Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Doanh thu 99,99% từ thị trường nội địa, Kangaroo báo lãi trước thuế tăng 350%

DTVN 14:53 04/11/2019

Dù doanh thu thuần trong quý III/2019 giảm 6%, lợi nhuận gộp của hãng máy lọc nước Kangaroo tăng tới 36% so với cùng kỳ nhờ kinh doanh các sản phẩm có biên lãi gộp cao.

Giống như Sunhouse của Shark Phú hay Asanzo của ông chủ Phạm Văn Tam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện máy điện lạnh Việt Úc - Kangaroo nổi lên những năm gần đây như là những thương hiệu gia dụng hàng đầu của Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, số liệu cho thấy Kangaroo có 40.000 điểm bán, 458 trung tâm bảo hành, 4 văn phòng đại diện tại Việt Nam và đưa sản phẩm ra 5 quốc gia bao gồm Myanmar, Indonesia, Lào, Campuchia và Trung Quốc tuy nhiên 99,99% doanh thu của công ty vẫn đang đến từ thị trường nội địa. Công ty có 2 nhà máy đặt tại Hưng Yên với 4 dây truyền sản xuất.

Sau 8 năm kể từ lần "chào sân" ra mắt người tiêu dùng, sản phẩm máy lọc nước Kangaroo của CTCP Tập đoàn điện lạnh điện máy Việt Úc (Việt Úc) đã trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng Việt Nam, khi thói quen sử dụng nước sinh hoạt qua máy lọc và uống thẳng nước từ vòi đã trở nên phổ biến hơn ở đô thị.

Hiện nay, máy lọc nước chỉ là 1 trong 5 mảng chính của Kangaroo cùng với hàng gia dụng, thiết bị bếp, điện lạnh và thiết bị vệ sinh tuy nhiên sản phẩm nổi tiếng nhất vẫn là máy làm nóng lạnh nước và máy lọc nước với thị phần 37% và 18,6%, bỏ xa các hãng cùng ngành.

Số liệu tài chính cho thấy Kangaroo đang tăng trưởng khá nhanh trong những năm gần đây. Doanh thu năm 2018 đạt hơn 2.300 tỷ đồng (tức hơn 100 triệu USD), gần gấp đôi năm 2016.

Doanh thu giảm 6% so với quý III năm trước

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện máy Điện lạnh Việt Úc (Kangaroo) công bố doanh thu thuần 3 tháng vừa qua của hãng máy lọc nước là 501 tỷ đồng, thấp hơn 6% so với quý III năm trước.

Trong kỳ kế toán vừa qua, doanh thu tài chính và chi phí tài chính của Kangaroo giảm tới 91% và 50% so với cùng kỳ xuống còn 505 triệu đồng và 7 tỷ đồng. Công ty cho biết nguyên nhân là ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá, tập trung kiểm soát hàng tồn kho, giảm vay ngắn hạn ngân hàng dẫn đến chi phí lãi vay giảm.

Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Kangaroo tăng thêm 20% và 18% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 166 tỷ đồng30 tỷ đồng. Công ty giải thích đã có một số thay đổi liên quan đến chính sách bán hàng và cơ chế thu nhập cho nhân viên kinh doanh.

Cụ thể, trong các khoản chi cho bán hàng, chi phí cho nhân viên tăng từ 46 tỷ đồng lên 56 tỷ đồng, chi phí khuyến mại tăng từ 39 tỷ đồng lên 61 tỷ đồng. Đây là hai khoản chi phí có mức tăng mạnh nhất của Kangaroo.

Sau khi hạch toán các loại chi phí, Kangaroo có lợi nhuận thuần 13 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh trong quý III. Cùng kỳ 2018, chỉ tiêu này của công ty lỗ 14 tỷ đồng.

Kangaroo tập trung kinh doanh các sản phẩm có tỷ lệ lợi nhuận gộp cao?

Với tỷ suất lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 30% lên 43%, Kangaroo đạt mức lãi gộp 215 tỷ đồng, cao hơn 36% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp lý giải sự tăng trưởng đến từ việc công ty tập trung kinh doanh các sản phẩm có tỷ lệ lợi nhuận gộp cao.

Biểu đồ kết quả doanh thu và lãi sau thuế của Kangaroo. Nguồn: Zing.vn

Năm 2019, Kangaroo đặt kế hoạch doanh thu thuần 2.810 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng. Như vậy, sau 3/4 thời gian, hãng máy lọc nước đã hoàn thành 63% mục tiêu doanh thu và 72% mục tiêu lợi nhuận.

Kết quả, doanh nghiệp của ông Nguyễn Thành Phương báo lãi trước thuế quý III/2019 đạt 15 tỷ đồng, tăng 350% so với cùng kỳ năm trước. Cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt trên 3,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng từ mức 3,8 tỷ đồng lên xấp xỉ 10,7 tỷ đồng.

Tính đến nay, Kangaroo sở hữu 5 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, 3 bằng độc quyền kiểu dáng, 700 models sản phẩm. Giai đoạn đầu, Kangaroo sản xuất thiết kế gốc (ODM), thiết kế sản phẩm sau đó gửi yêu cầu gia công ở các nước. Sau này, Kangaroo mở 2 nhà máy ở Hưng Yên và dự tính đặt 1 nhà máy ở Myanmar, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm từ 10% lên 70%. Tổng giám đốc Nguyễn Thành Phương trả lời báo giới cho biết "Kangaroo đầu tư nhà xưởng cho các đơn vị sản xuất linh kiện phụ trợ để lắp vào thiết bị của mình. Phần linh kiện lõi quan trọng nhất vẫn do công ty tự sản xuất bằng công nghệ riêng".

Kangaroo thành lập năm 2003, hiện có vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Các sản phẩm kinh doanh chính của công ty là máy lọc nước, hàng gia dụng, thiết bị nhà bếp với tỷ trọng doanh thu hơn 80%.

Trong năm 2019, Kangaroo dự kiến niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM với mã chứng khoán dự kiến là KGR. Trong tháng 7, Kangaroo đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký chứng khoán và niêm yết chứng khoán.

Chủ tịch HĐQT của Kangaroo hiện tại là ông Nguyễn Thành Phương, chồng của Á hậu Việt Nam 2016 Thanh Tú. Ông Phương hiện là cổ đông cá nhân lớn nhất của Kangaroo, giữ 5,88% cổ phần. Ngoài ra, ông còn giữ thêm 25% cổ phần công ty thông qua pháp nhân Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Công nghệ cao Toàn cầu.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc:

https://sohuutritue.net.vn/doanh-thu-9999-tu-thi-truong-noi-dia-kangaroo-bao-lai-truoc-thue-tang-350-d63204.html

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/doanh-thu-9999-tu-thi-truong-noi-dia-kangaroo-bao-lai-truoc-thue-tang-350-d63204.html

Bạn đang đọc bài viết Doanh thu 99,99% từ thị trường nội địa, Kangaroo báo lãi trước thuế tăng 350% tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp