Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) vừa công bố nghị quyết về giao dịch với bên liên quan là Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FHH).
Theo đó, FLC cho biết sẽ cùng FLCHomes mua lại tòa nhà 265 Cầu Giấy từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Giá chuyển nhượng sẽ được xác định bởi bên thứ ba là đơn vị thẩm định giá độc lập.
Đồng thời, HĐQT FLC cũng đưa ra kế hoạch cho phép bán/chuyển nhượng tòa nhà 265 Cầu Giấy này cho bên thứ ba với giá trị tối thiểu 2.000 tỷ đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và không bao gồm giá trị của phần diện tích đã bán) sau khi hoàn tất thủ tục mua lại từ OCB.
Tòa nhà tại 265 Cầu Giấy cũng chính là nơi Tập đoàn FLC và nhiều công ty thành viên như Bamboo Airways, FLC Faros... đặt trụ sở trước đó. Tòa nhà FLC Cầu Giấy bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2019. Tổng diện tích các sàn của tòa nhà này là hơn 101.000 m2 với 42 tầng, gồm 4 tầng hầm, 38 tầng nổi.
Trước đó, ngày 21/9/2020, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua việc sử dụng tài sản tại số 265 Cầu Giấy để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways tại OCB chi nhánh Thăng Long. Tài sản bảo đảm là sàn thương phẩm kinh doanh hình thành trong tương lai của ba tầng hầm, 6 tầng trung tâm thương mại (từ tầng 1 đến 6), Khu tháp văn phòng (từ tầng 7 đến 17 và từ tầng 21 đến 38) theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác tại địa chỉ 265 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Riêng FLCHomes, công ty này gán nợ cho OCB các quyền sử dụng thửa đất Khu 2, Khu 3A + 3B + 3C tại địa chỉ số 265 Cầu Giấy. Khu 2 có diện tích 1.160 m2 để xây dựng tháp văn phòng cao 38 tầng nổi và 4 tầng hầm. Khu 3A + 3B + 3C có diện tích 2.297 m2 để xây khu thương mại cao 5 tầng. Thời hạn sử dụng của các thửa đất đều là 50 năm kể từ ngày 3/1/2012.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2020, HĐQT FLC đã đồng ý sử dụng tòa tháp văn phòng này để gán toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của FLC, FLC Faros, FLCHomes, Bamboo Airways phát sinh tại OCB. Đến nay, tòa nhà trụ sở chính này đã thuộc sở hữu của OCB.
OCB là một trong những ngân hàng cho FLC vay nhiều nhất. Đến hết quý I/2022, FLC ghi nhận khoản vay ngắn hạn khoảng 713 tỷ đồng tại OCB và 817 tỷ đồng trái phiếu phát hành.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FLC đang giảm điểm sau khi có chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 6 phiên tăng trần. Diễn biến này đưa thị giá cổ phiếu FLC tăng hơn 50% sau hơn một tuần. Đà tăng của FLC diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này vẫn đang bị cấm giao dịch phiên sáng do chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với quy định.
Sau khi cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đã yêu cầu FLC giải trình thông tin liên quan. Tuy nhiên, phía tập đoàn này cho biết không nắm được sự kiện, thông tin nào đã làm ảnh hưởng đến đà tăng giá bất ngờ của cổ phiếu. FLC đã đề nghị ngược lại Ủy ban Chứng khoán làm rõ. Theo đó, nếu đơn vị cấp cao nhận biết được các thông tin, sự kiện nào đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong thời gian qua thì làm rõ hoặc dẫn nguồn tin cụ thể để tập đoàn được biết và có thể đưa ra ý kiến xác nhận hoặc đính chính.
Phiên họp bất thường lần 2 của FLC sẽ diễn ra vào ngày 2/7, nếu số cổ đông tham gia nắm giữ trên 33% vốn điều lệ. Đến nay, FLC cũng vẫn chưa công bố danh sách ứng viên bầu bổ sung vào HĐQT. Tuy nhiên, theo thông tin công bố từ trước đó, Đại hội dự kiến sẽ chính thức miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung. Hai người này hiện đang bị tạm giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán