Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Mang đất vàng góp vốn làm dự án, Transerco làm ăn ra sao?

người đưa tin 09:16 30/05/2022

Sở hữu quỹ đất rộng hàng nghìn mét vuông, có vị trí đắc địa trên địa bàn TP.Hà Nội, Transerco không chỉ mang đất vàng đi góp vốn mà còn không ít lần thu hút sự chú ý của dư luận khi bị "bêu tên"

Mang đất vàng đi góp vốn

Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là đơn vị thuộc sở hữu của UBND TP.Hà Nội, quản lý hệ thống xe buýt trên toàn TP. Nhờ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khai thác bến xe, điểm đỗ, Transerco hiện đang quản lý và sử dụng không ít khu “đất vàng” rộng hàng nghìn mét vuông, có vị trí đắc địa trên địa bàn TP.Hà Nội.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, "ông lớn" vận tải này hiện đang "bắt tay" với nhiều đối tác để “hô biến” những mảnh đất công thành các dự án thương mại không qua đấu giá.

Trong đó, phải kể đến Dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán (tên thương mại: dự án Mipec Rubik 360) tại 122 - 124 Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - trụ sở cũ của Công ty Cổ phần Vận tải Newway (đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội).

mang dat vang di gop von trancerco lam an ra sao dspl 2
Dự án Mipec Rubik 360 tại 122 - 124 Xuân Thủy.

Dự án được động thổ vào cuối tháng 3/2019, chủ đầu tư là Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 6/2016, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng do Công ty CP Hóa dầu Quân đội (Mipec) nắm giữ 51% cổ phần, Transerco sở hữu 28% và Công ty Cổ phần Hoa Cương nắm giữ 21% còn lại.

Về nguồn gốc khu đất vàng có vị trí đắc địa tại Cầu Giấy nói trên, năm 2011, UBND TP.Hà Nội đã có Công văn số 7909/UBND-KHĐT chấp thuận về nguyên tắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch tại ô đất 122 - 124 đường Xuân Thủy với diện tích 39.662 m2 để giao 3 nhà đầu tư là Mipec, Transerco và Hoa Cương lập dự án xây dựng văn phòng giao dịch kết hợp dịch vụ tổng hợp và nhà ở.

Khu đất được UBND TP.Hà Nội giao cho nhóm các nhà đầu tư kể trên có diện tích 39.662 m2, vốn là bãi đỗ xe buýt và trung tâm điều hành xe Tân Đạt và Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp của Transerco.

Hiện nay, việc doanh nghiệp có quỹ đất đẹp nhưng không có vốn phát triển dự án "bắt tay" cùng doanh nghiệp "có tiền" để cùng triển khai dự án đã không còn xa lạ. Như vậy, tại dự án Mipec Rubik 360, Transerco là nhà đầu tư có quỹ đất ở vị trí đẹp, còn MIPEC và Hoa Cương lại là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh. Với việc Mipec nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, dễ hiểu tại sao một dự án trên đất vốn thuộc sở hữu của Transerco lại mang đậm dấu ấn của Mipec với các cái tên thương mại như: Mipec Xuân Thủy hay Mipec Rubik 360.

Báo cáo tài chính năm 2017 của Transerco cũng thể hiện, doanh nghiệp này sở hữu 26% cổ phần Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản Hồ Tây, đơn vị phát triển tổ hợp khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại tại địa chỉ 69B Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội). Địa chỉ này hiện là Dự án Sun Grand City Thụy Khuê Residence.

Dự án tại số 90 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) cũng khiến không ít giấy mực của báo giới khi đây vốn là nơi Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội (đơn vị trực thuộc Transerco) khai thác. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, nơi này lại trở thành dự án 900 căn nhà liền kề và chung cư cao tầng do Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco7) làm chủ đầu tư.

mang dat vang di gop von trancerco lam an ra sao dspl 3
Khu đất 90 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) từng do Transerco khai thác, nay lại trở thành dự án thương mại do Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco7) làm chủ đầu tư.

Không chỉ mang đất vàng đi góp vốn, Transerco còn không ít lần thu hút sự chú ý của dư luận khi bị "bêu tên" do "ôm" đất vàng nhưng mãi không chịu triển khai.

Tại Báo cáo kết quả tái giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP, HĐND TP.Hà Nội đã chỉ ra hiện còn hàng trăm dự án chậm triển khai, vi phạm đất đai.

Báo cáo này đã "bêu tên" hai dự án thuộc Danh mục các dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm đất đai cần tiếp tục theo dõi, giám sát gồm: dự án Xây dựng điểm trung chuyển và đầu cuối xe buýt (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội) và dự án Xây dựng bãi đỗ xe kết hợp trồng cây xanh (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội); đồng thời chỉ rõ sai phạm của đơn vị chủ đầu tư là Tổng Công ty Vận tải Hà Nội.

Cụ thể, dự án Xây dựng điểm trung chuyển và đầu cuối xe buýt có diện tích 2.298,4m2, tại xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh). Khu đất này có vị trí vô cùng đắc địa khi tiếp giáp khu vực trung tâm huyện; có nhiều tuyến đường giao thông lớn ( Quốc lộ 23, DT35…); nằm gần các khu đô thị lớn,..thuận tiện trong việc đi lại, sản xuất, kinh doanh.

UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định số 1677/QĐ-UBND ngày 23/4/2012 về việc giao đất thực hiện dự án. Đến năm 2019, dự án được TP tiến hành thanh kiểm tra và đã ban hành Kết luận thanh tra số 1882/KLTT-STNMT-ĐTTr ngày 3/7/2019.

Vào thời điểm này, Transerco đã có văn bản gửi sở Xây dựng, sở KH&ĐT TP.Hà Nội báo cáo về nguyên nhân dự án chậm tiến độ. Thành phố cũng đã yêu cầu chủ đầu tư dự án khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Việc một khu đất vàng rộng hàng nghìn mét vuông bị Transerco "om" trong gần một thập kỷ, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai vẫn khiến dư luận vô cùng khó hiểu.

Dự án Xây dựng bãi đỗ xe kết hợp trồng cây xanh của Transerco (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) cũng rơi vào tình trạng tương tự khi nằm ngay vị trí đẹp với nhiều tuyến đường giao thông lớn như: DT70A, Tựu Liệt nhưng bị "đắp chiếu" nhiều năm… Dự án đã được TP tiến hành thanh kiểm tra và đã có Kết luận thanh tra số 2012/KL-STNMT-TTr ngày 16/7/2019.

Doanh thu nghìn tỷ nhưng lợi nhuận âm

Theo văn bản số 324/TCT-VPTCT ngày 30/3/2022 của Transerco, trong năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu ở mức 2.874 tỷ đồng, gấp hơn 2,6 lần so với thực hiện năm ngoái.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế "bé hạt tiêu" chỉ vỏn vẹn 10,7 tỷ đồng. Con số này khá "khiêm tốn" so với doanh thu cũng như quy mô doanh nghiệp.

Trên thực tế, kế hoạch kinh doanh mà Transerco đặt ra cho năm 2022 khả quan hơn rất nhiều so với kết quả mà doanh nghiệp này đã thực hiện trong năm 2021.

Theo thông tin từ Cục Phát triển doanh nghiệp- bộ KH&ĐT, năm 2021, Transerco báo doanh thu hơn 1.091 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ở mức âm 80,2 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước vỏn vẹn hơn 89 triệu đồng.

Đáng chú ý, cũng tại báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội cùng các bộ ngành liên quan, trong năm 2022, doanh nghiệp lên kế hoạch thực hiện dự án xây dựng văn phòng làm việc của Tổng Công ty tại số 17 Trần Phú (Ba Đình), Dự án xây dựng hệ thống khu phục vụ xe buýt tại phường Mai Dịch (Cầu Giấy), Dự án xây dựng trạm trung chuyển đa phương thức, điểm đỗ xe công cộng và điểm đầu cuối xe buýt phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm) với tổng mức đầu tư là 72,38 tỷ đồng. Tất cả từ nguồn vốn tự có.

Tuy nhiên, với tình hình kinh doanh không mấy lạc quan, dư luận không khỏi băn khoăn về việc, liệu rằng những dự án này có được triển khai đúng kế hoạch hay lại bị "sang tên đổi chủ" hoặc "nằm im" như các dự án đất vàng kể trên của Transerco?

Link gốc : https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mang-dat-vang-gop-von-lam-du-an-transerco-lam-an-ra-sao-a539162.html

Bạn đang đọc bài viết Mang đất vàng góp vốn làm dự án, Transerco làm ăn ra sao? tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần