Nhắc đến các doanh nghiệp bia tại Việt Nam, người ta thường nghĩ đến một số thương hiệu lớn như Sabeco, Habeco, Heineken…Ít ai biết đến rằng còn có một thương hiệu bia 35 tuổi nổi danh khác, đó là CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long (UPCOM: HLB).
Thậm chí, mã chứng khoán HLB của công ty này hiện còn nằm trong top các cổ phiếu có thị giá cao nhất nhì 3 sàn chứng khoán (HoSE, HNX, UPCOM). Chốt phiên 15/12, mã HLB đạt 300.000 đồng/CP, chỉ xếp sau VNZ của CTCP VNG (689.000 đồng/CP).
Bia Hạ Long tiền thân là Nhà máy liên hợp thực phẩm Hồng Gai, ra đời từ năm 1967. Sau một khoảng thời gian dài phát triển, cùng với sự vận động của nền kinh tế thị trường, Nhà máy Hồng Gai cũng có nhiều thay đổi. Trong đó, dấu mốc quan trọng nhất phải kể đến là Nhà máy Bia và nước giải khát Quảng Ninh ra đời vào năm 2012, đánh dấu sự chuyển hướng hoạt động kinh doanh của công ty.
Sự xuất hiện của Carlsberg Breweries với vai trò cổ đông lớn (nắm 31,3% tới giữa năm 2014) và ở ghế Thành viên HĐQT (ông Bùi Hữu Quang và ông Tayfun Uner) đã mang tới nhiều kỳ vọng cho sự phát triển của Bia Hạ Long.
Thêm vào đó, việc SCIC muốn bán đấu giá 1.050.000 cổ phần, tương đương 35% vốn hứa hẹn sẽ giúp công ty chào đón thêm những nhà đầu tư giàu tiềm lực, kỹ thuật và công nghệ vào hãng bia này. Thời điểm đó, SCIC đưa ra giá đấu khởi điểm là 29.000 đồng/CP, tương đương thu về 30,45 tỷ đồng.
Dù vậy, phiên đấu giá (kế hoạch tổ chức vào tháng 8/2014) đã tổ chức bất thành ra do không có nhà đầu tư nào đăng ký mua. SCIC không công bố thêm thông tin về đợt đấu giá tiếp theo, chỉ biết là trong Danh sách doanh nghiệp bán vốn năm 2015 của Tổng Công ty này đã không còn xuất hiện cái tên Bia Hạ Long nữa.
Danh tính chủ mới tại Bia Hạ Long dần được hé lộ khi một số tài liệu cho thấy công ty có Chủ tịch HĐQT là ông Doãn Văn Quang ít nhất là từ tháng 6/2015 (ông Quang sau đó tại vị ở vị trí này đến tháng 4/2023 vừa qua).
Ông Quang là một lãnh đạo kỳ cựu tại Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), với đỉnh cao quyền lực là Phó Tổng giám đốc trong giai đoạn 2007-2010. Sau đó, vị này đảm trách vai trò Thành viên HĐQT CTCP Than Vàng Danh - Vinacomin và đáng chú ý là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Than Mông Dương - Vinacomin, trước khi nghỉ hưu vào năm 2015.
Trùng hợp trong cùng năm 2015, biến động lớn tại Bia Hạ Long là các tổ chức SCIC và Carlsberg Breweries không còn xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn, thay vào đó là ông Doãn Trường Giang (13,94%) – con trai ông Doãn Văn Quang, bà Phạm Thị Hương (20%) – em vợ ông Quang, ông Đoàn Đức Cẩn (15%) – cùng hộ khẩu thường trú với bà Hương.
2 cổ đông lớn còn lại là Aseed Holding (20%) và Hirishima Lenture Capital (11,33%) đều đến từ Nhật Bản.
Đến tháng 5/2019, ông Cẩn thực hiện chuyển nhượng hết vốn cho bà Phạm Thị Đào – vợ ông Quang. Tiếp đến tháng 11/2022, toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của bà Hương đã được sang tay cho ông Doãn Thiện Tân – con trai ông Quang.
Cập nhật đến hết năm 2022, gia đình ông Doãn Văn Quang nắm quyền chi phối khi trực tiếp sở hữu tới 57,671% vốn Bia Hạ Long, tương đương giá trị thị trường khoảng 533 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy nhiều cá nhân kể trên đã xuất hiện tại Bia Hạ Long trước khi ông Doãn Văn Quang nghỉ hưu. Theo đó, bà Phạm Thị Đào – vợ ông Quang, và ông Doãn Trường Giang – con trai ông Quang, là cổ đông tại HLB ít nhất từ năm 2010; bà Phạm Thị Hương (em gái bà Đào) nắm cổ phần từ tháng 4/2014, trong khi cựu cổ đông lớn Đoàn Đức Cẩn là sở hữu cổ phần HLB từ tháng 9/2015.
Không rõ mức giá chuyển nhượng mà gia đình cựu Chủ tịch Than Mông Dương phải chi để trở thành cổ đông Bia Hạ Long là bao nhiêu; Aseed Holding trong giao dịch mua lại hơn 31% vốn HLB từ Carlsberg cũng không công bố mức giá, với lý do “chưa được HLB đồng ý” (trích Thông báo của Aseed Holding về việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đăng tải vào tháng 7/2014).
HLB kinh doanh thế nào?
Dù có quy mô vốn và tài sản khá khiêm tốn, song HLB lại duy trì được kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong nhiều năm. Tính toán của Nhadautu.vn cho thấy tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2015-2022 của thương hiệu bia này đạt 25,91% với doanh thu và 28,8% với lợi nhuận sau thuế.
Trong năm 2020 và 2021, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song kết quả kinh doanh của HLB vẫn khá tích cực. Theo đó, doanh thu thuần công ty năm 2020 đạt 709,8 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2019; lãi ròng 64,8 tỷ đồng, tương đương tăng 9,45%.
Sang đến năm 2021, xu hướng tăng trưởng tiếp diễn với doanh thu thuần tăng 38,2% lên 981 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, lãi ròng HLB còn 81,8 tỷ đồng, tăng 26,2%.
Đáng chú ý, 2022 là năm kỷ lục doanh thu và lợi nhuận công ty kể từ khi thành lập với doanh thu lần đầu vượt mốc nghìn tỷ khi đạt 1.369 tỷ đồng (+39,5%); lãi sau thuế 126,5 tỷ đồng (+54,6%).
Nhờ đó, ROA và ROE HLB lần lượt đạt 24,44% và 33.73%; vượt xa so với Sabeco (ROA 15,96% và ROE 22,37%) và Habeco (ROA 6,95% và ROE 9,48%).
Mặt khác, lợi nhuận liên tục tăng trưởng mạnh trong khi cổ phiếu không bị pha loãng trong nhiều năm đẩy giúp lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của HLB lên cao ngất ngưởng. Con số này năm 2022 lên đến 40.886 đồng, cao nhất ngành bia và cũng thuộc top trong số các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.
Không chỉ kinh doanh tăng trưởng, HLB nổi tiếng với truyền thống chi trả cổ tức cao trong nhiều năm. Giai đoạn 2014-2018, công ty liên tục chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông trong đó đáng chú ý có năm 2016 với tỷ lệ 60%, năm 2017 với tỷ lệ 70% và đặc biệt là năm 2018 với tỷ lệ lên đến 200%.
Năm 2019, hoạt động cổ tức bị gián đoạn do công ty dành toàn bộ phần lợi nhuận còn lại sau khi trích thưởng để đầu tư nâng cấp và hoàn thiện nhà máy sản xuất bia Đông Mai công suất 50 triệu lít/năm.
Sau đó, công ty tiếp tục chia cổ tức bằng tiền trong năm 2020 và 2021 với tỷ lệ lần lượt là 20% và 100%.
Tháng 9 năm nay, HLB tiếp tục gây ấn tượng với thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2022 với tỷ lệ thanh toán là 150%/CP, tức 1 cổ phiếu nhận được 15.000 đồng và với gần 3,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính HLB cần chi hơn 46 tỷ đồng cho đợt cổ tức này.