Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ứng phó với 'khủng hoảng kép' như thế nào?

DTVN 16:50 11/05/2020

Bằng những nỗ lực ứng phó "khủng hoảng kép" được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã cơ bản hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm.

Khủng hoảng kép đe dọa ngành công nghiệp dầu khí

Hai tháng qua, bên cạnh những dự báo hết sức bi quan về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong và sau đại dịch, đến thời điểm này, trên thực tế mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đều đã bắt đầu "thấm đòn" từ một lực lượng vô hình là virus SARS-CoV-2.
Nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp quyết liệt chưa từng có để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân và bơm tiền cứu trợ khẩn cấp doanh nghiệp, giảm thiểu tác động xấu tới nền kinh tế.
Không ít công ty dầu khí trên thế giới đã hoặc đang đứng trước nguy cơ phải giãn dự án, dừng nhà máy, sa thải nhân công, thậm chí đóng cửa, phá sản trong bối cảnh gián đoạn cung cầu hàng hóa nguyên vật liệu, dịch vụ vận tải, giao thương... vì cách ly xã hội, phong tỏa, giới nghiêm.
Trong cơn lốc xoáy của dịch bệnh, Việt Nam nổi lên như một biểu tượng, một hình mẫu của thế giới về khả năng ứng phó và kiểm soát. Kết quả đó có được là nhờ sự đồng lòng, đồng thuận từ Đảng, Nhà nước đến tất cả nhân dân, cùng đoàn kết vượt qua mọi gian nan. Đó chính là truyền thống ngàn đời của dân tộc mỗi khi đất nước lâm nguy.
Là con dân nước Việt, mỗi người lao động PVN đều có trong tim niềm tự hào truyền thống ấy. Đứng trước thử thách của "khủng hoảng kép" chưa có tiền lệ này, một lần nữa họ lại nắm tay nhau cùng đương đầu.
Dưới tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với PVN, tập đoàn kinh tế chủ lực của nền kinh tế và cũng là ngành đang chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất bởi giá dầu và dịch bệnh.
Hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí; giá cung cấp các dịch vụ trong ngành Dầu khí ở mức thấp; các nhà máy lọc dầu trong nước tồn kho lớn, tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu sa sút nghiêm trọng.
Thậm chí, những đơn vị tưởng chừng sẽ được hưởng lợi từ giá dầu giảm sâu như sản xuất đạm thì dịch bệnh cũng như hạn hán ở Tây Nguyên, Tây Nam bộ cũng khiến các đơn vị này “điêu đứng”.

Nhiệm vụ kép là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhận thức được những rủi ro, thách thức đang phải đối mặt, PVN và các doanh nghiệp thành viên đã và đang chủ động tích cực triển khai các giải pháp quyết liệt, cụ thể và được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt để thích ứng và trở nên hiệu quả hơn, vượt qua giai đoạn sóng gió này với mục tiêu bảo vệ tốt nhất cho sức khoẻ người lao động, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, liên tục theo phương châm chỉ đạo của Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng là “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích”.
Cho đến những ngày giữa tháng 4 năm 2020, giữa lúc dịch bệnh đang ở cao trào đe dọa nhất, chưa một công trình, dự án trọng điểm nào, chưa một nhà máy, xí nghiệp nào của PVN ngừng hoạt động. Gần 60.000 người lao động vẫn đang từng ngày miệt mài cống hiến, tận tâm, tận lực phấn đấu hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ kế hoạch được giao phó.
Cụ thể, PVN và các doanh nghiệp thành viên đã và đang tập trung triển khai gói giải pháp chung của Tập đoàn và gói giải pháp riêng cho từng lĩnh vực, từng khối đơn vị, áp dụng chế độ làm việc đặc biệt tùy đặc thù của từng doanh nghiệp từ 1/4/2020.
Bên cạnh nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ an toàn, sức khỏe của người lao động, các doanh nghiệp đều tập trung tăng cường quản trị, tối ưu nguồn lực; triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động với mục tiêu tiết giảm được đưa lên mức cao, đồng bộ với giảm doanh thu, kể cả giảm thu nhập cá nhân từ lãnh đạo đến người lao động.
Các đơn vị trong toàn PVN tích cực phối hợp với nhau để chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường… nhằm tối ưu hiệu quả trong cả chuỗi giá trị, đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Doanh thu 4 tháng PVN ước đạt 203,9 nghìn tỷ đồng

Ngày 8.5, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã chủ trì hội nghị giao ban với Tổng giám đốc/Giám đốc các đơn vị/dự án về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 4 tháng năm 2020, rà soát việc thực hiện gói giải pháp đồng bộ ứng phó "khủng hoảng kép" do dịch bệnh COVID-19 và giá dầu sụt giảm.

Theo đó, tất cả các đơn vị trong tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất, sản lượng sản xuất cơ bản hoàn thành và vượt mức đề ra. Cụ thể, tổng sản lượng khai thác quy dầu 4 tháng đạt 7,2 triệu tấn, vượt 7,7% kế hoạch 4 tháng. Sản xuất điện đạt 7,03 tỷ kWh. Sản xuất đạm đạt 601,6 nghìn tấn, vượt 7,8% kế hoạch 4 tháng. Sản xuất xăng dầu ước đạt 4,53 triệu tấn, vượt 2,2% kế hoạch 4 tháng.

Tình hình tiêu thụ các sản phẩm dầu khí trong tháng 4/2020 bắt đầu khởi sắc, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của BSR và PVNDB đều tăng 3,6-17,6% so với tháng trước. Việc này khiến cho tình trạng tồn kho các sản phẩm tháng 4 có xu hướng giảm so tháng 3, tuy nhiên vẫn còn tương đối cao.
Bên cạnh đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, PVN và các đơn vị đã tập trung, chủ động ứng phó với đại dịch COVID-19. Công tác an toàn, an ninh, công tác phòng chống đại dịch COVID-19 tại các đơn vị, công trường, nhà máy được các nhà thầu dầu khí, đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Do ảnh hưởng của giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, giá dầu trung bình trong 4 tháng khoảng 47 USD/thùng. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 4 tháng ước đạt 203,9 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 24,1 nghìn tỉ đồng.

Theo như dự báo, giá dầu trong thời gian tới chắc chắn sẽ không phục hồi nhanh, nếu phục hồi cũng không thể cao, vì vậy các đơn vị cần phải xây dựng phương án kinh doanh phù hợp để "chung sống lâu dài" với giá dầu ở mức 30 USD/thùng, đây cũng là phương án để căn cứ cân đối các nguồn lực khác.

Các đơn vị phải tiếp tục tiết giảm chi phí theo giải pháp đồng biến giá dầu giữa khâu đầu và các chuỗi giá trị cho đến hết khối dịch vụ. Đây là giải pháp tốt nhất lúc này để PVN vượt qua khủng hoảng hiện nay.

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tap-doan-dau-khi-viet-nam-pvn-ung-pho-voi-khung-hoang-kep-nhu-the-nao-d75348.html

Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ứng phó với 'khủng hoảng kép' như thế nào? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp