Đầu năm chào đón dự án Vietravel Airlines
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 457 ngày 3-4-2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
Dự án vận tải hàng không lữ hành Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) có tổng vốn đầu tư thực hiện dự án 700 tỉ đồng, thời gian hoạt động dự án 50 năm.
Vietravel Airlines sẽ xây dựng hãng hàng không có trụ sở tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế đến các nước trong châu lục, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành...
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự án sẽ có 9 tháng thực hiện đầu tư, tính từ khi phê duyệt chủ trương, bắt đầu khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10. Như vậy, đầu năm 2021 có thể hãng sẽ bay chuyến thương mại đầu tiên.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm chỉ đạo Vietravel Airlines trong giai đoạn thực hiện đầu tư tiếp tục hoàn thiện Dự án theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của Vietravel Airlines theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bao gồm kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của Vietravel Airlines theo tiến độ thực hiện dự án.
Trước đó, thẩm định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc đầu tư dự án này trong 5 năm đầu khai thác góp phần tạo ra giá trị gia tăng trong nước khoảng 3.650 tỉ đồng, đóng góp vào thu nhập quốc dân hơn khoảng 3.185 tỉ đồng, trong đó thu nhập cho lao động khoảng 1.982 tỉ đồng và hơn 1.203 tỉ đồng cho thặng dư xã hội; tạo việc làm cho khoảng 595 người, đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 2.460 tỉ đồng tiền thuế.
Hãng đặt mục tiêu cung cấp khoảng 55% số ghế để đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu của khách du lịch bằng đường hàng không tại công ty mẹ Vietravel. 45% số ghế còn lại cung ứng cho các công ty du lịch và các khách hàng khác trên các chuyến bay thuê chuyến.
Doanh thu lao dốc giảm 613 tỷ đồng do đâu?
Nguyên nhân dẫn tới đà suy giảm được lãnh đạo công ty cho biết do tác động của dịch Covid-19.
Cụ thể, trong qúy 1/2020 hãng lữ hành này thu về gần 790 tỷ đồng doanh thu, chỉ tương đương 1/2 cùng kỳ với hơn 1.400 tỷ. Trong đó, thu từ dịch vụ du lịch lữ hành của hãng đã giảm từ 1.148 tỷ về 608 tỷ đồng (giảm 47%); doanh thu bán vé máy bay cũng giảm 33%, còn 155 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá vốn giảm thấp hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính của hãng kỳ này chỉ đạt hơn 30 tỷ, giảm tới 72% so với cùng kỳ. Con số này cũng tương đương biên lợi nhuận gộp quý I/2020 của Vietravel chỉ ở mức 3,8%, trong khi cùng kỳ là 7,6%.
Do hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, hãng lữ hành này đã phải thực hiện cắt giảm mạnh các khoản chi phí như chi nhân viên giảm hơn một nửa (53%); chi phí bán hàng giảm gần 20%; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 35%... Ngược lại, chi phí lãi vay tăng gấp 8 lần, tiêu tốn của hãng hơn 21 tỷ đồng quý vừa qua.
Kết quả, công ty lữ hành chiếm thị phần lớn nhất thị trường trong nước này ghi nhận khoản lỗ trước thuế hơn 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 6,6 tỷ.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietravel trong kỳ tiếp tục ghi âm gần 10 tỷ đồng và hoạt động đầu tư cũng âm 8 tỷ đồng, do đó, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 40 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp kỳ này của Vietravel cũng đã giảm hơn 46 tỷ so với cùng kỳ, báo số âm 41,5 tỷ đồng. Đây là con số lỗ quý lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây của doanh nghiệp và là quý lỗ thứ 2 liên tiếp. Trong quý IV/2019 trước đó, doanh nghiệp này cũng lỗ 14 tỷ đồng.
Nợ phải trả cuối kì giảm 240 tỉ đồng, chủ yếu đến từ phần người mua trả tiền trước; điều này cho thấy triển vọng kinh doanh tương đối khó khăn của Vietravel trong thời gian sắp tới. Nợ vay ngắn hạn cuối kì 227 tỉ đồng và vay dài hạn 714 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh hàng quý của Vietravel.
Dự đoán quý II/2020 không mấy khả quan
Nợ vay là một vấn đề không hề nhỏ của Vietravel Airlines. Nhưng có một vấn đề lớn mà hãng hàng không nay đang phải đối mặt chính là khủng hoảng hàng không do đại dịch Covid-19 gây ra.
Vietravel Airlines dự kiến cất cánh trong quý 2/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 chắc chắn chưa kết thúc trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, trong quý 1/2020, Covid-19 đã kịp làm các hãng hàng không thể giới cũng như Việt Nam lao đao vì phần lớn các chuyến bay bị hủy bỏ.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính, 25% sản lượng ngành hàng không đến từ các chuyến bay từ Trung Quốc. Khi các chuyến bay này đã ngừng khai thác từ đầu tháng 2 đến nay, sản lượng toàn ngành hàng không được dự báo sẽ giảm khoảng 30% trong quý đầu năm, sau đó giảm 23% trong quý 2 so với cùng kỳ. Sự phục hồi, nếu có, sẽ chỉ bắt đầu một cách từ từ trong nửa cuổi năm.
Dự kiến doanh thu năm 2020 của Vietnam Airlines có thể giảm đến 12.500 tỷ đồng khiến hãng hàng không quốc gia có thể thua lỗ 4.300 tỷ đồng. Vietjet Air cũng lao đao bởi hoạt động chính của mình. Tuy nhiên, Vietjet Air có thể bù đắp được bằng doanh thu bán máy bay. Còn Bamboo Airways, do không thể cất cánh được, hãng hàng không này đã khiến công ty mẹ là FLC thua lỗ thảm trong quý 1/2020.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ