Lợi nhuận sau thuế sụt giảm
Quý 3/2019, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) thực hiện được 2.675 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 9,5% so với cùng kỳ 2018. Giá vốn cũng tăng khi chiếm 1886 tỷ đồng.
Do đó lợi nhuận gộp đạt mức gần 789 tỷ đồng, tăng 28%. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên tăng từ 25,14% của cùng kỳ lên 29,48%.
Tuy nhiên, điểm trừ của Habeco chính là chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lần lượt 84% và 26% khi chiếm 576 tỷ đồng và 117 tỷ đồng.
Do đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Habeco cũng giảm 8% xuống 169 tỷ đồng.
Theo Habeco, lợi nhuận quý 3/2019 giảm mạnh do Công ty tập trung đẩy mạnh các chương trình quảng cáo, khuyến mại 6 tháng cuối năm 2019 như tăng cường nhận diện thương hiệu mới, phát triển sản phẩm bia Bold và Light hướng tới giới trẻ, vì vậy chi phí tăng vọt.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 6.669 tỷ đồng, giảm nhẹ so mức 6.778 tỷ đồng của cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm hơn 5%, xuống 484 tỷ đồng.
Lợi nhuận 9 tháng của Habeco đi lùi bởi chi mạnh quảng cáo dòng bia Bold và Light mới hướng tới giới trẻ |
Trong khi đó, Sabeco lại báo lãi tăng mạnh 42% trong quý 3 khi đạt 1.386 tỷ đồng và 9 tháng tới 4.045 tỷ đồng.
Tổng tài sản tại thời điểm cuối kỳ của Habeco cũng giảm 200 tỷ đồng, xuống mức 9.003 tỷ đồng. Vay nợ tài chính cũng được cắt giảm lần lượt còn 249 tỷ ngắn hạn và 194 tỷ dài hạn.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BHN của Habeco đang giao dịch tại mức giá 76.000 đồng/cp, giảm 11% trong vòng 1 quý vừa qua. Khối lượng giao dịch không đáng kể, bình quân chỉ khoảng hơn 5.000 đơn vị/phiên.
Bước đi mạo hiểm của Habeco với bia Bold và Light
Đánh giá về sự ra đời và chiến dịch quảng bá hai dòng sản phẩm Bold và Light, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, nguyên giám đốc tiếp thị của hai hãng bia nổi tiếng là Heineken và San Miguel nhìn nhận, việc nâng cấp hình ảnh vẫn diễn ra rất nhiều ở các công ty bia, tuy nhiên trường hợp của Habeco lại gặp phải một số vấn đề về chuyên môn.
Gắn mình với những giá trị văn hoá ẩn sâu trong tiềm thức của người Việt bao đời về Hà Nội trong thước phim quảng cáo thời lượng 30 giây những ngày cuối năm 2001, bia Hà Nội đã vươn mình vụt sáng trở thành một tài sản đắt giá của những người con xứ kinh kỳ. Nhờ triển khai chiến dịch “Một nét văn hoá Hà Nội”, bia Hà Nội về cơ bản đẩy bật Tiger Beer để chiếm trọn thị trường miền Bắc và miền Trung chỉ trong vòng sáu tháng.
Các sản phẩm bia Habeco trên thị trường. |
Việc ra mắt các dòng sản phẩm bia mới lần lượt được lên kế hoạch trước thềm đại lễ. Từ dòng bia chai 330ml Hanoi Beer Premium chào đời năm 2005 có sứ mệnh mang “Một nét văn hoá Hà Nội” ra thế giới được thiết kế phù hợp hơn với văn hoá phương Tây nhưng vẫn mang đậm đặc trưng của bia Hà Nội. Tiếp đến là kế hoạch hồi sinh dòng bia Trúc Bạch được ấp ủ từ năm 2007 với chiến dịch "Tiếng vọng ngàn năm".
Đến năm 2008, sản lượng Habeco tăng gấp 10 lần năm 2000. Bia Hà Nội tồn tại trong tiềm thức người tiêu dùng Việt như một nét văn hóa ẩm thực của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Xét về cấu trúc sản phẩm, bia chai Hà Nội được định hướng là sản phẩm nòng cốt của thương hiệu bia Hà Nội có sản lượng hàng năm chiếm đến 70% tổng sản lượng các sản phẩm của Habeco, các sản phẩm mới chỉ là sản phẩm phụ đóng góp khoảng 10%.
“Như vậy, việc đầu tư quá nhiều tiền cho một chiến dịch quảng cáo trong năm nay coi như cầm chắc lỗ. Hay nói nôm na là được cái này mất cái kia”, ông Quang nhận định.
Theo đó, khi hướng dư luận tập trung vào một sản phẩm hoàn toàn mới, cho dù có thành công đi chăng nữa thì doanh số của sản phẩm truyền thống là bia chai Hà Nội 450ml sẽ bị tụt giảm. Phần tụt giảm này không thể được bù đắp đủ bởi phần tăng nhỏ của sản phẩm mới cho dù theo báo cáo của FPTS, tốc độ tăng trưởng của phân khúc bia giá rẻ chỉ đạt 4,8% nhưng bia cao cấp lên tới 15% trong giai đoạn 2014-2017.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu Trí tuệ
Link gốc: https://sohuutritue.net.vn/chi-lon-cho-quang-cao-loi-nhuan-bia-habeco-co-tang-truong-d63129.html