểm khó khăn để xuống tiền, nhưng ông cũng chỉ ra những điểm tích cực của thị trường trong trung dài hạn. Theo Chủ tịch RB Group, vẫn có khu vực đáng đầu tư, tuỳ kiến thức, kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư khác nhau sẽ dẫn đến các sự lựa chọn khác nhau nhưng thời điểm này nên đầu tư trung dài hạn hơn là lướt sóng.

Tài chính - Ngân hàng - Nên đầu tư thế nào khi lạm phát? (Hình 2).

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT RB Group.

Ông Ngọc nhận định 2 năm qua, thị trường ''nóng'' ở nhiều vùng ven do tâm lý "FOMO". Tuy nhiên, ông lưu ý các thị trường có nội lực riêng về du lịch, hưởng lợi đầu tư công. "Chưa bao giờ giải ngân vốn cho đầu tư công nhiều như thập kỷ này", ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, trong một đến hai năm tới thị trường bất động sản có thể còn gặp khó khăn, để không rơi vào tình trạng "chết trên đống tài sản", nhà đầu tư nên cơ cấu tài sản đầu tư từ khu vực không có giá trị sử dụng về khu vực gần có giá trị sử dụng, nếu có dòng tiền cho thuê thì càng tốt.

"Nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn khu vực hưởng lợi từ dự án đầu tư công, nhưng cần quản trị rủi ro tốt, tránh trường hợp cần thanh khoản nhưng tài sản không bán được", ông đưa ra lời khuyên.

TTCK quý III sớm bước vào nhịp hồi ngắn hạn

Về kênh đầu tư chứng khoán, ông Trần Đức Anh, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô và chiến lược đầu tư của Chứng khoán KB Việt Nam cho biết, động lực tăng trưởng chính của thị trường trong 6 tháng cuối năm đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng từ ngoại biên, cũng như đà tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.

"Ở kịch bản nền kinh tế Mỹ suy thoái nhẹ, Việt Nam tự tin tăng trưởng 6%, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết vẫn giữ được tăng trưởng, EPS tăng trưởng, không có lý do hệ số P/E ở mức thấp trong trung dài hạn", ông nói.

"Chúng tôi kỳ vọng thị trường trong quý III sẽ sớm bước vào nhịp hồi ngắn hạn, phản ứng với các chỉ tiêu vĩ mô tích cực được công bố, cũng như mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, đặc biệt sau nhịp điều chỉnh sâu ở nhóm cổ phiếu tính chu kỳ cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và các ngành liên quan", ông nhận định.

Theo thống kê, từ năm 2012, chỉ có 3 lần P/E Vn-Index xuống dưới 13 lần. Ông Đức Anh cho rằng, trong bối cảnh vĩ mô nhiều biến động, sẽ xuất hiện ngành mạnh/yếu hơn thị trường chung. Ông nêu ví dụ, sự kiện xảy ra tại Tân Hoàng Minh đã tác động mạnh đến cổ phiếu bất động sản, ngân hàng 1-2 tháng sau đó.

Tài chính - Ngân hàng - Nên đầu tư thế nào khi lạm phát? (Hình 3).

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm ngày 14/7.

Ông Trần Đức Anh cho rằng trong 2 quý cuối năm, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng có thể hưởng lợi. "Dù ngắn hạn có yếu tố rủi ro về room tín dụng, nợ xấu, trái phiếu, nhưng trong trường hợp bức tranh quý II cho thấy chất lượng tài sản, tăng trưởng thu nhập, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng ngành ngân hàng có thể hồi phục trong bối cảnh định giá thấp hiện tại", ông nói.

Còn ở vị trí quản lý các quỹ đầu tư, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Hobbit Investment và Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank cũng đã đưa ra nhiều lời khuyên.

Ông William Đỗ đến từ Quỹ đầu tư Hobbit Investment nhận định mối quan tâm và khẩu vị của nhà đầu tư đối với các kênh đầu tư là khác biệt, đặc biệt đối với các kênh đầu tư chịu sự ảnh hưởng nhất định từ biến động không ngừng trong thị trường kinh tế vào những năm trở lại đây.

Tại nước ngoài, nhà đầu tư uỷ quyền cho phía nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc mua chứng chỉ quỹ là xu hướng tuy nhiên ở Việt Nam hầu hết lại là giao dịch cá nhân, Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank chỉ ra khi so sánh giữa việc đầu tư qua chứng chỉ quỹ và tự đầu tư: ''Đầu tư vào quỹ không kỳ vọng tăng 5-7 lần, nhưng không để tình trạng mất 70-80% giá trị".

Theo bà Nga, người dân trước đây chủ yếu gửi tiết kiệm, nhưng hiện nên phân bổ vào các loại tài sản khác nhau, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu, vàng.. Trong trường hợp không có điều kiện đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, nhà đầu tư có nhu cầu cần tiết kiệm có thể sử dụng kênh đầu tư qua quỹ cổ phiếu, trái phiếu.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/nen-dau-tu-the-nao-khi-lam-phat-a560032.html

Bạn đang đọc bài viết Nên đầu tư thế nào khi lạm phát? tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn