Dòng tiền từ hoạt động tài chính âm hơn 1.000 tỷ đồng
Mới đây, Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020.
Theo báo cáo tài chính, kết thúc quý I, Thalexim ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm sâu.
Doanh thu thuần và giá vốn hàng bán 3 tháng đầu năm 2020 lần lượt giảm 10% và 8% so với cùng kỳ, xuống còn gần 2.852 tỷ đồng và hơn 2.792 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của TLP giảm 62%, ghi nhận 59 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng, giảm mạnh 91% so với cùng kỳ năm 2019. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 28%, lên 51 tỷ đồng. Chi phí lãi vay chiếm đến 98% chi phí tài chính của công ty, ghi nhận gần 50 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí bán hàng cũng tăng 6%, lên hơn 51 tỷ đồng. Doanh thu không đủ bù đắp chi phí nên kết thúc quý 1, TLP báo lỗ ròng hơn 67 tỷ đồng.
Tính tới 31/03/2020, các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho của TLP lần lượt giảm 10% và 21% so với đầu năm, xuống còn 1.859 tỷ đồng và 1.388 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của TLP cũng ghi nhận giảm 20%, xuống còn 3.939 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản nợ này đã vượt luôn tài sản ngắn hạn (3.687 tỷ đồng). Tổng tài sản tính đến cuối kỳ gần 6.926 tỷ đồng, giảm 14% so với hồi đầu năm.
Trong quý I/2020, dòng tiền từ hoạt động tài chính âm gần 1.021 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước âm hơn 494 tỷ đồng) do công ty trả nợ gốc vay tới 3.454 tỷ đồng. Khoản tiền và tương đương tiền cũng ghi nhận hơn 431 tỷ đồng, giảm 27% so với quý 1/2019.
Kinh doanh thua lỗ từ những năm trước
Lũy kế năm 2019, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 12.556 tỷ đồng và lãi ròng gần 105 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 12% so với năm 2018. Tại thời điểm 31/12/2019, TLP có tổng tài sản hơn 8.021 tỷ đồng, giảm gần 18% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm hơn 4.614 tỷ đồng, giảm 34%; giá trị tài sản dài hạn chiếm hơn 3.407 tỷ đồng, tăng gần 26%.
Theo lũy kế cả năm, Thanh Lễ ghi nhận lưu chuyển dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2019 âm gần 1.706 tỷ đồng (năm 2018 ghi âm 1.236 tỷ đồng). Mặt khác, dòng tiền thu được từ hoạt động tài chính thể hiện hơn 221 tỷ đồng, chênh lệch tăng 500 tỷ đồng. Kết thúc năm 2019, khoản tiền và tương đương tiền cuối của TLP đạt 670 tỷ đồng, giảm gần 57% so với con số năm trước.
Đại gia Dũng 'Lò Vôi' là ai?
Tổng Công ty Thanh Lễ trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương, tiền thân là Xí nghiệp Quốc doanh sơn mài Thành Lễ được thành lập từ năm 1991. Công ty hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là kinh doanh xăng dầu, vận tải thủy và bất động sản.
Công ty được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước nhưng hoạt động bết bát, thua lỗ nặng suốt thời gian dài nên lãnh đạo tỉnh giao toàn quyền điều hành cho ông Huỳnh Uy Dũng, còn được biết đến với biệt danh Dũng "Lò Vôi".
Ông Huỳnh Uy Dũng cũng từng là đại biểu Quốc hội và là Chủ tịch Hiệp hội đầu tư tỉnh Bình Dương.
Ông Huỳnh Uy Dũng |
Ông Dũng bắt đầu khởi nghiệp với nghề làm lò vôi. Công việc làm ăn phát đạt đã cho ông biệt danh Dũng "lò vôi", đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho con đường kinh doanh của vị đại gia này.
Thời gian sau đó, ông Dũng đã bán xí nghiệp lò vôi và chuyển qua làm sơn mài với chức giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ (tỉnh Sông Bé - nay là tỉnh Bình Dương), sau đổi tên thành Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - Thalexim.
Năm 1992, Thalexim trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước được phép thí điểm thành lập khu công nghiệp Bình Đường với diện tích 16,5ha (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Năm 1995, Thalexim tiếp tục triển khai khu công nghiệp Sóng Thần 1 với diện tích 178 ha.
Thành công của Thalexim khiến Bình Dương (tỉnh tách ra từ Sông Bé) sau này trở thành địa phương đi đầu trong cả nước phát triển khu công nghiệp và cũng trở thành cú chạy đà cho ông Dũng "lò vôi" khởi nghiệp kinh doanh riêng.
Năm 1996, ông nghỉ việc nhà nước lập Công ty Cổ phần Sóng Thần, chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 2, với diện tích 279 ha. Năm 2005 ông mở tiếp khu công nghiệp Sóng Thần 3 với diện tích 533 ha.
Năm 1999, khi khởi công xây dựng khu du lịch, ông đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Đại Nam, ông Dũng làm Chủ tịch HĐQT.
Tuy nhiên, công việc phát triển thuận lợi được nhiều người trầm trồ, ngưỡng mộ cũng đã kéo theo hệ luỵ với không ít thị phi xung quanh đời sống riêng tư của vị đại gia này.
Những vụ lùm xùm lẫn tai tiếng thu hút dư luận bàn tán trong thời gian qua như kiện Chủ tịch tỉnh Bình Dương, cưới thêm vợ trẻ, bị tung tin đồn thiếu nợ, treo thưởng trăm tỉ đồng, giao hết tài sản cho con trai 1 tuổi…đều ít nhiều làm lung lay và hoài nghi về hình ảnh cũng như thực lực của vị đại gia Bình Dương.
Bất đồng quan điểm với chính quyền tỉnh Bình Dương về việc phát triển các dự án bất động sản trong khu công nghiệp Sóng Thần 3, năm 2014, ông Dũng tuyên bố đóng cửa Đại Nam và khởi kiện chính quyền ra tòa. Tuy nhiên sự việc sau đó lắng xuống.
Năm 2013, ông chủ này có hành động "chơi ngông" tuyên bố thưởng 100 tỷ đồng cho bất cứ ai chứng minh ông có đi vay nợ khi Đại Nam dính tin đồn nợ nần 2.000 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Du lịch Đại Nam đến nay đã nắm trong tay nhiều bất động sản và tài sản khủng như: Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…
Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ