Hà Nội, Thứ Ba Ngày 16/04/2024

Chuyển đơn tố cáo gửi tiền tại TPBank thành mua bảo hiểm Sun Life sang Bộ Công an

/thuongtruong 16:09 02/03/2023

Bộ Tài chính tiếp tục chuyển đơn tố cáo của công dân về việc gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) có dấu hiệu bị lừa đảo mua bảo hiểm của Công ty Sun Life Việt Nam

sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an).

Thông tin trên Báo Đại biểu Nhân dân, Bộ Tài chính cho biết nhận được đơn tố cáo của công dân Nguyễn Hồng Anh phản ánh qua việc giới thiệu, tư vấn bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - đại lý của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam), nhân viên TPBank đã có hành vi tư vấn sai lệch, đánh tráo khái niệm để nhằm mục đích ký kết hợp đồng bảo hiểm và đề nghị Cơ quan có thẩm quyền xử lý sai phạm theo quy định.

Căn cứ quy định của Luật Tố cáo, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10.4.2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1.10.2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, Bộ Tài chính chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (CO3) để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả đến Bộ Tài chính.

Trước đó, Báo Đại biểu Nhân dân cũng đưa tin về việc khách hàng Nguyễn Hồng Anh (SN 1990, trú tại Hà Nội) phản ánh về việc được bà Hạnh là nhân viên của Phòng giao dịch Tây Hà Nội của TPBank ở địa chỉ 535 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội có gửi tin nhắn thông báo về việc trái phiếu đã mua đã đến ngày nhận lãi và giới thiệu bên ngân hàng có “chương trình tiết kiệm lãi suất tốt” .

Chuyển đơn tố cáo gửi tiết kiệm tại TPBank thành mua bảo hiểm Sun Life sang Bộ Công an
Nhân viên TPBank mời chào khách hàng "quen" tham gia gửi tiết kiệm với lãi suất tốt. (Nguồn: Nhân vật cung cấp - Báo Đại biển Nhân dân)

Tuy nhiên, khi đến phòng giao dịch để gặp, nhân viên Phạm Thị Hạnh lại vắng mặt và nhờ hai nhân viên khác làm việc với chị Hồng Anh. Trong đó một người là nhân viên chăm sóc khách hàng tên là Quỳnh Anh và một người là nhân viên tư vấn tài chính tên Nguyễn Hải Hà.

Trong quá trình tư vấn, chị Hồng Anh được hỏi các thông tin cá nhân. Sau đó được đưa một tập hồ sơ để xem. Nhân viên tư vấn nói rằng “đây là sản phẩm đầu tư liên kết giữa ngân hàng với công ty bảo hiểm Sun Life tên là Sun Sống sung túc, sau 6 năm sẽ được nhận gốc lẫn lãi và lãi 8,7%/năm cao hơn gửi tiết kiệm online hiện tại”. Lúc đó chị Hồng Anh có thắc mắc với nhân viên tư vấn tên Hà về việc “số tiền 100 triệu đóng vào sẽ được đem đầu tư đúng không? Mỗi năm có bắt buộc phải đóng 100 triệu không, có được rút trước thời hạn 6 năm không?” nhân viên tư vấn cho biết “tiền sẽ được đem đầu tư lấy lãi, có thể đầu tư linh hoạt, các năm sau giảm tiền đóng còn 20-30 triệu cũng được, trường hợp cần có thể rút trước một khoản từ năm thứ 4”.

“Vì được tư vấn là “sản phẩm tích lũy đầu tư” nên chị tôi không thắc mắc về các điều khoản, trong thời gian tư vấn nhân viên cũng không hề nhắc tới đây là bảo hiểm nhân thọ”, khách hàng Hồng Anh cho biết.

Sau khi tư vấn, nhân viên cho chị Hồng Anh ký tên trên một thiết bị máy tính bảng để làm chữ kí điện tử, không kí tên trực tiếp trên hồ sơ hợp đồng giấy. Sau đó, chị Hồng Anh qua quầy đóng tiền, kí tay vào một tờ phiếu để xác nhận nội dung chuyển tiền (giá trị là 100 triệu đồng) và được nhân viên hẹn 3 tuần sau tôi đến nhận hợp đồng bản cứng.

Ngày 12/11/2022, chị Hồng Anh được một người nhận là người của ngân hàng TP Bank gửi tin nhắn Zalo thông báo đã có hợp đồng cứng để đi nhận. Ngày hôm sau (13/11/2021 - tức 21 ngày kể từ khi ký tên và chuyển tiền), chị Hồng Anh đến nhận một chiếc cặp táp bên trong có hợp đồng, do tin tưởng nội dung đã được nhân viên tư vấn tại ngân hàng và hiểu đây là bản hợp đồng copy giữ để tham khảo nên chị Hồng Anh đã không mở ra kiểm tra lại nội dung.

Ngày 17/9/2022 sau khi cân nhắc các khoản tài chính và thấy không thể tiếp tục gửi số tiền 100 triệu đồng như năm trước, chị Hồng Anh mở hợp đồng đã nhận năm 2021 để tìm hiểu về khoản tiền đóng năm 2, sau khi xem hợp đồng và hỏi người có kiến thức về các loại hợp đồng mới được biết đây hoàn toàn là Bảo hiểm nhân thọ và khách hàng có thêm quyền lợi gửi tiền đầu tư chứ không phải là “sản phẩm tích lũy đầu tư lãi suất 8,7%” như nhân viên đã tư vấn lúc đầu.

Chuyển đơn tố cáo gửi tiết kiệm tại TPBank thành mua bảo hiểm Sun Life sang Bộ Công an
Khách hàng bất ngờ khi không trực tiếp ký vào hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ bản cứng mà nhân viên TPBank cung cấp. Ảnh: Đại biểu Nhân dân

Theo chị Hồng Anh, quá trình tư vấn chị đã không được thông tin đây là Bảo hiểm nhân thọ và khách hàng có thêm quyền lợi gửi tiền đầu tư. Và tiền đầu tư này đầu tư hầu hết vào cổ phiếu, có lãi hay lỗ khách hàng tự chịu; không tư vấn về các loại phí bị trừ như phí ban đầu, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ, phí hủy hợp đồng, phí rút tiền; không đề cập đến việc đầu tư lãi lỗ là tùy theo thị trường, lãi suất không được đảm bảo, chỉ nói cao hơn gói gửi tiết kiệm ngân hàng online…

Ngoài ra, khách hàng phản ứng với việc không được nhân viên tư vấn thông tin về việc nếu năm 2 không đóng tiếp sẽ bị mất toàn bộ số tiền của năm trước; Không xác nhận tình trạng sức khoẻ, không yêu cầu đi khám sức khỏe. Trong hợp đồng phần khai sức khoẻ không phải do khách hàng cung cấp; Không tư vấn thời hạn 21 ngày kể từ khi nhận hợp đồng bảo hiểm khách hàng có quyền huỷ hợp đồng không mất phí nên khách hàng không biết quyền lợi này để kiểm tra lại kĩ hợp đồng một lần nữa, vẫn hiểu là hợp đồng đầu tư nhận lãi như hình thức gửi tiết kiệm…

TPBank "bắt tay" bảo hiểm độc quyền với Sun Life Việt Nam

Theo tìm hiểu, TPBank hiện phân phối bảo hiểm của Manulife, Sun Life. Riêng với trường hợp của Sun Life, vào tháng 11/2019 thì TPBank đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền với Sun Life Việt Nam.

Theo đó, Sun Life Việt Nam sẽ là đối tác cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ độc quyền cho TPBank trong 15 năm tới. Việc hợp tác sẽ bắt đầu từ đầu năm 2020.

Chuyển đơn tố cáo gửi tiết kiệm tại TPBank thành mua bảo hiểm Sun Life sang Bộ Công an
TPBank và Sun Life Việt Nam ký kết thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm. Ảnh TPBank

Sun Life Việt Nam là thành viên với 100% vốn của Tập đoàn SunLife Financial, gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam từ năm 2013, trong đó bancassurance được xác định là hoạt động kinh doanh trọng tâm, chiến lược. Mức độ đầu tư và tập trung các nguồn lực tối ưu cho Hợp đồng ký với TPBank lần này được đánh giá cao, do Sun Life Việt Nam lúc đó chưa chính thức triển khai bancassurance với ngân hàng nào khác tại Việt Nam.

Chỉ trong hai năm đầu hợp tác, doanh thu phí bảo hiểm mới tăng từ 344 tỷ đồng năm 2020 lên hơn 650 tỷ đồng - gần gấp đôi trong năm 2021 đã đưa TPBank trở thành ngân hàng có doanh số bảo hiểm nhân thọ đứng thứ 8 trên thị trường Bancassurance. Đặc biệt với mức doanh số 94 tỷ đồng đạt được chỉ trong tháng 11/2021 đã đưa TPBank vuơn lên thứ 7 trên thị thường Bancassuarance.

Kết thúc năm 2022, doanh thu từ dịch vụ kinh doanh và tư vấn bảo hiểm của TPBank đạt 876 tỷ đồng, giảm nhẹ 8% so với năm ngoái. Với kết quả này, doanh thu từ dịch vụ kinh doanh và tư vấn bảo hiểm của TP Bank đang chiếm hơn 24% tổng doanh thu từ hoạt động dịch vụ.

Về phía Sun Life Việt Nam, năm 2021 ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tăng hơn 3,5 lần và thị phần tăng từ vị trí 13 lên thứ 7 so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng khách hàng của Sun Life Việt Nam cũng tăng trưởng với gần gấp hai lần chỉ trong năm 2021.

Bancassurance là “phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng”. Khi một công ty bảo hiểm ký kết hợp đồng hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với ngân hàng, ngân hàng sẽ tận dụng hệ thống phân phối và nguồn khách hàng hiện hữu của mình để phân phối sản phẩm bảo hiểm cũng như thực hiện một số dịch vụ khác như thanh toán phí bảo hiểm cho công ty đối tác. Song song với điều đó, ngân hàng sẽ nhận lại hoa hồng hoặc các khoản phí khác như thỏa thuận trong hợp đồng.

Sự hợp tác này dựa trên thỏa thuận hai bên cùng có lợi, bên mua bảo hiểm sẽ có thêm kênh phân phối uy tín mới, cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến nhiều Khách hàng hơn, còn ngân hàng cũng có thêm nguồn thu từ tiền phí và hoa hồng trên mỗi Khách hàng.

Bộ Tài chính đánh giá hoạt động Bancassurance phát triển nhanh chóng đã có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ).

Tuy vậy trong thời gian dài, đã xảy ra hiện tượng một số nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng; hoặc yêu cầu khách mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Link gốc : https://thuongtruong.com.vn/news/chuyen-don-to-cao-gui-tien-tai-tpbank-thanh-mua-bao-hiem-sun-life-sang-bo-cong-an-98455.html

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đơn tố cáo gửi tiền tại TPBank thành mua bảo hiểm Sun Life sang Bộ Công an tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật