Vận đen đeo bám Landmark Holding
Khép lại quý đầu năm 2020, CTCP Landmark Holding (MCK: LMH) ghi nhận doanh thu thuần và giá vốn hàng bán đồng loạt giảm 87% so với cùng kỳ, chỉ còn 49 tỷ đồng và 46 tỷ đồng. Từ đó dẫn đến lãi gộp của LMH giảm 84%, xuống còn gần 3 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của LMH giảm đến 65% so với đầu năm, xuống mức 25 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí tài chính tăng đến 70% thì chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 37% và 57%. Trong đó, chi phí cho nhân viên lên đến 1,712 tỷ đồng, chiếm 53% tổng chi phí quản lý doanh nghiệp.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính lại tăng mạnh 78% so với cùng kỳ nhưng cũng chỉ ở mức hơn 481 triệu đồng. Tuy nhiên, doanh thu không đủ bù đắp chi phí dẫn đến kết thúc quý 1, LMH báo lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/03/2020, các khoản phải thu ngắn hạn của LMH ghi nhận gần 409 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với đầu năm. Tổng tài sản tính đến cuối quý 1 còn hơn 651 tỷ đồng.
Khoản phải thu ngắn hạn của LMH ghi nhận gần 409 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với đầu năm. |
Nguyên nhân thua lỗ là do công ty đã ngừng hoàn toàn hoạt động kinh doanh xăng dầu và do ảnh hưởng của Covid-19 dẫn tới sắp xếp cho lao động nghỉ việc hoặc làm tại nhà nên hầu như không kinh doanh trong quý I.
Landmark Holding - Rơi xuống dưới mức cổ phiếu trà đá sau 25 phiên giảm liên tiếp
Không phải đến năm 2020, kết quả kinh doanh của Landmark Holding mới trở nên bết bát, mà kết quả kinh doanh của Landmark Holding bất ngờ đi xuống từ trong năm 2019 khi doanh thu giảm phân nửa còn 1.544 tỷ đồng và lỗ hơn 27 tỷ đồng so với mức lãi 20 tỷ của cùng kỳ.
Lên sàn vào ngày 12/10/2018, LMH được biết đến là doanh nghiệp kinh doanh hóa chất như Naphtha, Solmix, Ethanol… và kinh doanh xăng dầu khi là đối tác của PV Oil, Petrolimex và kinh doanh bất động sản.
Đến tháng 2/2019, thanh khoản của LMH sôi động hơn khi Công ty này công bố kế hoạch năm mới 2019 với việc “chuẩn bị cho bước đi táo bạo hơn lĩnh vực năng lượng tái tạo và bất động sản”, hai lĩnh vực rất hợp với xu thế.
Thế nhưng điều bất ngờ là cuối tháng 12/2019, mã LMH giảm một cách thảm hại. Cũng không ai ngờ được chuỗi giảm sàn của LMH lại kéo dài đến 25 phiên, khiến cổ phiếu LMH đang từ vùng giá 12.200 đồng/cổ phiếu xuống đến xấp xỉ 2.000 đồng/cổ phiếu. Hôm nay ngày 6/5, cổ phiếu LMH giao dịch dưới mức "trà đá", chỉ có 1.070 đồng/cp.
Mã LMH giảm một cách thảm hại với chuỗi giảm sàn kéo dài đến 25 phiên liên tiếp. Hôm nay ngày 6/5, cổ phiếu LMH giao dịch dưới mức 'trà đá', chỉ có 1.070 đồng/cp. |
Cũng theo quy định, cổ phiếu LMH đã thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc. Hiện LMH có giá chỉ hơn 1.000 đồng/cp, mất 90% giá trị kể từ khi niêm yết.
Lên tiếng giải trình về việc cổ phiếu giảm sàn từ khí LMH mới giảm sàn 10 phiên liên tiếp đầu tiên, lãnh đạo Landmark Holding cho rằng cổ phiếu giảm sàn là do yếu tố cung cầu thị trường, công ty không thực hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào tác động đến việc giảm giá chứng khoán.
Phiên giảm sàn thứ 25 của LMH, ngày 5/2/2020, cũng là phiên một số lãnh đạo của công ty bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.
Trong quá trình LMH giảm giá, ngày 5/2/2020, Chủ tịch và Tổng giám đốc của LMH đều bị bán giải chấp lần lượt 100.000 cổ phiếu và 248.200 cổ phiếu, tương ứng giảm tỷ lệ sở hữu từ 5% về 4,61% và từ 1,64% về 0,67%. Ngày 5/2, giá LMH ở mức hơn 3.000 đồng/cổ phiếu. Điều đó cho thấy, giải chấp không phải là lý do giá LMH giảm mạnh gần 1 tháng trước đó.
Một điểm đáng lưu ý là so với quý III, sang quý IV, tài sản doanh nghiệp bốc hơi 282,1 tỷ đồng, tương ứng với khoản phải thu giảm 261,2 tỷ đồng, doanh nghiệp không có thuyết minh cụ thể gì về sự giảm xuống tài sản mặc dù khoản phải thu giảm, tiền và doanh thu vẫn tiếp tục giảm mạnh. Điều này đặt ra sự hoài nghi về chất lượng tài sản trong báo cáo của doanh nghiệp.
Nhìn lại quá trình tăng vốn trước khi lên sàn của LMH cho thấy, năm 2017 doanh nghiệp tăng nguồn vốn từ 361,5 tỷ đồng lên 707,4 tỷ đồng, chủ yếu đến từ tăng vốn góp chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng lên 233 tỷ đồng (tăng 203 tỷ đồng) và 128 tỷ đồng tăng từ nợ phải trả.
Tuy nhiên, đối ứng với sự tăng lên này là sự tăng lên của khoản phải thu 222,2 tỷ đồng, tăng lên của tồn kho 87,1 tỷ đồng và đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tăng thêm 112 tỷ đồng.
Có thể thấy, mặc dù LMH tăng vốn, nhưng dòng tiền chủ yếu chảy vào tài sản khó kiểm soát và chất lượng tài sản đặt ra những hoài nghi nhất định.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ