Sáng 7/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã kiểm tra tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng và lãnh đạo các sở, ngành.
Sáng 7/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã kiểm tra tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Hà Nội Mới |
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn do Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Nhà máy xây dựng về tổng thể là kín hoàn toàn, không gây mùi, khi đi vào hoạt động sẽ xử lý ô nhiễm thứ cấp cũng như các vấn đề môi trường như nước thải, khí thải, tiếng ồn…
Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, công suất xử lý 4.000 tấn rác mỗi ngày, hứa hẹn sẽ giải quyết các vấn đề tồn đọng về ô nhiễm môi trường thứ cấp và giải quyết bài toán thiếu hụt điện năng.
Khi báo cáo về tiến độ triển khai, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý cho biết, đến thời điểm này đã hoàn thành 45% tổng số hạng mục chính của công trình. Cụ thể, bể rác số 2 hoàn thành 80% khối lượng công việc; bể rác số 1 hoàn thành 60% khối lượng; lò đốt số 2, số 3 cơ bản hoàn thành lắp đặt hệ thống lò đốt, nồi hơi... Từ tháng 6-2020 sẽ triển khai lắp đặt các lò đốt số 1 và số 4.
Trước tình hình tiến độ dự án đang chậm so với kế hoạch, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý hằng tuần có báo cáo (tiến độ, khó khăn, vướng mắc) để thành phố sớm tháo gỡ, tạo mọi điều kiện đưa dự án sớm đi vào hoạt động.
Gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiến độ thi công dự án đã bị ảnh hưởng, dự kiến chậm so với tiến độ 3 tháng...
Được biết, dự án này đã được chấp thuận chủ trương đầu tư cuối năm 2017, từ năm 2017, thành phố đã chỉ đạo tập trung kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại, đốt hoặc khí hóa, có thu hồi năng lượng để phát điện.
Mặc dù chủ đầu tư đã tiến hành giải phóng mặt bằng và có kế hoạch khởi công xây dựng nhà máy điện rác Sóc Sơn vào cuối năm 2018 thế nhưng dự án đã chậm tiến độ.
Thiết kế phối cảnh nhà nhà máy điện rác Sóc Sơn. |
Lý giải về sự chậm trễ này, ông Vũ Văn Định – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết đây là công trình vừa phát điện, vừa xử lý môi trường nên liên quan đến các bộ ngành khác, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học Công nghệ, tiếp đến là liên quan đến các sở. Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Định cho hay thủ tục này ở Việt Nam chưa có tiền lệ nên các bộ ban ngành vẫn còn lúng túng, do đó công trình còn chậm thi công.
Nỗ lực của Hà Nội
Hiện nay, cùng với việc đẩy nhanh thi công, chủ đầu tư cũng chủ động xây dựng kế hoạch nghiệm thu, cố gắng rút ngắn thời gian để tiến hành chạy thử vào tháng 11-2020 và hoàn thành, đưa dự án vào vận hành trong tháng 12-2020.
Về vướng mắc liên quan đến công tác thi công hai công trình phụ trợ ngoài nhà máy là trạm bơm nước và tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm về nhà máy, hệ thống truyền tải điện, Chủ tịch UBND thành phố giao UBND huyện Sóc Sơn chủ trì, phối hợp các sở: Giao thông Vân tải, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài Nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác xác định hướng tuyến đường ống nước thô (xác định đặt ở rìa đường) từ trạm cấp nước về nhà máy, xác định ranh giới cắm mốc cột điện cao thế, thực hiện cắm mốc, thu hồi đất, cấp phép thi công.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, song song với việc trình thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư, Chủ tịch UBND thành phố cho phép chủ đầu tư và các sở, ngành đồng thời tiến hành các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện.
Liên quan đến kiến nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư và giao Sở Y tế tiếp tục hỗ trợ, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đối với các chuyên gia này.
Tuy nhiên, do vẫn phải thực hiện cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh theo quy định, nên chủ đầu tư cần tính toán thời gian đến của các chuyên gia cho phù hợp, bảo đảm tiến độ dự án.