Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Đường sắt trước nguy cơ dừng chạy tàu toàn quốc

DTVN 11:22 21/02/2020

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp này từ khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó nguy cơ cao nhấ

Hơn 11.000 nhân viên đường sắt trước nguy cơ không có lương.

Ngày 20/2, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp. Một trong những câu chuyện “thời sự” được nêu ra tại buổi làm việc là những khó khăn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sau khi được chuyển về Ủy ban.

Hơn 11.000 nhân viên nguy cơ không lương

Theo Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh, vướng mắc không phải do Uỷ ban QLVNN mà do cơ chế chính sách khi thay đổi người đại diện về quản lý vốn. Bộ GTVT cũng đã có 3 văn bản liên tiếp gửi đến Thủ tướng Chính phủ; Tổng công ty cũng đã báo cáo lên Bộ GTVT, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, thậm chí báo cáo “vượt cấp” lên cả Thủ tướng, Thường trực Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. “Báo cáo kiến nghị của chúng tôi rất nhiều, nói cả ngày cũng không thể hết”, ông Minh nhấn mạnh.

Về vấn đề giao dự toán ngân sách, ông Minh cho biết, theo quy định, trước 31/12, bộ GTVT giao dự toán ngân sách để thực hiện công tác bảo trì để thực hiện các nhiệm vụ như tuần đường, gác chắn, bảo đảm an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác. Căn cứ vào đó, Tổng công ty sẽ ký hợp đồng đặt hàng công ích với các đơn vị trong ngành với tổng số nhân lực, lao động trong khối hạ tầng là hơn 11 nghìn người.

Song đến hôm nay, Tổng công ty vẫn chưa nhận được dự toán, điều này khiến cho trên 1,1 vạn con người không có tiền lương. Như vậy Tổng công ty chỉ còn cách dừng hoạt động chày tàu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Báo cáo với các đồng chí, nếu chạy tàu là trái luật, và nếu bất cứ nhân viên tuần đường, gác chắn nào bị tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đường sắt có thể bị khởi tố, bởi có ai giao nhiệm vụ đâu mà làm. Nhưng chẳng lẽ lại dừng hoạt động chạy tàu? Để đỡ trách nhiệm cho cấp dưới, tôi đã ra văn bản chỉ đạo làm, nếu sai tội chịu. Tôi ra văn bản cũng sai, vì có ai giao cho tôi đâu, chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai.

Nguyên nhân dẫn đến điều này được ông Minh chỉ ra là do Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước quy định, là khi cơ quan nhận được ngân sách thì giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc. Trong khi Tổng công ty đường sắt không thuộc đơn vị trực thuộc của Bộ GTVT”, ông Minh cho biết.

Phân tích thêm những bất cập, ông Minh cho biết, QH đã ra nghị quyết 87, trong đó nêu rõ tiếp tục cơ chế giao vốn bảo trì đường sắt cho Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ GTVT giải thích rằng “tiếp tục không có câu là giao cho Tổng công ty Đường sắt. Trong khi quan điểm khác lại cho rằng “tiếp tục” là tiếp tục giao cho Tổng công ty Đường sắt.

“Chúng tôi không thể đánh giá quan điểm nào là đúng, vì bây giờ nhiều người sợ sợ sai lắm. Đến giờ trên 1 vạn con người không có lương. Các đơn vị thì không có tiền để chi trả nên Tổng công ty phải ứng, song tôi ứng như vậy là tôi đang làm sai và phải đối diện với nhiều rủi ro”.

Chạy cũng sai, không chạy cũng sai

Theo ông Vũ Anh Minh, việc tạm chi trả tiền để duy trì hoạt động này chỉ là tạm thời, không thể duy trì mãi được. Nếu đến tháng 3 tới mà không giải quyết thì có thể phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc, vì không có ai làm tuần đường, gác chắn…

Đáng chú ý, trong gói 7.000 tỷ nâng cao kết cấu hạ tầng đường sắt mà Quốc hội đã giao cho ngành Giao thông, Tổng Công ty đã được Bộ GTVT dành cho 2 gói, nhưng là trước khi chuyển về Uỷ ban.

“Nhưng do giờ không thuộc Bộ GTVT nên Bộ không giao được nữa. Trong khi chúng tôi quản lý toàn bộ hệ thống hạ tầng. Nếu giao cho người khác thì không khác gì “anh này cầm chai nước cho anh kia uống, sặc là cái chắc. Chưa kể do chậm trễ giao nên giờ chưa khởi công được gói nào, vì vậy cái đích 31.6.2021 chắc chắn không hoàn thành”, ông Minh cho biết thêm.

“Đây là vấn đề rất cấp bách rồi, chúng tôi báo cáo rất nhiều rồi. Nhiều người cho là lỗi ở cơ chế chính sách, song tôi cho rằng, cơ chế không sinh ra con người, con người xây dựng cơ chế chính sách. Vì thế, tôi đề nghị cần khẩn cấp có cơ chế giải quyết, nếu không sẽ phải dừng hoạt động chạy tàu”, ông Minh cảnh báo.

Ông Minh cũng bày tỏ rằng: “Khi làm báo cáo gửi phục vụ cho cuộc làm việc này, trước mắt chúng tôi gửi 12 kiến nghị và tôi có bảo anh, em là viết ít thôi, viết nhiều cũng chẳng ai giải quyết”.

Về lại Bộ GTVT thì ngược với chủ trương

Trước ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục yêu cầu Tổng công ty Đường sắt trong mọi tình huống phải bảo đảm an toàn và để hoạt động chạy tàu thông suốt. Ông Lục cũng lưu ý cần phải đẩy nhanh kế hoạch giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công, Bộ không quan trọng chuyện doanh nghiệp về lại Bộ hay ở Uỷ ban, mà quan trọng nhất lúc này là sớm giao dự toán ngân sách bảo trì cho doanh nghiệp. “Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ. Chúng tôi cũng đã nói mong Quốc hội cho phép Bộ giao cho Tổng Công ty đường sắt”, ông Công nói.

Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, không vì 1, 2 vướng mắc mà doanh nghiệp lại chuyển về bộ thì đi ngược lại chủ trương lớn lập Uỷ ban Quản lý vốn.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận được một số ý kiến của chuyên gia và Đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

Theo Tài chính Doanh nghiệp

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/duong-sat-truoc-nguy-co-dung-chay-tau-toan-quoc-d11203.html

Bạn đang đọc bài viết Đường sắt trước nguy cơ dừng chạy tàu toàn quốc tại chuyên mục Tin tức 24h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h