Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Đề nghị nghiên cứu bổ sung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã

DTVN 06:28 17/03/2023

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực tế thế giới và Việt Nam không chuyển đổi hợp tác xã nhưng thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã đã có và nhu cầu rất lớn.

Có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH phát biểu tại tổ và hội trường, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Tiêu điểm - Đề nghị nghiên cứu bổ sung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã

Quang cảnh phiên họp.

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách.

Trong đó, khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là thống nhất triển khai theo Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ, không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều chỉnh các nội dung về 8 chính sách từ 1 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 8 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20.

Cơ bản tán thành với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đến thời điểm này cơ bản các nội dung của dự thảo Luật được các cơ quan thống nhất và có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Quy định rõ đảm bảo minh bạch

Góp ý đối với một số chính sách cụ thể, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến chính sách tiếp cận vốn và bảo hiểm. Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là những chính sách hết sức cần thiết đối với hợp tác xã nhưng thực tế lại có vướng mắc.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đối với chính sách tiếp cận vốn, dự thảo Luật cần quy định rõ các ngân hàng thương mại cho các chủ thể như tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vay vốn tín dụng thương mại theo quy định pháp luật hiện, trên cơ sở xem xét, đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả dự án sản xuất, kinh doanh, kể cả về năng lực tài chính và hiệu quả của dự án;

Quy định hợp tác xã và tổ hợp tác được sử dụng giá trị tài sản hình thành từ quỹ chung mang tên riêng để đảm bảo an toàn cho số vốn cần vay.

Đồng thời, rà soát quy định việc hợp tác xã được dùng tài sản hình thành từ việc đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến… làm tài sản thế chấp để vay vốn.

Về chính sách bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định trong Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp thí điểm về chính sách bảo hiểm nông nghiệp để lấy một số quy định đưa vào luật, trong đó có bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm ngư nghiệp, bảo đảm cho giá trị pháp lý cao hơn cho bảo hiểm trong lĩnh vực này.

Về bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, qua tổng kết hoạt động hợp tác xã nhiều năm cho thấy nguyện vọng thiết tha, cháy bỏng của cán bộ quản lý hợp tác xã, nhân viên hợp tác xã mong muốn khi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu. Đây cũng chính là chính sách trong Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm xã hội đa tầng của Việt Nam.

Tiêu điểm - Đề nghị nghiên cứu bổ sung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã (Hình 2).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định trường hợp nào phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quy định cách thức thành viên và người lao động làm việc thường xuyên, có nhận tiền công, tiền lương, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quy định cách thức và chế độ hỗ trợ thành viên của các hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; đồng thời quy định về cam kết của các thành viên hợp tác xã đối với những hỗ trợ chính sách này.

Nêu rõ, việc quy định rõ các nhóm chính sách về tiếp cận vốn, bảo hiểm và nghĩa vụ của các thành viên khi được hỗ trợ các chính sách liên quan đến tiếp cận vốn hoặc tiếp cận bảo hiểm mới có thể bảo đảm tính khả thi và sức sống của Luật.

Ngoài ra, đề nghị quy định rõ nội hàm đối với các chính sách như: chính sách hỗ trợ tiếp cận thị trường và chính sách hỗ trợ nghiên cứu thị trường; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro...

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã. Bởi đây là nội dung vướng nhưng dự thảo Luật chưa đề cập đến. Thực tế thế giới và Việt Nam không chuyển đổi hợp tác xã nhưng thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã đã có và nhu cầu rất lớn.

Gợi ý có thể nghiên cứu đưa ra những điều khoản mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để không để có khoảng trống pháp luật trong vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề áp dụng pháp luật trong thành lập doanh nghiệp đối với trường hợp hợp tác xã thành lập sẽ như thế nào… đề nghị quy định rõ để bảo đảm minh bạch

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/de-nghi-nghien-cuu-bo-sung-thanh-lap-doanh-nghiep-trong-hop-tac-xa-a598260.html

Bạn đang đọc bài viết Đề nghị nghiên cứu bổ sung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã tại chuyên mục Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nhà nước