Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Thương vụ nghìn tỷ hay lộ trình thoái vốn của ông lớn đã nhuốm máu ‘‘đại dương đỏ’’?

DTVN 15:20 23/12/2019

Đằng sau những thượng vụ sáp nhập đình đám là sự hoán đổi cổ phần hay đây là màn dạo đầu để tiến tới việc thoái vốn sau khi nhuốm máu ‘‘đại dương đỏ’’ ???

Thương vụ nghìn tỷ giữa Vingroup và Masan

‘‘Đại dương đỏ’’ là một khái niệm không còn xa lạ với giới đầu tư và kinh doanh. Nó được W.Chan Kim và Renee Mauborgne mô tả rõ trong tác phẩm ‘‘Chiến lược đại dương xanh’’. Theo đó, đại dương đỏ được hiểu là những thị trường truyền thống đã lấp đầy đối thủ và đã được khai thác rất kỹ. Sự cạnh tranh trong môi trường này là cực kỳ gay gắt, do các quy luật đã được thiết lập rõ ràng, thị phần đã được phân chia và khó có thể mở rộng thêm.

Nói về đại dương đỏ ở Việt Nam, những ngày đầu tháng 12/2019, thị trường xôn xao bởi thông tin về vụ sáp nhập giữa hai công ty con của Vingroup (HOSE: VIC) và Masan (HOSE: MSN); theo đó Công ty Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập một tập đoàn hàng tiêu dùng, bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Chỉ chưa đầy một tuần sau khi công bố thông tin, hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ đã có thông báo gửi tới các nhà cung cấp về việc từ ngày 9-12/12/2019 sẽ tạm ngưng nhập hàng (trừ hàng tươi sống) để kiểm kê, theo đúng quy định sau khi sáp nhập với Masan.

Những nghi ngại và quyền lợi của nhà sản xuất cũng như khách hàng

Đây không phải lần đầu tiên “đế chế” hàng tiêu dùng này bước chân vào ngành bán lẻ. Năm 2001, Masan đã mở 25 cửa hàng Masan Mart, nhưng nhanh chóng đóng cửa toàn bộ hệ thống này chỉ 2 năm sau đó, do người tiêu dùng chưa có thói quen mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các cửa hàng tạp hóa.

Chưa kể tới việc sau vụ sáp nhập hiện tại, hiệu quả kinh doanh của MSN trong tương lai cũng là một dấu hỏi lớn khi mảng này đã khiến Vingroup bị lỗ trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, dù lọc lõi trong ngành hàng tiêu dùng nhưng việc quản trị kênh phân phối bán lẻ cũng không phải là mảng mà MSN có nhiều kinh nghiệm. Liệu việc chuyển giao này sẽ mang lại hiệu quả hơn cho chuỗi phân phối so với dưới thời của Vingroup, nhất là khi người tiêu dùng trong nhiều năm qua thành kiến về một số tai tiếng trong chiến lược truyền thông sản phẩm của MSN.

Rõ ràng với gánh nặng từ VIC chuyển sang MSN thì việc nhà đầu tư có tâm lý e ngại và bán tháo cổ phiếu này cũng không có gì lạ. Giá cổ phiếu của Tập đoàn Masan - công ty mẹ của Masan Consumer, đối tượng chính trong thương vụ sáp nhập đã giảm mạnh khi các nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ra, tính riêng trong thời gian qua đã bị mất giá khá nhiều so với thời điểm gần đó.

Một câu hỏi nữa, là liệu sau khi sở hữu hệ thống bán lẻ trên, Masan Consumer có đẩy các mặt hàng tiêu dùng khác đang cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp này ra khỏi chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+ hay không. Chẳng hạn, những mặt hàng nước mắm được sản xuất theo phương pháp truyền thống của các đơn vị còn được phân phối và có mặt trong gian hàng của hệ thống hay không? Nếu trường hợp những mặt hàng đó bị đẩy ra khỏi hệ thống thì những hệ lụy, ảnh hưởng tới người sản xuất cũng như quyền lựa chọn của người tiêu dùng sẽ như thế nào? Như vậy liệu có vi phạm Luật Cạnh tranh? Nếu nhìn vào hành động của các kênh phân phối nước ngoài khi ưu tiên với hàng hóa do nước họ sản xuất, đồng thời đối xử phân biệt với hàng Việt thì thiết nghĩ câu hỏi trên rất cần được sự lưu tâm của cả Cơ quan quản lý nhà nước lẫn người sản xuất và khách hàng.

Hệ thống chuỗi cửa hàng Vinmart+

Vingroup giải thể chuỗi siêu thị VinPro: phải chăng là hệ quả sau khi nhuốm máu ‘‘đại dương đỏ’’?

Sau thương vụ sáp nhập với tập đoàn Masan, Vingroup tiếp tục rút khỏi mảng bán lẻ điện máy vốn cạnh tranh đầy khốc liệt. Cụ thể, ngày 18/12/2019, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để tập trung nguồn lực cho Công Nghiệp - Công nghệ. Theo đó, trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID; toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro sẽ giải thể. Thời hạn hoàn tất là hết tháng 12/2019.

Vingroup phủ nhận việc đóng cửa mảng thương mại điện tử mà cho rằng đây là hoạt động phục vụ cho việc chuyển giao khi Adayroi sáp nhập vào VinID. Các hàng hóa, dịch vụ đặt mua thành công trên website trước ngày cut-off vẫn được giao và áp dụng chính sách hoàn, hủy, đổi trả theo đúng thỏa thuận. Ngoài ra, toàn bộ nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng Vincommerce với nhà cung cấp sẽ kết thúc trước ngày 15/1/2020.

Với sự kiện hệ thống siêu thị điện máy VinPro sau gần 5 năm ra mắt sẽ giải thể do việc thay đổi chiến lược phát triển, cho thấy lĩnh vực bán lẻ không còn là ưu tiên cốt lõi của tập đoàn này. Tuy nhiên, thực tế bán lẻ điện máy từ vài năm nay đã được ví là đại dương đỏ, bởi sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Còn nhớ trong năm 2018, thị trường bán lẻ điện máy cũng đã chứng kiến thương vụ sáp nhập rất lớn đó là việc Thế giới di động mua lại Trần Anh. Trước đó vài năm, thị trường từng chứng kiến hàng loạt sự kiện lớn nhỏ diễn ra liên quan đến việc chấm dứt hoạt động của những tên tuổi lớn trong ngành điện máy: từ thương vụ Vingroup mua lại Viễn thông A, Central Group (Thái Lan) thâu tóm Nguyễn Kim, các chuỗi Topcare, Việt Long, WonderBuy, Best Carings, HomeOne lần lượt đóng cửa ...

Những sự kiện đó là một điều tất yếu do sự phát triển của thương mại điện tử ngày nay. Nếu như trước đây các nền tảng thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki tập trung chủ yếu các mặt hàng tiêu dùng hay gia dụng giá trị thấp thì hiện tại việc mua các mặt hàng điện máy từ các kênh này dần trở nên phổ biến vời người tiêu dùng. Điều này đã tạo ra sức ép cạnh tranh khá lớn cho ngành bán lẻ điện máy truyền thống trong vài năm tới. Có thể so sánh một cách hình ảnh rằng sự phát triển của thương mại điện tử như tạo ra một "quả bom hẹn giờ" với các doanh nghiệp bán lẻ vậy.

Một ví dụ điển hình tại Mỹ là Best Buy Co., Inc. Từ khi Amazon tham gia ngành bán lẻ điện tử online, và sự bùng nổ của E-commerce tại Mỹ từ 2006-2010, biên lợi nhuận hoạt động, doanh thu và lợi nhuận ròng của Best Buy bị chững lại, thậm chí sụt giảm. Dù Best Buy đã đẩy mạnh hơn việc bán lẻ đa kênh và website online của mình, định giá của công ty (P/E, EV/EBITDA) trong 5 năm qua (tính đến 2018) đã giảm trung bình 20% so với giai đoạn 5 năm trước.

Qua đây, có thể thấy rằng màn “song kiếm hợp bích” của Masan và Vingroup với thương vụ ngàn tỷ có thể sẽ khiến thị trường bán lẻ khuynh đảo và không ngoại trừ khả năng một cuộc đại thương chiến nổ ra giữa các nhà phân phối. Rất có thể tập đoàn Masan sẽ độc quyền nhiều mặt hàng. Từ cà phê, nước chấm, thịt, bia, mỳ tôm… đến cả dầu ăn, gạo và toàn bộ ngành tiêu dùng khác mà Masan muốn. Đến lúc đó, các đối thủ của Masan nếu muốn có cửa tồn tại, chỉ còn cách liên kết với các chuỗi phân phối là những đối thủ của Vinmart, Vinmart+ như Co.opmart, Lottemart, Emart hoặc Bách hóa Xanh... Điều này liệu có kéo theo cuộc cạnh tranh khốc liệt nổ ra giữa các bên sở hữu kênh phân phối, còn các nhà sản xuất cũng không tránh khỏi việc bị kéo vào cuộc chơi, thậm chí là nguy cơ phải bán hết cho nhà phân phối, bán lẻ, khi chiến lược làm nhãn hàng riêng đang được đẩy lên cao.

Trở lại câu chuyện thương vụ nghìn tỷ, theo thông tin được các bên công bố thì Vingroup vẫn là cổ đông lớn của doanh nghiệp sau sáp nhập khi thương vụ trên là hoán đổi cổ phần. Nhưng liệu rồi Vingroup có giữ đúng cam kết công bố hay sẽ thoái vốn hoàn toàn để thêm "tiền tươi thóc thật" phục vụ cho kế hoạch kinh doanh khác của tập đoàn hay không? Nếu có thì sẽ thực hiện vào thời điểm nào? Đó là những băn khoăn và ngờ vực của không ít người về câu chuyện không phải không có khả năng xảy ra này.

Xét về thời điểm hiện tại đang là mùa bán hàng cuối năm nên nhiều nhà cung cấp không tránh khỏi hoang mang, khách hàng cũng mơ hồ… Do đó có thể thấy, cuộc chơi vẫn nằm trong tay của hai ông lớn: Masan và Vingroup. Và đằng sau thương vụ sáp nhập nghìn tỷ đình đám là sự hoán đổi cổ phần hay đây màn dạo đầu để tiến tới việc thoái vốn của ông lớn sau khi nhuốm máu ‘‘đại dương đỏ’’ vẫn là câu hỏi chưa thể có lời giải chính xác ...

Theo Đức Huân/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/thuong-vu-nghin-ty-hay-lo-trinh-thoai-von-cua-ong-lon-da-nhuom-mau-dai-duong-do-d67542.html

Bạn đang đọc bài viết Thương vụ nghìn tỷ hay lộ trình thoái vốn của ông lớn đã nhuốm máu ‘‘đại dương đỏ’’? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp