Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 04/10/2024

Doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh lãi – lỗ thế nào?

DTVN 06:21 15/10/2022

Với nguồn lực nắm giữ, Chính phủ đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng.

Chính phủ mới có báo cáo gửi tới Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021.

Báo cáo này tổng hợp tình hình sức khoẻ của 826 doanh nghiệp tính đến 31/12/2021, trong đó 673 doanh nghiệp (476 đơn vị Nhà nước giữ 100% vốn và 197 có vốn Nhà nước trên 50%) và 153 doanh nghiệp cổ phần có vốn góp Nhà nước.

Năm 2021, 673 doanh nghiệp Nhà nước có tổng tài sản tăng 1%. Tỉ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 33% tổng tài sản với gần 3,65 triệu tỷ đồng; Lãi trước thuế tăng 25% so với 2020 đạt 198.672 tỷ đồng.

Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có lãi trước thuế tăng 31% so với năm 2020, tương đương 184.647 tỷ đồng.

Cụ thể chi tiết, 75 doanh nghiệp là tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con do Nhà nước giữ 100% vốn, có tổng tài sản hơn 2,73 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với 2020. Tài sản cố định chiếm bình quân 34% tổng tài sản.

Hồ sơ doanh nghiệp - Doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh lãi – lỗ thế nào?

Lãi trước thuế năm 2021 của các tập đoàn, tổng công ty tăng 33% so với 2020, đạt 156.531 tỷ đồng (Ảnh: VNPT).

Lãi trước thuế năm 2021 của các tập đoàn, tổng công ty tăng 33% so với 2020, đạt 156.531 tỷ đồng. Số tập đoàn, tổng công ty có lãi trước thuế trên 5.000 tỷ đồng vẫn chủ yếu ở các đơn vị có quy mô lớn như PVN 51.700 tỷ đồng, Viettel 36.908 tỷ đồng, EVN 17.991 tỷ đồng, VNPT 6.430 tỷ đồng, TKV là 5.288 tỷ đồng…

Các công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn hầu hết đều có lợi nhuận trước thuế cao. Một số ghi nhận lãi 2021 tăng mạnh, như công ty mẹ Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc tăng 7%, lãi 187 tỷ đồng.

Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lãi trước thuế 2021 là 5.875 tỷ đồng, tăng 267%; công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi 314 tỷ đồng, tăng 156%...

Tuy nhiên, cũng có công ty mẹ của một số tập đoàn, tổng công ty giảm lãi sâu, như công ty mẹ - Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Tổng công ty vận tải Hà Nội giảm lãi tới 90% khi chỉ phát sinh lãi 1 tỷ đồng. Hay công ty mẹ - Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) giảm 52% lãi so với 2020 khi có lãi trước thuế là 163 tỷ đồng...

Làm ăn thua lỗ

58/673 doanh nghiệp Nhà nước (chiếm 9%) thua lỗ với tổng ghi nhận lỗ phát sinh là 15.785 tỷ đồng. Ngoài ra, 138 doanh nghiệp (tương đương 21%) còn lỗ luỹ kế với tổng lỗ là 50.125 tỷ đồng.

Riêng số lỗ luỹ kế đến hết năm ngoái của 16 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 14.703 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Hoá chất ghi nhận khoản lỗ này lên tới 3.038 tỷ; Tổng Công ty Đường sắt 1.976 tỷ, hay Tổng Công ty Cà phê 857 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV 622 – BQP 77 tỷ đồng; Tổng Công ty Du lịch Hà Nội 69 tỷ đồng; TCT xây dựng Trường Sơn 61 tỷ đồng; Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (31 tỷ đồng); Tổng Công ty Thái Sơn 27,6 tỷ đồng…

Ngoài ra, 9 công ty mẹ lỗ lũy kế là 5.532 tỷ đồng, như công ty mẹ Tập đoàn Hóa chất lỗ 2.612,7 tỷ đồng; công ty mẹ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 1.822 tỷ đồng...

Hồ sơ doanh nghiệp - Doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh lãi – lỗ thế nào? (Hình 2).

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kinh doanh thua lỗ (Ảnh: Hữu Thắng).

Với 197 doanh nghiệp Nhà nước giữ trên 50% vốn, gồm 3 Tập đoàn Cổ phần, 17 Tổng công ty Cổ phần, 6 Công ty mẹ - con cổ phần và 171 công ty độc lập theo mô hình CTCP và công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Theo báo cáo của Chính phủ, có 23/197 đơn vị bị lỗ trong năm 2021 (chiếm 12%) với tổng lỗ phát sinh là 13.757 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp có số lỗ phát sinh cao, như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là 12.965 tỷ đồng; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Đài truyền hình Việt Nam) 342 tỷ đồng; Tổng Công ty Lương thực Miền Nam lỗ phát sinh 298 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phà An Giang lỗ phát sinh 30 tỷ đồng; Công ty Cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình lỗ phát sinh 25,6 tỷ đồng…

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khi chuyển đổi hoạt động kinh doanh thua lỗ, nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu, như Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Đài truyền hình Việt Nam) âm vốn sỡ hữu 3.551 tỷ đồng; Công ty cổ phần bóng đá Xuân Thiện Nam Định âm vốn 17 tỷ đồng, tăng 127% so với 2020...

Một số tập đoàn, tổng công ty có khoản nợ phải thu khó đòi lớn, như PVN là 19.404 tỷ đồng; Viettel 8.311 tỷ; Tổng Công ty Lương thực miền Bắc 714 tỷ đồng hay VNPT 622 tỷ đồng...

Một số công ty mẹ có tỉ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản cao (trên 50%) là Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô 1.372 tỷ đồng (64%); Tổng Công ty Tháo Sơn 2.198 tỷ đồng (62%), Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng 1.934 tỷ đồng (54%)...

Trong tổng nợ phải thu khó đòi của các công ty mẹ là 31.331 tỷ đồng (tăng 35% so với 2020), PVN chiếm gần một nửa; Vinachem (11.151 tỷ đồng), Viettel (940 tỷ đồng), MobiFone (420 tỷ đồng)...

Hiệu quả chưa tương xứng với nguồn lực

Chính phủ đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

“Hiệu quả đầu tư trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng khi phê duyệt dự án, một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản; các dự án đầu tư tại các khu vực bất ổn về kinh tế, chính trị, pháp lý, xã hội, thị trường...; một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả”, báo cáo nêu rõ.

Chính phủ cũng chỉ ra hạn chế, trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thật sự rõ ràng; cơ quan đại diện chủ sở hữu thiếu nguồn lực để hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả thể hiện qua việc chưa thực hiện triệt để việc tách bạch chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, cũng nằm trong nguyên nhân chủ quan dẫn đến hạn chế của khối này.

Tại báo cáo, Chính phủ xác định đến hết năm 2025 có ít nhất 25 doanh nghiệp Nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hoá trên thị trường chứng khoán trên 1 tỷ USD, trong đó, ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD.

Toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty vào ngân sách bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 5-10% so với 5 năm trước đó.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-kinh-doanh-lai-lo-the-nao-a574785.html

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh lãi – lỗ thế nào? tại chuyên mục Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nhà nước