Chia sẻ về công tác thanh, kiểm tra tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thời gian qua, ông Đoàn Thanh Thọ, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, hiện các quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá được thể hiện trong 3 luật chính là Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá và Luật Đo lường. Dưới các văn bản luật là hệ thống nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn...
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra hiện có Luật Thanh tra và các Nghị định 86/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thanh tra; Nghị định 213/2013/NĐ-CP được sửa đổi bới Nghị định số 27/2017/NĐ-CP; Thông tư số 06/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ: Quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
Về xử lý vi phạm hành chính hiện có Luật Xử lý vi phạm hành chính, kèm theo đó là Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC; Nghị định số 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP.
Thông qua các đợt thanh, kiểm tra về hoạt động đánh giá sự phù hợp, thanh tra Tổng cục TCĐLCL đã phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp. Lực lượng thanh tra cũng xác định các hành vi vi phạm tương đối phổ biến bao gồm: không thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc cấp, cấp lại, mở rộng, thu hẹp phạm vi hoặc tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận sự phù hợp và quyền sử dụng dấu hợp chuẩn, hợp quy; không thực hiện việc báo cáo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về kết quả hoạt động đánh giá sự phù hợp đã đăng ký;
Các lỗi vi phạm chiếm tỷ lệ thấp hơn 15% bao gồm: thực hiện đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước ngoài lĩnh vực đã được chỉ định; thực hiện đánh giá sự phù hợp ngoài lĩnh vực đã đăng ký.
Các lỗi vi phạm chiếm tỷ lệ cao hơn 15% gồm: không tuân thủ các quy trình, thủ tục đánh giá sự phù hợp đã được phê duyệt hoặc đã ký theo quy định; không thực hiện đánh giá giám sát định kỳ đối với tổ chức, cá nhân đề nghị đánh giá sự phù hợp; không đảm bảo duy trì bộ máy tổ chức và năng lực đã đăng ký theo yêu cầu của tiêu chuẩn tương ứng hoặc theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Các lỗi vi phạm chiếm tỷ lệ cao hơn 20% bao gồm: cử chuyên gia thực hiện đánh giá sự phù hợp không đáp ứng theo điều kiện quy định; sử dụng kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm chưa được đăng ký hoạt động theo quy định.
Các lỗi vi phạm ít gặp (chiếm tỷ lệ hơn 3%) bao gồm: cung cấp kết quả đánh giá sự phù hợp sai; thực hiện đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước khi quyết định chỉ định đã hết hiệu lực; thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp khi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đã hết hiệu lực.
Các lỗi vi phạm tỷ lệ chưa tới 1% bao gồm: thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động theo quy định; thực hiện đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước khi chưa được chỉ định; không thực hiện đánh giá sự phù hợp nhưng cấp kết quả đánh giá sự phù hợp.