Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý loạt sai phạm tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

DTVN 11:36 03/04/2020

Thanh tra Chính phủ kiến nghị kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam "dính" những sai phạm nghiêm trọng gì?

Tại Bản Kết luận số 2222/KL-TTCP ngày 26/8/2016 của Thanh tra Chính phủ gần 40 trang này nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra 4 nhóm sai phạm lớn tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), với số tiền có sai phạm hơn 130 tỷ đồng. Trong đó có việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng, gây lãng phí, kém hiệu quả.

Cụ thể, trong 3 dự án mua sắm máy móc thiết bị với tổng giá trị 408 tỷ đồng (giai đoạn 2003-2009), VNR đã quyết toán các dự án vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 29 tỷ đồng.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng phê duyệt giá không đúng thẩm quyền, sai căn cứ, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí ngân sách, đặc biệt là dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Áo với giá cao bất thường so với loại có tính năng tương tự cùng thời điểm.

VNR đã lựa chọn các nhà thầu trong dự án đóng mới 300 toa xe hàng có gói giá thầu trên 2 tỷ đồng sai quy định; chào hàng cạnh tranh để mua các bộ giá chuyển hướng với giá trên 2 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2010, VNR đầu tư ra ngoài doanh nghiệp 481 tỷ đồng, và đến năm 2013 là 531 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào Công ty liên doanh MINZX từ khi thành lập năm 1996 đến nay không có lợi nhuận, số góp 1,735 tỷ đồng đã mất vốn phải trích lập dự phòng nhưng chưa được xử lý theo quy định.

Đặc biệt, việc quản lý lợi nhuận, cổ tức được chia lỏng lẻo, số nợ đọng kéo dài chưa thu được là gần 85 tỷ đồng, trong đó các công ty TNHH MTV nợ 31,233 tỷ đồng, các công ty liên doanh, liên kết nợ 47,8 tỷ đồng…

Ngoài ra, VNR đã góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trái quy định.

Hàng loạt sai phạm tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ảnh minh họa)

Góp vốn của VNR trái với nghị định của Chính phủ

Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục góp vốn của VNR trái với nghị định của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt. Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng VNR đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn nêu trên trái chủ trương để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản có giá trị lớn không qua đấu giá, đầu thầu.

Sau kết quả nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải với trách nhiệm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và quản lý ngành, phối hợp với Bộ Tài Chính và các cơ quan chức năng kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra...

Đáng chú ý, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài Chính xem xét để xử lý các khoản tiền có sai phạm theo kết luận với tổng số là 131 tỷ đồng phù hợp thực tế có tính khả thi; kiến nghị Bộ GTVT xử lý 4 khoản 75 tỷ đồng và 303.920 EUR...

Đề nghị xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc VNR các thời kỳ từ 2003 - 2013

Thanh tranh Chính phủ vừa có báo cáo Thủ tướng kết quả kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra số 2222/KL-TTCP ngày 26/8/2016 về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Sau khi có kết luận thanh tra, từ tháng 9/2016, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo các ban, Người đại diện phần vốn của Tổng Công ty tại các công ty cổ phần thực hiện xử lý một số khoản về tài chính và kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Tháng 10/2016, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thành lập Hội đồng để xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân người quản lý của VNR có liên quan đến trách nhiệm được nêu tại kết luận thanh tra; xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc các thời kỳ từ 2003 - 2013; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân của các ban tham mưu, nghiệp vụ và các cá nhân có vi phạm.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc các thời kỳ từ 2003 - 2013

Thanh tra Chính phủ cho biết, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị thành viên đang thực hiện việc rà soát, khắc phục những tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng kế hoạch, phương án sử dụng đất phù hợp với nhu cầu, đúng quy định để báo cáo Bộ Giao thông vận tải cùng các địa phương xử lý và quản lý đất đai hiệu quả.

Ngày 25/3 vừa qua, trong kiến nghị gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng yêu cầu VNR tiếp tục thực hiện việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt, 22 Phan Bộ Châu (Hà Nội).

Kiến nghị xem xét, xử lý một số nghĩa vụ tài chính, hạch toán doanh thu tại VNR

Thanh tra Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục kiểm điểm trong việc quản lý nợ phải thu, quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, cố ý làm trách quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng...

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục kiện toàn hệ thống quản trị doanh nghiệp, trên cơ sở sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo phân định rõ giữa quản lý Nhà nước và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư...

Rà soát toàn bộ các dự án đầu tư để điều chỉnh và điều chỉnh các chi phí bất hợp lí, khắc phục tình trạng chậm trễ tiến độ và khẩn trương tiến hành thanh quyết toán các dự án đầu tư quá hạn.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được yêu cầu tiếp tục rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai để thanh lý hợp đồng và xử lý những trường hợp sử dụng sai mục đích, tranh chấp, lấn chiếm; phối hợp với các địa phương có hệ thống đường sắt đi qua thực hiện cắm mốc giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý đất đai dành cho công trinh và hành lang bảo vệ đường sắt...

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xem xét, xử lý một số nghĩa vụ tài chính, hạch toán doanh thu, chi phí khác.

Thủ tướng kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh

Ngày 18/1/2020, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã bị Thủ tướng kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Theo đó, ông Minh bị kỷ luật vì đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thời gian giữ các chức Vụ phó, Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải).

Tháng 11/2019, Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương đã kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng với ông Minh; đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kỷ luật ông Minh về mặt hành chính.

Ông Minh làm Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải) từ năm 2014. Tháng 2/2017, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

T.Hà/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/thanh-tra-chinh-phu-kien-nghi-xu-ly-loat-sai-pham-tai-tong-cong-ty-duong-sat-viet-nam-d72899.html"

Bạn đang đọc bài viết Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý loạt sai phạm tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp