Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Quý III kinh doanh khó khăn, lợi nhuận các 'ông trùm' ngành xây dựng 'rủ nhau' tụt dốc

DTVN 11:53 05/11/2019

Lợi nhuận chín tháng đầu năm của Coteccons, Hoà Bình và Hưng Thịnh Incons đều tăng trưởng âm dù chủ động cắt giảm các chi phí.

Coteccons: Lợi nhuận sau thuế giảm sốc 65% so với cùng kỳ

CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với kết quả kinh doanh tụt dốc.

Cụ thể, doanh thu trong kỳ của Coteccons giảm 23%, đạt gần 6.225 tỷ đồng. Trong khi đó, một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến làm tăng chi phí cố định khiến biên lãi gộp giảm từ 7% xuống còn 4%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 253,6 tỷ đồng, giảm tới 56%. Ngoài ra, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận gộp.

Doanh thu tài chính giảm 36%, do lãi tiền gửi ngân hàng giảm 41% so với cùng kỳ trong khi chi phí tài chính chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Coteccons cho biết doanh thu được chủ đầu tư xác nhận chậm, dòng tiền thu hồi chậm khiến công ty phải dùng tiền tiết kiệm sẵn có để thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, đội thi công theo điều khoản trong hợp đồng đã ký. Đồng thời việc góp vốn vào công ty Covestcons cũng làm giảm nguồn tiền gửi tiết kiệm.

Sau khi trừ các chi phí phát sinh, Coteccons thu về 165 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 65% so với quý III/2018.

Thời điểm 30/9, tổng tài sản của Coteccons đã giảm gần 11% so với đầu năm, xuống mức 14.987 tỷ đồng chủ yếu do các khoản phải thu ngắn hạn giảm 15% xuống 7.672 tỷ đồng. Tiền gửi ngắn hạn cũng giảm gần 19% xuống còn hơn 3.012 tỷ đồng trong khi tồn kho tăng 5% lên 1.516 tỷ đồng.

Bác cáo tài chính quý III cũng đánh dấu quý giảm lợi nhuận thứ 4 liên tiếp của “ông lớn” ngành xây dựng.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) lãi quý 3 giảm 66%, nợ vay tăng lên hơn 5.200 tỷ đồng

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) công bố báo cáo KQKD hợp nhất quý 3/2019 với doanh thu thuần 4.615 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu giảm, trong khi giá vốn hàng bán tăng hơn 3% lên 4.344 tỷ đồng khiến lãi gộp quý 3 của Hòa Bình chỉ đạt 271,3 tỷ đồng, giảm 44%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính Hòa Bình tăng 73% lên 40,13 tỷ đồng, chủ yếu do tăng doanh thu tài chính khác 18,8 tỷ đồng. Tuy vậy, khoản mục này không được Hòa Bình thuyết minh cụ thể.

Các chi phí phát sinh trong kỳ của Hòa Bình được tiết giảm. Theo đó, chi phí tài chính giảm 7% xuống 78,18 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 7% xuống 135,8 tỷ đồng và chỉ có chi phí bán hàng tăng 45% lên 16,5 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, Hòa Bình đạt 68,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2019, giảm mạnh 66% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần 13.646 tỷ đồng, tăng 8% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 51% xuống còn 243,5 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý 3/2019, nợ vay của Hòa Bình lên tới 5.233 tỷ đồng, tăng 892 tỷ so với đầu năm và chiếm 32% tổng nguồn vốn công ty. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng tăng lên 4.930 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, chủ yếu là các khoản vay từ ngân hàng BIDV, Vietinbank và Maritime Bank.

Các khoản lỗ từ công ty con và công ty liên doanh, liên kết cũng tăng mạnh lên gần 60 tỷ đồng. Trong đó Công ty Nhà Hòa Bình được thành lập với mục tiêu phát triển thế mạnh kinh doanh bất động sản của Hòa Bình báo lỗ lớn nhất, 50 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.

Hưng Thịnh Incons nợ phải trả phi mã, lợi nhuận cắm đầu

Mới đây, Công ty CP Hưng Thịnh Incons (mã: HTN) - doanh nghiệp xây dựng được hậu thuẫn bởi Tập đoàn Hưng Thịnh đã công bố kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, nợ phải trả của doanh nghiệp này phi mã, lợi nhuận cắm đầu.

Cụ thể, báo cáo tài chính quý 3 của HTN cho biết, doanh thu thuần của Công ty đạt gần 751 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết trong đó là doanh thu từ dịch vụ xây dựng (đến 749,9 tỷ đồng).
Trong quý 3, HTN không ghi nhận doanh thu bán hàng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng quý này lại chiếm đến 694 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng không đáng kể so với cùng kì năm trước (từ 621 triệu đồng lên 741 triệu), nhưng chi phí hoạt động tài chính lại tăng gần gấp đôi (từ gần 10 tỷ đồng lên gần 19 tỷ đồng).

Công ty CP Hưng Thịnh Incon do ông Nguyễn Đình Trung làm Chủ tịch HĐQT. Ảnh: cafeland

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lên đến gần 20 tỷ đồng, tăng đến 43% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kết quả lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 14,5 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Công ty đạt 2.406 tỷ đồng giảm khoảng 7% so với cùng kì năm trước và mới chỉ đạt 49% kế hoạch cả năm (là 4.865 tỷ đồng).
Tương tự, sau 3 quý lợi nhuận sau thuế của Công ty 9 tháng đạt 88 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, mới chỉ thực hiện 41% kế hoạch cả năm năm (là hơn 216 tỷ đồng).
Nguyên nhân đến từ lãi suất ngân hàng tăng, các dự án triển khai vướng vấp vấn đề pháp lý

Đánh giá về tình sự sụt giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành xây dựng trong 9 tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp giảm lãi là tiến độ xây dựng các dự án đang chậm lại, nhiều dự án không thể triển khai được do vướng giấy phép dẫn đến công suất, sản lượng bị chậm lại. Hơn nữa, lãi suất ngân hàng tăng dẫn đến chi phí tài chính tăng, lợi nhuận của các công ty xây dựng, BĐS bị giảm.

Trước đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, số lượng dự án triển khai và hoàn thành thấp nhất trong 3 năm trở lại đây . Nhiều dự án nhà ở "đứng hình" do không thực hiện được thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai. HoREA lo ngại doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, có thể đối mặt nguy cơ phá sản.

Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect, ngành xây dựng có triển vọng trung – dài hạn rất lớn nhờ tốc độ đô thị hoá cao, dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người được cải thiện. Nhưng đối với mảng xây dựng nhà dân dụng trong ngắn hạn, đơn vị này đưa ra đánh giá trung lập bởi chưa thấy manh nha các chính sách mới nhằm giải quyết vấn đề giấy phép dự án.

Điểm sáng duy nhất của ngành xây dựng trong năm nay đến từ mảng xây dựng công nghiệp khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển dòng vốn, cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các nhà thầu tư nhân lớn trong ngành đều đang bỏ ngỏ mảng này.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc: https://sohuutritue.net.vn//quy-iii-kinh-doanh-kho-khan-loi-nhuan-cac-ong-trum-nganh-xay-dung-ru-nhau-tut-doc-d63314.html

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/quy-iii-kinh-doanh-kho-khan-loi-nhuan-cac-ong-trum-nganh-xay-dung-ru-nhau-tut-doc-d63314.html

Bạn đang đọc bài viết Quý III kinh doanh khó khăn, lợi nhuận các 'ông trùm' ngành xây dựng 'rủ nhau' tụt dốc tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp