Hà Nội, Thứ Tư Ngày 04/12/2024

Ma trận thẩm mỹ thật, dỏm – Bài 1: Thẩm mỹ Sharm có lừa dối khách hàng?

DTVN Theo Báo Người đưa tin 21:45 02/01/2024

Tại bệnh viện Thẩm mỹ Quốc tế Sharm, PV được tư vấn cấy HA, điều trị giãn mao mạch, giãn tĩnh mạch bởi bác sĩ có tay nghề thực hiện ngay tại cơ sở. Tuy nhiên, sở Y tế khẳng định Sharm chỉ là spa.

Spa được làm những dịch vụ gì?

Thực tế, nhiều cơ sở y tế uy tín từng tiếp nhận bệnh nhân là nạn nhân của thẩm mỹ chui, thẩm mỹ dỏm đến “sửa sai”. Đáng buồn hơn, trường hợp phải đánh đổi cả mạng sống vì đặt niềm tin nhầm chỗ không phải chuyện hi hữu.

Trước thực trạng đó, Phụ nữ và Pháp luật triển khai chuyên đề nghiên cứu tìm hiểu việc thực thi pháp luật của một số cơ sở làm đẹp trên địa bàn Hà Nội, nhằm đóng góp thông tin hữu ích giúp cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình, góp phần minh bạch thông tin để người dân có những lựa chọn đúng đắn.

Trao đổi với PV, luật sư Dương Văn Phúc, đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp là những cơ sở chăm sóc da (spa), cắt tóc, gội đầu, làm móng… hoàn toàn không được sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì; chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (loại hình doanh nghiệp); không cần sở Y tế cấp giấy phép hoạt động cũng như không cần phải thông báo hoạt động đến sở Y tế.

Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là những cơ sở thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Căn cứ theo khoản 4 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Đối với bệnh viện và phòng khám thẩm mỹ, là hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Các kỹ thuật mà bệnh viện hoặc phòng khám thẩm mỹ cung cấp được thực hiện theo danh mục kỹ thuật do sở hoặc bộ Y tế cấp phép hoạt động và được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn kỹ thuật phù hợp với phạm vi hoạt động đã được cấp phép. Ngoài ra, bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa cung cấp dịch vụ thẩm mỹ này đều phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc cấp cứu thiết yếu theo quy định và được bộ Y tế, sở Y tế thẩm định đủ điều kiện mới cấp phép hoạt động.

Tuy nhiên, nghiên cứu tìm hiểu của PV, tình trạng các cơ sở spa hoạt động quá phạm vi chuyên môn cho phép, thậm chí là quảng cáo các dịch vụ mà theo quy định bắt buộc phải được thực hiện ở bệnh viện và phòng khám thẩm mỹ,…đang diễn ra vô cùng bất cập.

Chiêu nâng level dịch vụ của “Trợ lý bác sĩ Sharm”

Quá trình thực hiện chuyên đề, nhóm PV ghi nhận từ Facebook có tên “Cấy HA trẻ hóa gương mặt – Bệnh viện Da liễu Hà Nội”. Ngay lập tức, trang phản hồi và hướng khách hàng chuyển sang Zalo để trợ lý bác sĩ hỗ trợ thông tin.

Chưa đến 1 phút sau, tài khoản Zalo có tên “Quế Anh – Trợ lý bác sĩ” chủ động kết bạn và tư vấn về dịch vụ cấy HA. Người này cho biết “HA bên chị đã được bộ Y tế chứng nhận là sản phẩm an toàn và được cấp phép”. Thấy “thượng đế” còn nhiều băn khoăn, dè dặt, Quế Anh giới thiệu luôn: “Bên chị có 2 bác sĩ, 1 bác làm trong viện Da liễu và 1 bác làm trong viện 108 là bác Dung với bác Nhật Minh” để nâng “level” cho dịch vụ nhằm tăng độ tin cậy.

Nhóm PV bị “lạc” trong “ma trận” các trang Facebook gắn logo Sharm. Ảnh chụp màn hình.

--

PV nhận được tư vấn từ Facebook có tên Cấy HA trẻ hóa gương mặt – Bệnh viện Da liễu Hà Nội và tài khoản Zalo Quế Anh - Trợ lý bác sĩ.

Tin nhắn từ Quế Anh cho biết Viện da liễu Quốc tế Sharm có địa chỉ 101 Mai Hắc Đế.

Tương tự, khi PV dùng 1 tài khoản khác nhắn tin tới trang Facebook có tên “Điều trị giãn mao mạch – phòng khám da liễu Hà Nội” thì cũng được chuyển hướng sang tư vấn qua Zalo. Vẫn là Quế Anh – Trợ lý bác sĩ, người này giới thiệu: “Bên chị sử dụng máy công nghệ cao Rotech. Đây là công nghệ hiện đại nhất bây giờ”.

Sau đó, PV được gợi ý qua địa chỉ 101 Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để thăm khám và tư vấn kỹ hơn.

--

Một nhân viên khác tên Quỳnh từ tài khoản Zalo Viện Da liễu Quốc tế Sharm tư vấn cho PV về điều trị giãn mao mạch.

Tiếp tục nhắn tin tới Facebook có tên Viện Da liễu Quốc tế Sharm, PV được nhân viên tên Quỳnh kết bạn Zalo và giới thiệu: “Bên em là phòng khám tư bác sĩ mở tại nhà riêng”.

Cận cảnh cuộc “thăm khám” với “Doctor Dung”

Theo chỉ dẫn của “Trợ lý bác sĩ”, nhóm PV đã tới số 101 Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tại đây, chúng tôi được tư vấn bởi một người phụ nữ khoác áo blouse trắng có in biển ghi dòng chữ Doctor Nguyễn Thị Kim Dung.

Người phụ nữ khoác áo blouse trắng có in biển ghi dòng chữ Doctor Nguyễn Thị Kim Dung tư vấn cho PV tại cơ sở Bệnh viện Thẩm mỹ Quốc tế Sharm 101 Mai Hắc Đế. Ảnh cắt từ clip.

Với nhu cầu xóa một hình xăm ở chân, bà Dung cho biết: “Chị là bác sĩ thăm khám rồi đưa ra phác đồ để bác sĩ ở viện 108 điều trị cho em (bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – PV)”.

Rồi bà Dung khẳng định có thể đạt được kết quả 95%, phải nhìn thật tinh mới thấy hình xăm cũ, thời gian ủ tê 5 phút và làm 30 phút là xong.

Quá trình tư vấn, PV còn được bà Dung “chẩn đoán” về tình trạng giãn mao mạch, giãn tĩnh mạch ở đùi, mặt thể nhẹ và cam kết chỉ dùng “công nghệ Rotech”, kết quả đạt 90-95%.

“Bạn trợ lý bên chị đã tư vấn kỹ cho em về công nghệ gì chưa hay là đang tìm hiểu”, bà Dung hỏi PV. PV trả lời mong muốn nghe tư vấn trực tiếp sẽ tốt hơn thì Doctor Dung nhiệt tình: “Thông thường ở bệnh viện em được kê thuốc uống và đi tất, nhưng chỉ giải quyết vấn đề về triệu chứng đau nhức, tê bì. Còn bị giãn mao mạch, tĩnh mạch ở thể nhẹ thì mình sẽ sử dụng công nghệ, hoặc dùng công nghệ kết hợp tiêm xơ (dùng chất gây xơ tĩnh mạch, là biện pháp thường được bác sĩ ưu tiên lựa chọn để điều trị suy giãn tĩnh mạch mức độ nhẹ – PV). Như với em chưa cần thiết các công nghệ đó mà chỉ dùng “công nghệ Rotech””.

Sau một hồi tư vấn về tác dụng “thần thánh” của “công nghệ Rotech”, chúng tôi gặng hỏi công nghệ đó được thực hiện như thế nào thì người phụ nữ này “nhất quyết” không nói, mà chỉ mô tả là bắn trực tiếp vào da giống như điều trị nám, tàn nhang?!

Nhân viên tại Sharm tư vấn cho khách về 2 phương pháp cấy HA trẻ hóa đôi tay. Ảnh cắt từ clip.

Khi PV đặt vấn đề muốn làm trẻ hóa đôi bàn tay, Doctor Dung tư vấn 2 phương pháp cấy HA dùng máy và tay. PV hỏi có tiêm chất gì vào tay không, bà Dung từ chối dùng từ “tiêm” nhưng lại mô tả việc cấy HA bằng tay “cũng giống như bọn em đi tiêm filler cằm”.

Vẫn theo bà Dung, thứ được cấy vào tay sẽ là 1 lọ, còn lọ là chất gì, xuất xứ, hạn sử dụng ra sao, PV đã hỏi chi tiết nhưng không được người này hé lộ.

Với cả 3 dịch vụ cấy HA, xóa xăm và điều trị giãn mao mạch, tĩnh mạch, bà Dung khẳng định có bác sĩ viện 108 làm trực tiếp ngay tại cơ sở số 101 Mai Hắc Đế. “Bên chị không có quá nhiều bác sĩ và toàn là bác sĩ tuyển chọn, chuyên điều trị”, bà Dung quả quyết.

Sau khi tư vấn, bà Dung “chốt”: “Em cọc tiền rồi chị lên hồ sơ và chỉ cần qua là làm luôn, kể cả cuối tuần”. Khi thấy PV còn lưỡng lự, bà Dung hỏi: “Em vẫn đang trao đổi với bạn Quế Anh đúng không? Lúc mà em gọi ấy?”, PV chưa kịp trả lời thì bà Dung nói luôn: “Ok, sẽ có bạn trợ lý kết bạn với em” (để tiếp tục trao đổi về giá cả - PV).

Sự thật “công nghệ Rotech”

Ở góc độ chuyên môn, TS.BS Lê Tuấn, Giám đốc Phòng khám chuyên khoa Da liễu và Laser Dr Lê Tuấn Clin, nguyên bác sĩ khoa Da liễu bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết: “Laser màu là lựa chọn vàng trong điều trị các bệnh lý về mạch máu, trong đó có giãn mao mạch, tĩnh mạch. Tuy nhiên, đây là máy móc công nghệ cao, rất đắt tiền, điều trị phải là người có chuyên môn rất sâu và được thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín. Tôi nghĩ rằng các spa thông thường không đủ trình độ để thực hiện.

Còn đối với công nghệ Rotech mà thẩm mỹ Sharm quảng cáo (như thông tin PV nêu) thì có thể đó chỉ là tên họ tự đặt theo một dòng máy nào đó, nhắm vào những người không am hiểu về chuyên môn. Người dân cần hết sức cảnh giác trước những quảng cáo “trên trời” kiểu này, tránh tiền mất mà bệnh thì vẫn nguyên, thậm chí lại phải nhập viện vì điều trị sai cách”.

Trao đổi với PV, đại diện sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Bệnh viện Thẩm mỹ Quốc tế Sharm chỉ là spa thông thường, thẩm quyền quản lý thuộc UBND quận Hai Bà Trưng”.

Thông tin tới PV, bà Phạm Thị Thu Thủy, chuyên viên phòng Y tế quận Hai Bà Trưng, phụ trách mảng khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ thẩm mỹ, cho biết: “Sharm mới mở từ tháng 11/2022, ngành nghề kinh doanh là dịch vụ chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ. Các thủ tục hành chính, kể cả việc thông báo dịch vụ thẩm mỹ lên sở Y tế, họ đã làm đầy đủ. Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra 3 lần, không phát hiện vi phạm. Tại cơ sở số 101 Mai Hắc Đế cũng không có trang thiết bị y tế tính đến ngày kiểm tra gần nhất là 8/12. Họ chỉ hoạt động chăm sóc da đơn thuần, dịch vụ phun xăm giờ cũng vắng khách vì không chuyên nghiệp”.

Hỏi thêm về vấn đề “điều trị giãn mao mạch, tĩnh mạch” do bác sĩ của viện 108 thực hiện như lời nhân viên cơ sở này tư vấn, bà Thủy nói: “Đã tìm hiểu kỹ, nó (ý chỉ công nghệ Rotech) thuộc về chăm sóc da từ thiết bị không xâm lấn, chỉ làm cho da khỏe, mờ mao mạch bên dưới”.

PV cũng đưa ra hình ảnh, clip cho thấy phía Sharm tư vấn cho khách hàng cấy HA, xóa xăm và trị giãn mao mạch, tĩnh mạch giống như hoạt động phòng khám, bà Thủy nói: “Khi chúng tôi kiểm tra các trang thiết bị phục vụ cho tất cả dịch vụ này thì lại không phải trang thiết bị y tế. Có thể trong quá trình tư vấn, họ đã quảng cáo quá lên. Việc kiểm tra thực tế có giá trị quyết định vi phạm đến đâu, còn những gì quảng cáo liên quan đến dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà chúng tôi xác minh được thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.

Theo luật sư Dương Văn Phúc: Dựa vào tư liệu PV cung cấp có thể dễ dàng nhận thấy, Thẩm mỹ Sharm đang có dấu hiệu hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép khi mời khách hàng đến thực hiện các dịch vụ xâm lấn, vì cơ sở này chỉ là Spa thông thường.

Link gốc : https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ma-tran-tham-my-that-dom-bai-1-tham-my-sharm-co-lua-doi-khach-hang-a604357.html?fbclid=IwAR2wtUd_vCJl7OxgVHgFGszMT2FQftlSutrJJFD8gKdT9LkQXuAlYOuavHQ

Bạn đang đọc bài viết Ma trận thẩm mỹ thật, dỏm – Bài 1: Thẩm mỹ Sharm có lừa dối khách hàng? tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật
Vài năm trở lại đây các thành viên thuộc hệ sinh thái Tuấn Ân Group, trong đó đặc biệt là Thiết bị điện Tuấn Ân đã trở thành nhà thầu quen mặt khi liên tục trúng loạt dự án lớn.