Theo báo cáo của PVN về hướng xử lý một số doanh nghiệp, dự án của PVN có tình hình kinh tế kém hiệu quả, làm ăn bết bát hoặc dậm chân tại chỗ... Trong đó, cách xử lý của PVN với Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS) là bán nhà máy theo Nghị định 128 ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao DN 100% vốn Nhà nước.
Nếu phương án này không thành công, PVN đề nghị cho triển khai phương án phá sản nhà máy. Mặc dù vậy, khả năng bán được DQS không cao bởi giá trị hiện tại của nhà máy này, đồng thời yếu tố thị trường ở thời điểm này cũng không lý tưởng cho việc bán nhà máy.
Theo tính toán, nếu phá sản, giá trị thu hồi của DQS sẽ rất thấp và khó có thể đảm bảo bù đắp đủ cho những gì PVN đã đầu tư. Song, đối với PVN lúc này, việc dứt khỏi DQS là phương án "cắt lỗ" hợp lý bởi DQS đã trở thành gánh nặng kinh tế và là một trong nhiều nguyên nhân bị chỉ trích do làm ăn kém hiệu quả bấy lâu nay.
Tuy nhiên, để có thể làm thủ tục phá sản đối với nhà máy này cũng mất khá nhiều chi phí (như thuê tư vấn, công tác định giá tài sản...) và tốn kém nhiều thời gian, chưa kể thủ tục cũng khá phức tạp. Đặc biệt là việc giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động của nhà máy.
DQS thực chất là "sản phẩm" của Vinashin. Sau đó được chuyển về cho PVN quản lý để "chia sẻ" gánh nặng. Được biết, chỉ trong vài năm chuyển về PVN quản lý, nhà máy đã được PVN đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, trong đó hơn 3.000 tỉ đồng để dành cho công tác thanh toán nợ nhưng tới nay vẫn không thể vực dậy nổi.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ