Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Nan giải câu chuyện kinh doanh quý III của TNG, TCM, BMP, BSR, LIX, PHR

KINH TẾ CHỨNG KHOÁN 07:42 20/08/2021

Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của việc ngăn chặn dịch bệnh và tiến độ tiêm chủng

Hàng loạt sóng gió đang khiến triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp sản xuất tại nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong 6 tháng cuối năm 2021 không còn quá tươi sáng.

Doanh nghiệp sản xuất xoay chuyển trong mùa dịch

VDSC ước tính rằng, các ngành kinh tế hiện tại chỉ đang hoạt động dưới 50% công suất khi có tới 38/63 tỉnh, thành phố có nguy cơ rất cao hoặc cao đối với dịch bệnh COVID-19 đang siết chặt hơn với các hoạt động không thiết yếu, đi lại và tụ tập không cần thiết theo Chỉ thị 16+, 16 hoặc 15 của Chính phủ. Chính việc giãn cách xã hội kéo dài có thể có tác động nghiêm trọng đến kinh tế vì các tỉnh thành này đóng góp tới hơn 80% GDP quốc gia.

Ít nhất 70% nhà máy sản xuất ở miền Nam phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách. Ngoài ra, các nhà máy hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ" phải chịu chi phí vận hành rất lớn và buộc phải giảm 40 - 50% công suất. Bên cạnh đó, rủi ro gián đoạn xảy đối với hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất; chi phí hoạt động gia tăng và thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài. Những nhân tố này đã và đang gây áp lực lớn lên hoạt động của các cảng hàng hóa.

Hàng loạt sóng gió đang khiến triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp sản xuất tại nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong 6 tháng cuối năm 2021 không còn quá tươi sáng. Điển hình như ngành dệt may – những doanh nghiệp đã hưởng lợi lớn trong quý 2 vừa qua. Tận dụng cơ hội khi các đối thủ lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia phải cắt giảm xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may đã mở rộng thị phần, tăng mạnh các đơn hàng tại thị trường Mỹ và EU. Tuy vậy, làn sóng dịch bệnh lần 4 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, từ thuận lợi đã trở thành rủi ro lớn nếu các đơn hàng không thể hoàn thành đúng tiến độ.

Việc thực hiện sản xuất giãn cách đã khiến May Thành Công (TCM) không đạt kế hoạch về sản xuất trong tháng 7, lãi sau thuế công ty đạt gần 673 nghìn USD (15 tỷ đồng) - giảm 47% so với cùng kỳ. Ngoài vấn đề không có đơn hàng vải kháng khuẩn PPE, Chủ tịch TCM Trần Như Tùng còn chia sẻ về gánh nặng chi phí trong tháng 7 bởi công tác cho việc sản xuất 3 tại chỗ như xây nhà vệ sinh, phòng tắm, chỗ ăn, ở, ngủ và liên tục test COVID-19 (3 ngày/lần), bên cạnh đó là các chi phí hỗ trợ cho F0, F1...

Bài toán chi phí cũng là vấn đề nan giải với Nhựa Bình Minh (BMP). Báo cáo đánh giá mới đây của SSI Research cho biết BMP đã ghi nhận khoản lỗ đầu tiên trong lịch sử kinh doanh vào tháng 7 vừa qua. Lợi nhuận giảm mạnh do tỷ suất lợi nhuận gộp lao dốc trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, giá PVC đầu vào đã trung bình tăng khoảng 107% so với cùng kỳ và 23% so với quý trước.

Ngoài ra, lãnh đạo BMP cho biết sản lượng tiêu thụ tháng 7 chỉ là 5.013 tấn - giảm 50% so với cùng kỳ do sức mua giảm mạnh khi phần lớn sản phẩm của công ty được tiêu thụ ở thị trường phía Nam – nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh giãn cách xã hội. SSI Research dự báo kết quả kinh doanh của BMP có thể chạm đáy trong quý III năm nay, công suất hoạt động giảm xuống khoảng 20 - 50% trong giai đoạn tháng 7 - 9.

Tại Đầu tư và Thương mại TNG, việc thiếu hụt container nên các hãng thời trang lớn ở nước ngoài bị ảnh hưởng, khó thuê tàu, có tác động đến giao hàng của TNG. Doanh thu tháng 7 của TNG ghi nhận 595 tỷ đồng trong khi có thể đạt tới 650 tỷ đồng nếu vấn đề về vận tải được giải quyết.

Ngành thủy sản cũng trong tình cảnh tương tự khi mà sự bùng phát COVID đã khiến nhiều nhà máy thủy sản bị ngừng hoạt động. Đặc biệt, hoạt động logistics trong nước được thắt chặt để kiểm soát COVID cũng gây ra chậm trễ trong các chuyến hàng, chi phí vận chuyển cũng bị đẩy lên rất cao.

Lĩnh vực khác là dầu khí cũng bắt đầu "ngấm đòn" COVID-19. UBND tỉnh Quãng Ngãi mới đây đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị giải quyết kiến nghị liên quan đến Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR). Theo đó, công tác tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất (thuộc sở hữu BSR) bị chững lại và đi xuống khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa bị giảm sút.

Hiện nhà máy của BSR đang tồn trên 200.000 m3 sản phẩm xăng dầu các loại (tương đương 1,2 triệu thùng) và gần 400.000m3 dầu thô (khoảng 2,4 triệu thùng); đối diện với rủi ro không còn sức tồn chứa, dẫn đến nguy cơ phải dừng hoạt động nhà máy của doanh nghiệp.

Nhìn nhận thế khó của doanh nghiệp trong diễn biến khó lường của đại dịch, nhiều bản kế hoạch "đi lùi" đã được đặt ra cho quý III của năm 2021.

Cao su Phước Hòa (PHR) đã nghị quyết về kế hoạch quý III/2021 với tổng doanh thu công ty mẹ là 318,5 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ kinh doanh cao su là 301 tỷ. Theo đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn 10 tỷ đồng - chỉ bằng 6% thực hiện cùng kỳ năm 2020.

5525-lix
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Tương tự, Bột giặt LIX (LIX) cũng dự kiến lợi nhuận quý III năm nay sẽ giảm 50% về còn 30 tỷ đồng. Nếu đúng như kế hoạch, đây sẽ là quý thứ ba liên tiếp trong năm lợi nhuận của LIX lao dốc so với quý trước đó.

VDSC cho rằng, dịch bệnh được kiểm soát chính là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp cũng như tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Điểm sáng đầu tư công cũng được dự báo sẽ tăng trưởng hạn chế do ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

VDSC thận trọng về triển vọng lợi nhuận ngắn hạn của một số doanh nghiệp sản xuất - những doanh nghiệp sẽ chứng kiến chi phí hoạt động tăng đột biến trong nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian xảy ra đại dịch. Phải sang năm 2022, những ngành này khả năng sẽ có triển vọng sôi động hơn vào năm 2022 do nhu cầu xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ.

Link gốc : https://kinhtechungkhoan.vn/nan-giai-cau-chuyen-kinh-doanh-quy-iii-cua-tng-tcm-bmp-bsr-lix-phr-100709.html

Bạn đang đọc bài viết Nan giải câu chuyện kinh doanh quý III của TNG, TCM, BMP, BSR, LIX, PHR tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật