Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Licogi ôm khoản nợ gần 2.000 tỷ đồng, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư âm nặng

DTVN 15:55 05/11/2019

Báo cáo tài chính quý III/2019 cho thấy doanh thu thuần của Tổng công ty Licogi chỉ đạt hơn 1.359 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018; lỗ ròng lũy kế hơn 80 tỷ đồng.

Licogi lỗ ròng lũy kế hơn 80 tỷ

Mới đây, Tổng công ty Licogi (UPCoM: LIC) công bố báo cáo tài chính quý III/2019, ghi nhận tình hình kinh doanh kém khởi sắc.

Cụ thể, doanh thu thuần quý III/2019 đạt 466 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng, tương đương 21% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính chỉ đạt 17 tỷ đồng, giảm 37 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018, tương đương 69%. Công ty cho biết các công trình hiện tại đều đang trong giai đoạn quyết toán, chưa có nhiều công trình mới dẫn đến sản lượng thấp.

Quý III/2019, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 54 tỷ đồng, giảm hơn 22 tỷ đồng so với cùng kỳ; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vỏn vẹn 9 tỷ đồng, giảm 50 tỷ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp đạt hơn 4 tỷ đồng, giảm hơn 46 tỷ đồng so với cùng lỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng năm 2019, doanh thu thuần của LIC chỉ đạt hơn 1.359 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018. Lỗ ròng lũy kế hơn 80 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ là dương 56 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh đang ở mức âm hơn 77 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2019. Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư là âm hơn 19 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2019, tổng tài sản của Licogi là hơn 4.651 tỷ đồng, tăng 5% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm gần 2.322 tỷ đồng, tài sản dài hạn chiếm gần 2.330 tỷ đồng. LIC ghi nhận khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Khu đô thị Thịnh Liệt số tiền hơn 1.031 tỷ đồng, tăng 5% so với hồi đầu năm.

Những mảng tối hậu cổ phần hóa

Licogi tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước nằm trong danh sách những doanh nghiệp chuyên ngành mạnh của Bộ Xây dựng, có mặt trên nhiều công trình trọng điểm của quốc gia.

Sau hơn nửa thế kỷ phát triển, Licogi là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp, đặc biệt về mảng thủy điện. Một số hợp đồng lớn Licogi đã tham gia là tổng thầu thi công gói thầu 14 - dự án Thủy điện Bản Chát trị giá 4.477 tỷ đồng, tổng thầu Thủy điện Sông Tranh 2 trị giá 2.371 tỷ đồng, xây dựng Thủy điện Sơn La (1.654 tỷ đồng), tổng thầu xây lắp Thủy điện A Vương (1.478 tỷ đồng).

Licogi đã từng là “đứa con cưng” của Bộ Xây dựng, với kết quả kinh doanh giai đoạn 2011-2015 khả quan, lợi nhuận luôn ở mức dương: Năm 2011 (167 tỷ đồng), năm 2012 (143 tỷ đồng), năm 2013 (101 tỷ đồng), năm 2015 (87 tỷ đồng).

Cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cổ phần hóa Licogi với vốn điều lệ 900 tỷ đồng, tương đương 90 triệu cổ phần. Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm 31,5 triệu cổ phần, chiếm 35% vốn điều lệ, bộ Xây dựng sở hữu 40% vốn và bán đấu giá công khai 21,27 triệu cổ phần (23,63% vốn).

Điều đáng nói là sau cổ phần hóa (tháng 4/2015 – PV), doanh thu hợp nhất năm 2016 của Licogi chỉ giảm nhẹ 6,7% so với năm 2015 và cao hơn nhiều so với thời kỳ 2012 - 2014. Tuy nhiên, các năm trước luôn duy trì lãi trước thuế 167 tỷ đồng (2011), 143 tỷ đồng (2012), 101 tỷ đồng (2013), 87 tỷ đồng (2015) bỗng chốc đảo chiều lỗ 427 tỷ đồng trong năm 2016.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin thời điểm đầu năm 2017, Phó Tổng giám đốc Licogi - bà Phan Lan Anh (người mà trước đó đã hơn một thập kỷ nắm giữ cương vị Kế toán trưởng Licogi) cho biết: "Theo báo cáo đã được kiểm toán, kết quả năm 2016 của công ty mẹ - tổng công ty Licogi lỗ 293,4 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ chủ yếu do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 139 tỷ, trích lập dự phòng đầu tư tài chính 46,5 tỷ đồng, chi phí lãi vay 86 tỷ đồng...”

“Trước thời điểm cổ phần hóa, khi xác định giá trị doanh nghiệp và quyết toán vốn Nhà nước, Licogi không được trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng đầu tư tài chính, khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần, DN phải trích lập theo hướng dẫn tại Thông tư 200/2014/TT-BTC" – bà Phan Lan Anh nói, đồng thời cho biết Licogi có thực trạng nguồn vốn chủ sở hữu thấp nên đã mất cân đối về vốn trong thời gian dài.

Tuy nhiên, từng có nhiều ý kiến nghi ngại rằng ban lãnh đạo doanh nghiệp đã giấu lỗ những năm trước đó để chờ cổ phần hóa rồi “gắp lỗ” sang cho tư nhân. Hoặc là chuyển lỗ sang giai đoạn sau cổ phần hóa nhằm giúp nhóm cổ đông tư nhân tiếp tục thâu tóm doanh nghiệp cùng với “đất vàng” với giá thấp.

Ông Đinh Việt Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Licogi cho biết, thực trạng Licogi hiện nay là cực kỳ khó khăn. Nguy cơ mất vốn là hoàn toàn có cơ sở nếu vẫn giữ bức tranh hoạt động như hiện nay mà không có sự tái cấu trúc mạnh về cổ đông và quá trình đầu tư, hỗ trợ về tài chính. Thực trạng trên dẫn đến hoạt động của Licogi sẽ ngày càng đi xuống. Hiện, SCIC đã có báo cáo gửi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về tình trạng khó khăn tại Licogi và đang chờ chỉ đạo.

Liên quan đến tình trạng sản xuất kinh doanh tụt dốc nghiêm trọng như hiện nay, nhiều đơn thư tố cáo liên tục được gửi tới các cấp, các ngành đề nghị làm rõ dấu hiệu bất thường, biểu hiện lợi ích nhóm trong quá trình cổ phần hoá, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh… tại Licogi sau khi cổ phần hoá.

Mộc Diệp (T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc: https://sohuutritue.net.vn//licogi-om-khoan-no-gan-2000-ty-dong-luu-chuyen-tien-tu-hoat-dong-dau-tu-am-nang-d63354.html

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/licogi-om-khoan-no-gan-2000-ty-dong-luu-chuyen-tien-tu-hoat-dong-dau-tu-am-nang-d63354.html

Bạn đang đọc bài viết Licogi ôm khoản nợ gần 2.000 tỷ đồng, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư âm nặng tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp